12/11/2017 - 15:55

Rau quả bứt phá mạnh mẽ 

Trong 10 tháng qua của năm 2017, kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta đạt khoảng 2,84 tỉ USD, tăng 41,2% so với cùng kỳ năm 2016. Đây là mức tăng kỷ lục và dự báo xuất khẩu rau quả sẽ tiếp tục bứt phá trong 2 tháng cuối năm nay.

Trung Quốc vẫn chiếm thị phần lớn

Trước đó, theo thống kê 9 tháng qua của năm, lượng xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường láng giềng Trung Quốc tăng 53,1% trong 3 quý đầu năm 2017 và chiếm 76% lượng xuất khẩu rau quả của nước ta. Năm 2016,  kim ngạch xuất khẩu rau quả từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 1,739 tỉ USD, chiếm 70,7% tổng số kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta. Xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc trong năm nay dự kiến sẽ đạt mức 2,6 tỉ USD.

Hoạt động thu hoạch, mua bán vú sữa tại Cần Thơ. Ảnh: ANH KHOA

 

Thực tế trên cho thấy mức độ phụ thuộc quá lớn của ngành xuất khẩu rau quả nước ta vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc là quốc gia đông dân nhất thế giới và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nhu cầu của thị trường này rất lớn. Bên cạnh đó, Trung Quốc lại rất gần với nước ta về mặt địa lý, nên rất thuận lợi cho việc xuất khẩu nông sản, đặc biệt là rau quả. Mặt khác, việc đồng nhân dân tệ liên tục tăng giá trong thời gian qua cũng tạo điều kiện cho xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.

Để có thể giữ vững và phát triển tại thị trường Trung Quốc, ngành xuất khẩu rau quả của Việt Nam phải không ngừng nâng cao chất lượng hàng hóa đảm bảo những điều kiện kiểm soát của các nhà nhập khẩu. Thị trường Trung Quốc ngày càng phát triển và yêu cầu cao hơn bằng các biện pháp tăng rào cản kỹ thuật đối với nông sản nói chung và rau quả nói riêng.

Đáng mừng là trong 9 tháng qua của năm 2017, các thị trường khác có giá trị xuất khẩu rau quả tăng mạnh nhất là Nhật Bản (66,1%) và Các tiểu Vương quốc A-rập Thống nhất (UAE) 58%. Thị trường Nhật Bản đặc biệt tiêu thụ mạnh trái cây tươi từ Việt Nam như thanh long, xoài, vải thiều, chuối… với tổng kim ngạch khoảng 100 triệu USD/năm. Trong khi đó, các mặt hàng như chuối, thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, măng cụt, hồng xiêm, xoài đang được bán tại các siêu thị ở UAE với giá tốt, được người tiêu dùng quốc gia Trung Đông này ưa chuộng. Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu rau củ quả của nước ta sang UAE chỉ đạt 22,8 triệu USD.

Mở rộng thị trường và mặt hàng

Kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2017 của Việt Nam đang được kỳ vọng có thể vượt qua mốc 3,6 tỉ USD, tăng mạnh so với 2,4 tỉ USD của cả năm 2016, trong bối cảnh thanh long của nước ta được phép nhập khẩu vào thị trường Úc, vú sữa được phép thâm nhập thị trường Mỹ…

Việt Nam là nước đầu tiên được phép xuất khẩu vú sữa sang Mỹ. Đây loại quả thứ 5 của Việt Nam (cùng với quả vải, nhãn, chôm chôm và thanh long) vào thị trường lớn nhất thế giới. Tổng sản lượng vú sữa hằng năm của nước ta khoảng 60.000 tấn. Lâu nay, vú sữa Việt Nam chủ yếu chỉ tiêu thụ nội địa hoặc một phần xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Anh, Canada, Nga, Đức và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Việt Nam được coi là nước duy nhất trên thế giới chọn trái vú sữa làm hàng hóa xuất khẩu. Việc xuất khẩu thành công trái vú sữa tươi sang thị trường Mỹ mở ra cơ hội lớn cho các vùng trồng chuyên canh tăng năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế. Hiện diện tích trồng cây vú sữa của nước ta khoảng 5.000ha, trong đó tập trung tại Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều nhất là Tiền Giang (3.100ha), Cần Thơ (1.200ha).

Tuy nhiên, để vào thị trường Mỹ, trái vú sữa phải có vùng trồng được cấp mã số, chiếu xạ, phải được kiểm soát đối tượng dịch hại bắt buộc đối với 8 loại sâu hại, trong đó chủ yếu là các loại ruồi đục quả và rệp.

Trước đó, sau 9 năm đàm phán, thanh long nước ta đã được phép nhập khẩu vào Úc. Việt Nam là nước đầu tiên và duy nhất được cấp phép xuất khẩu thanh long vào thị trường này. Vải và xoài là hai trái cây tươi đầu tiên của nước ta đã xuất khẩu sang Úc, lần lượt từ năm 2015 và 2016.

Để bảo đảm tính bền vững trong xuất khẩu, ngành rau quả nước ta cần mở rộng và chinh phục những thị trường khó tính, nhất là Liên minh châu Âu (EU) vốn đòi hỏi rất nghiêm ngặt về chất lượng đóng gói, hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật. EU thị trường tiêu thụ khổng lồ nhưng trong 9 tháng đầu nay, xuất khẩu rau quả của nước ta vào đây không tăng bao nhiêu, chỉ đạt khoảng 100 triệu USD.

ĐỨC TRUNG 

Chia sẻ bài viết