29/03/2018 - 21:05

Robot  - điều dưỡng tương lai của người cao tuổi Nhật 

Paro, con robot hải cẩu, đang khóc thút thít khi được một bà cụ cưng nựng. Cùng lúc đó, người máy Pepper vẫy tay hướng dẫn một nhóm người cao tuổi tập thể dục. Đó là những hoạt động diễn ra thường ngày tại viện dưỡng lão Shin-tomi ở Thủ đô Tokyo, nơi sử dụng 20 mẫu robot khác nhau để chăm sóc sức khỏe các cụ.

Người cao tuổi tại nhà dưỡng lão Shin-tomi tập thể dục theo hướng dẫn của robot Pepper. Ảnh: Reuters

Theo Reuters, Chính phủ Nhật kỳ vọng viện dưỡng lão Shin-tomi sẽ trở thành một mô hình cho việc sử dụng robot  để giải quyết tình trạng dân số già và thiếu hụt nhân lực. Được biết, tuy việc cho phép robot chăm sóc người cao tuổi có thể là ý tưởng hơi “chói tai” ở phương Tây, bởi công việc này thường đòi hỏi sự tiếp xúc của con người, nhưng nhiều người dân đất nước Mặt trời mọc nhìn nhận điều đó là tích cực, phần lớn bởi vì các phương tiện thông tin đại chúng mô tả các robot là “thân thiện” và “hữu ích”.

Bên cạnh đó, bất chấp nhiều bước đi của Tokyo nhằm cho phép người nước ngoài làm công việc chăm sóc người cao tuổi, vẫn tồn tại nhiều trở ngại - trong đó có yêu cầu gắt gao về trình độ tiếng Nhật. Hệ quả là đến cuối năm 2017, chỉ có 18 người nước ngoài xin được thị thực theo diện làm công việc điều dưỡng tại Nhật.

 Nhật đang tài trợ việc phát triển robot chăm sóc người cao tuổi nhằm đối phó nguy cơ thiếu hụt 380.000 nhân viên có chuyên môn vào năm 2025. Cụ thể, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) phụ trách xúc tiến việc phát triển, cung cấp nguồn trợ cấp trị giá 45 triệu USD từ năm 2015. Còn Bộ Lao động đảm trách việc ứng dụng robot và đã chi 50 triệu USD để đưa chúng vào 5.000 cơ sở dưỡng lão trên toàn quốc hồi năm ngoái.

 Theo đánh giá từ Liên đoàn Robot Thế giới (IFR), thị trường toàn cầu về robot điều dưỡng và robot hỗ trợ người khuyết tật vẫn còn nhỏ khi chỉ đạt giá trị 19,2 triệu USD hồi năm 2016. Song METI ước tính ngành công nghiệp sản xuất robot chỉ riêng ở Nhật sẽ đạt giá trị 3,8 tỉ USD vào năm 2035 - thời điểm 1/3 dân số xứ Phù Tang từ 65 tuổi trở lên.

 Tuy nhiên, Reuters nhận định nhiều chướng ngại có thể cản trở sự phát triển nhanh chóng của thị trường robot chăm sóc người già tại Nhật - chẳng hạn như chi phí cao, các vấn đề an toàn và quan ngại về mức độ hữu ích và thân thiện của robot đối với người sử dụng. Đơn cử, Paro - cũng như đa số mẫu robot khác – có giá bán đắt đỏ, ở mức 3.800 USD tại Nhật và vào khoảng 6.200 USD tại châu Âu.

Được biết, đa số các cơ sở dưỡng lão có sử dụng robot chăm sóc tại Nhật đều dựa vào nguồn trợ cấp của chính quyền địa phương và trung ương để trang trải chi phí.

HUY MINH

Chia sẻ bài viết