25/10/2009 - 20:59

TP Cần Thơ

Ráo riết chuẩn bị "đất sạch" mời gọi đầu tư

Ông Nguyễn Hữu Lợi, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: qua 2 lần tổ chức hội nghị xúc tiến mời gọi đầu tư vào thành phố trong năm 2009 đã có hơn 20 cam kết đầu tư được ghi nhớ với số vốn lên đến 9 tỉ USD. Vì vậy, hiện nay, việc chuẩn bị “đất sạch” (đất không vướng giải phóng mặt bằng) để giao cho nhà đầu tư đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố...

* KHÓ GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG

Xác định chuẩn bị “đất sạch” là yếu tố đầu tiên hàng đầu để mời gọi đầu tư nên Ban Thường vụ Thành ủy TP Cần Thơ đã có Thông báo số 54-KL/TU giao cho Thường trực UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành chức năng, làm việc cụ thể với các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các KCN. Phấn đấu đến cuối năm 2009, tại các KCN Hưng Phú 1, 2 phải có từ 20-30% “đất sạch” và đến giữa năm 2010 phải có 50-60% “đất sạch” (tương đương 200ha đất thô, 120ha đất công nghiệp). Nếu đến tháng 6-2010, các chủ đầu tư không triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng thì UBND thành phố nghiên cứu ban hành quyết định thu hồi dự án.

 Khi có “đất sạch” sẽ thuận lợi cho nhà đầu tư khẩn trương triển khai dự án. Ảnh: Một dự án triển khai trên địa bàn quận Cái Răng TP Cần Thơ.

Thực hiện theo tinh thần thông báo này, UBND thành phố đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại với nhà đầu tư hạ tầng các KCN để hỗ trợ chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Vướng mắc lớn nhất được các nhà đầu tư đặt ra là người dân trong vùng dự án nêu ra các yêu sách vượt quá khả năng của nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc chi nhánh Công ty vật liệu xây dựng và xây lấp Thương mại (BMC) tại Cần Thơ, chủ đầu tư hạ tầng KCN Hưng Phú 2A, cho biết: “KCN Hưng Phú 2A có diện tích 134 ha bao gồm khu tái định cư 33ha, với hơn 700 hộ bị ảnh hưởng. Sau hơn 2 năm được chấp thuận chủ trương đầu tư, chúng tôi chỉ mới thỏa thuận đền bù được khoảng 35ha. Trong quá trình thực hiện cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là tình trạng người dân cất nhà, trồng cây, xây dựng chuồng trại theo kiểu đối phó chờ đền bù. Mặt khác, do hành lang pháp lý về đền bù thu hồi đất chưa đầy đủ cũng gây trở ngại rất lớn cho nhà đầu tư. Đơn cử như, theo Quyết định 91/2008/QĐ-UBND của UBND TP Cần Thơ về chính sách đền bù tái định cư khi thu hồi đất thì giá vật liệu xây dựng được tính vào thời điểm lạm phát năm 2008 đến nay không còn phù hợp. Lợi dụng kẽ hở này nhiều hộ dân trong dự án cho xây bể xi măng với danh nghĩa là để nuôi ba ba. Nếu căn cứ Quyết định 91/2008/QĐ-UBND của UBND TP Cần Thơ thì mỗi một bể xi măng diện tích khoảng 30-40m2 nhà đầu tư đã phải đền bù đến hàng trăm triệu đồng”...

Đồng tình với ý kiến này, ông Ngô Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần KCN Sài Gòn-Cần Thơ, cũng cho rằng nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện tự thỏa thuận với người dân về giá đền bù. Thực tế hiện nay ngành chức năng chưa có quy định nào về giá trần đất đai nên phần lớn hộ dân đều yêu cầu nhà đầu tư phải đền bù cao hơn giá thực tế, có hộ còn đặt vấn đề phải cấp luôn nền tái định cư để cho con ra ở riêng. Chính vì nhà đầu tư và hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án chưa “gặp nhau” mà dự án bị ách tắc ngay khâu giải phóng mặt bằng.

Khó khăn của hai nhà đầu tư này cũng là khó khăn chung của hầu hết nhà đầu tư hạ tầng KCN và bất động sản khác tại TP Cần Thơ.

* GIẬM CHÂN TẠI CHỖ DO CHỜ VĂN BẢN HƯỚNG DẪN

Nhiều nhà đầu tư băn khoăn: Nghị định 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ về quy định bổ sung quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đã có hiệu lực từ ngày 1-10-2009 nhưng Thông tư 14/2009/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên-Môi trường hướng dẫn thực hiện nghị định này thì đến 16-11-2009 mới bắt đầu có hiệu lực. Như vậy, từ nay đến 16-11-2009 sẽ áp dụng văn bản pháp lý nào cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Mặt khác, trong Quyết định 91/2008/QĐ-UBND TP Cần Thơ về đền bù, tái định cư chỉ sau một thời gian ngắn áp dụng đã bộc lộ nhiều điểm chưa hợp lý cần điều chỉnh, nhưng vì UBND thành phố cũng đang chờ lấy ý kiến các sở ngành, và chờ thông qua HĐND nên chưa thể ban hành quyết định thay thế. Hiện tại, nhà đầu tư đang rất lúng túng, không biết phải áp dụng theo khung pháp lý nào cho chính sách giải tỏa đền bù, do vậy mà gần như các dự án điều phải “án binh bất động” chờ văn bản hành chính để áp dụng thực hiện.

Một khó khăn khác mà nhiều nhà đầu tư tại TP Cần Thơ đang gặp phải là công việc điều tra, áp giá đền bù hiện nay được thực hiện chủ yếu bởi ban bồi thường giải phóng mặt bằng các quận, huyện, trong khi đó nhân sự của đơn vị này chưa đáp ứng được yêu cầu. Điển hình như tại quận Cái Răng, nơi có đến hơn 30 dự án với diện tích đất bị ảnh hưởng lên gần 3.000ha, nhưng nhân sự của ban bồi thường chỉ có 10 người thì khó có thể đáp ứng yêu cầu cho nhà đầu tư.

Để tháo gỡ khó khăn này, ông Nguyễn Hữu Lợi, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, sắp tới sẽ có quyết định bổ sung nhân sự cho các ban bồi thường giải phóng mặt bằng các quận huyện có nhiều dự án đầu tư để đảm bảo thực thi nhiệm vụ. Bên cạnh đó, thành phố cũng khuyến khích thành lập các doanh nghiệp tư nhân về thực hiện công tác này để hợp sức cùng ngành chức năng thực hiện nhanh chóng công tác giải tỏa đền bù, giao đất sạch cho nhà đầu tư.

Theo Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, hiện tại TP Cần Thơ có 8 KCN, trong đó KCN Trà Nóc 1, Trà Nóc 2 diện tích 290ha đã cơ bản lấp đầy; KCN Ô Môn và Bắc Ô Môn có diện tích 1.000ha đang trong giai đoạn lập quy hoạch tỷ lệ 1/2000. Như vậy, ở thời điểm hiện nay, chỉ còn lại 4 KCN là Hưng Phú: 1, 2A, 2B và Thốt Nốt đang trong giai đoạn đền bù, xây dựng hạ tầng. Tuy nhiên, hiện nay chủ đầu tư các KCN này đều gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng, nếu khó khăn này không sớm được giải quyết thì sức ép thiếu “đất sạch” để giao cho nhà đầu tư sẽ vẫn còn tiếp diễn...

PHƯỚC THỚI

Chia sẻ bài viết