12/06/2013 - 15:18

Rau củ, nên ăn sống hay nấu chín?

Bạn có bao giờ tự hỏi làm thế nào để tận dụng tối đa hàm lượng dinh dưỡng có trong rau củ? Ăn sống hay nấu chín sẽ tốt hơn khi mà quá trình chế biến có thể làm hao hụt dưỡng chất ở loại rau củ này nhưng lại phát huy tối đa lợi thế dinh dưỡng của loại rau củ khác? Những lời khuyên dưới đây của các chuyên gia dinh dưỡng sẽ giúp bạn hiểu rõ vấn đề này.

Rau diếp - ăn sống. Loại thực vật giàu chất diệp lục này được xem là một nguồn thực phẩm tuyệt vời cung cấp chất chống ôxy hóa và vitamin C, giúp tăng cường hệ miễn dịch. Lý do nên ăn sống rau diếp là vì vitamin C thường bị mất đi khi rau nấu chín. Ngoài ra, bạn cũng có thể bổ sung cho cơ thể một lượng lớn vitamin A và K khi trộn rau diếp với nước xốt làm từ dầu chưa tinh chế (unrefined oil).

Tỏi, hành tây - ăn sống. Tỏi và hành tây có chứa một hợp chất gọi là allicin - hóa chất có khả năng trì hoãn hơn đói và kích thích sản xuất kháng sinh tự nhiên, giúp cơ thể kháng vi-rút và chống viêm hiệu quả. Do đó, cách sử dụng tỏi và hành tây tốt nhất vẫn là ở dạng tươi.

Cải xoong - ăn sống. Cải xoong không những chứa nhiều vitamin nhóm B mà còn chứa hàm lượng cao axít folic, có tác dụng bảo vệ trí não và ngăn ngừa chứng suy giảm nhận thức ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, vitamin nhóm B và axít folic thường bị mất đi trong khi nấu. Do đó, bạn nên ăn sống loại rau này.

Dưa leo - ăn sống. Loại quả giàu khoáng chất và nước này được xem là một nguồn tổng hợp các chất dinh dưỡng. Nó chứa đựng 3 loại dưỡng chất thực vật, giúp ngăn ngừa quá trình ôxy hóa, kháng viêm cũng như chống ung thư.

Bông cải xanh - ăn sống.  Bông cải xanh chứa một lượng lớn myrosinase, một loại enzyme có công dụng giải độc gan, có thể bị phân hủy trong quá trình nấu chín.

Củ dền – ăn sống. Khi nấu chín, củ dền bị mất đi 25% hàm lượng axít folic. Do đó, ăn sống củ dền là cách giúp bảo toàn dưỡng chất có lợi cho não này.

Ớt đỏ - ăn sống. Vitamin C trong ớt đỏ sẽ bị tiêu hủy khi nấu, nướng hoặc chiên, xào ở nhiệt độ cao.

Cải bó xôi - nấu chín. Cơ thể bạn dễ dàng hấp thụ chất sắt, canxi cũng như magiê từ cải bó xôi khi nó được nấu chín.

Nấm - nấu chín. Dĩ nhiên chúng ta biết nấm phải được nấu chín trước khi ăn, nhưng bạn có biết nấm là nguồn thực phẩm rất giàu vitamin B, khoáng chất và chất xơ. Để tận dụng tối đa hương vị cũng như chất dinh dưỡng của nấm, bạn nên xào chúng trong vài phút với lửa vừa.

Bí đỏ - nấu chín. Các chất dinh dưỡng của bí sẽ được giữ lại khi được nấu chín. Thịt bí rất giàu vitamin A và rất tốt cho sức khỏe của phổi.

Cà chua - nấu chín. Cà chua chứa nhiều chất lycopene, một hóa chất tạo nên sắc đỏ của cà chua, được xem là một chất chống ôxy hóa mạnh đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa bệnh ung thư và cả bệnh tim. Lycopene trong cà chua phát huy tác dụng tốt nhất khi được nấu chín.

Cải xoăn - nấu chín. Loài thực vật này được cho là chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn bất kỳ loại rau củ nào khác. Việc nấu chín cải xoăn sẽ giúp làm tăng khả năng hấp thụ một loại dưỡng chất thực vật có lợi cho sức khỏe tên là carotenoid - một chất chống ôxy hóa giúp chống lại bệnh ung thư và tăng cường chức năng của hệ miễn dịch.

Măng tây – nấu chín. Măng tây hấp phát huy tối đa tiềm năng chống ung thư của nó.

TRÍ VĂN
(Theo Health, Huffing Post)

 

Chia sẻ bài viết