02/02/2018 - 14:39

Rối loạn chu kỳ thức - ngủ báo hiệu sớm bệnh Alzheimer 

Bệnh nhân Alzheimer (chứng sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi) thường bị rối loạn đồng hồ sinh học của cơ thể, ảnh hưởng đến chu kỳ thức - ngủ và có thể làm tăng nguy cơ rối loạn nhận thức. Gần đây, các nhà khoa học Mỹ phát hiện những rối loạn nhịp sinh học xuất hiện rất sớm ở người bị ảnh hưởng trí nhớ.

Ảnh: Sleepdr.com

Ảnh: Sleepdr.com

Các mức độ gián đoạn giấc ngủ, bao gồm khó buồn ngủ và thường thức giấc trong đêm, cũng là dấu hiệu tiêu biểu của người lớn tuổi. Tuy nhiên, qua thí nghiệm đối với người và chuột, Tiến sĩ Erik S. Musiek và các cộng sự tại Khoa Y thuộc Đại học Washington nhận thấy trằn trọc vào ban đêm và thói quen ngủ ngày có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh Alzheimer.

Theo đó, 189 người nam và nữ với độ tuổi trung bình 66 được mời tham gia nghiên cứu trong 2 năm. Khi bắt đầu nghiên cứu, họ hoàn toàn không có dấu hiệu suy yếu thần kinh hoặc các vấn đề về trí nhớ. Mỗi người hoàn tất nhật ký ngủ vào mỗi buổi sáng, đồng thời đeo một thiết bị theo dõi hoạt động thức- ngủ trong 1-2 tuần. Trong thời gian này, 142 người được chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) để phát hiện những mảng bám amyloid- prôtêin tích tụ trong não và dự báo giai đoạn cận lâm sàng của bệnh Alzheimer. Số khác được kiểm tra về dịch não tủy cũng để xác định các prôtêin liên quan Alzheimer. Kết quả cho thấy 139 trường hợp không có dấu hiệu của các mảng amyloid. Tuy nhiên, 50 người được chụp quét não hoặc dịch não tủy bất thường đều bị rối loạn nhịp đồng hồ sinh học đáng kể, như thời gian họ ngủ vào ban đêm và mức độ tích cực trong ngày.

Phát hiện này củng cố nghiên cứu trước đây trên chuột khi Tiến sĩ Musiek cùng Phó Giáo sư thần kinh học Geraldine J. Kress theo dõi những rối loạn nhịp sinh học ở loài gặm nhấm bị Alzheimer. Để cản trở nhịp sinh học của chuột, nhóm nghiên cứu đã vô hiệu hóa gien kiểm soát đồng hồ sinh học của chúng. Qua 2 tháng nghiên cứu, vùng não liên quan bộ nhớ và tiếp thu của chuột bị rối loạn nhịp sinh học đã hình thành prôtêin amyloid nhiều hơn so với chuột có nhịp sinh học bình thường.

Nhóm tác giả cho rằng những phát hiện trên cho thấy liệu pháp nhắm trực tiếp vào hệ thống sinh học để bình thường hóa thời gian sinh học (chứ không chỉ tăng tổng thời gian ngủ) có thể hữu ích trong phòng ngừa bệnh Alzheimer. Nghiên cứu trên nhiều khả năng cũng sẽ giúp các bác sĩ xác định đối tượng có nguy cơ sớm mắc bệnh Alzheimer. Điều này có ý nghĩa quan trọng vì tổn thương ở não do Alzheimer có thể xảy ra 15-20 năm trước khi các triệu chứng lâm sàng xuất hiện.

HẠNH NGUYÊN (Theo LA Times, Xinhua)

Chia sẻ bài viết