21/11/2017 - 08:33

Đồng chí Dương Văn Diễn, nguyên Đại đội phó C28 Tiểu đoàn Tây Đô 1, nguyên Đại đội trưởng Biệt động C823 Thành đội Cần Thơ:

Quyết chiến đấu vì độc lập, tự do 

Trong thời gian công tác ở Tiểu đoàn Tây Đô 1, tôi tham gia đánh rất nhiều trận, những trận lớn thì nhớ, nhỏ thì nhớ không hết, nhưng ít nhất cũng trên 20 trận.

Ký ức năm 1968

Năm 1968 tôi là Đại đội phó của C28, Tiểu đoàn tây Đô 1. Tôi cùng với tiểu đoàn nhận lệnh tấn công, các cánh quân của Cần Thơ từ Phụng Hiệp, Long Mỹ đồng loạt kéo về huyện Châu Thành, điểm tập kết vào Vòng Cung là Rạch Sung. Ta chỉ mang vũ khí và những thứ cần thiết nhất vào chiến dịch, sẵn sàng vượt sông vào Vòng Cung. Từ Mỹ Khánh, ta phát triển lên An Bình, Vườn Mận xuyên qua ấp Thới Nhựt, mở cửa đồn Rạch Ngỗng, đường Mậu Thân tiến thẳng lên hướng dinh Tỉnh trưởng ngụy quyền. Ở đây tôi chỉ nói mũi đơn vị Tây Đô, còn các mũi khác như Biệt động TP thì đã đưa quân ém trước ở các nhà nghỉ, khách sạn đợi lệnh. Còn các lực lượng Quân khu thì mở mũi tấn công từ hướng Phong Điền, Ô Môn tiến vào khu Trà Nóc, hướng vào Vùng 4 chiến thuật của Ngụy.

Đúng giờ G ta nổ súng. Từ đêm mùng Một đến sáng mùng Hai Tết, ta với địch giằng co quyết liệt. Ta và địch đều có tiêu hao lực lượng và phía ta bổ sung người bằng cách rút lực lượng xã, huyện lên tiếp tục chiến đấu. Địch dồn lực lượng các nơi về bảo vệ bằng được trung tâm Vùng 4 chiến thuật. Đánh đến mùng 7 âm lịch, ta rút hết quân ra khỏi thành phố và tiếp tục đánh ven đô.

Khi đánh vào thành phố, tôi có một kỷ niệm khó quên: Đêm mùng 5 quân ta từ hướng đường Tạ Thu Thâu (nay là đường Mậu Thân) thọc nhiều mũi về hướng lộ Tự Đức và Sở 4 an ninh ngụy. Đoạn khu vực Sở 4 an ninh ngụy đơn vị Tây Đô đóng tiếp giáp với một cánh quân của đơn vị Quân khu là 309. Đơn vị này bị địch đánh rất sát, sau đó chỉ huy lệnh tôi dẫn 1 trung đội tiến lên lấp vào chỗ trống để bảo vệ đội hình của Tiểu đoàn. Trên đường tôi và đồng đội vận động lên, trên đầu thì trực thăng nhả pháo, khói đạn mịt mù, dãy nhà cặp theo rạch bị cháy. Tôi dẫn đơn vị chạy dưới kinh cạn, ngược ra trận địa, gặp  2 đồng chí nằm dưới bãi sình, đều bị thương rất nặng nhưng không cách nào giúp được, vì nhiệm vụ của chúng tôi là ra lấp đội hình để bảo vệ Tiểu đoàn. Mũi quân của tôi trận đó có 17 đồng chí. Trận này khi đang đánh lên tôi gặp đồng chí Ba Lam và Tám Nghĩa ở cùng 1 công sự. Sau này đồng chí Ba Lam hy sinh.

Khi rút khỏi thành phố, quân ta về hoạt động ven đô gồm Long Tuyền, Mỹ Khánh, Giai Xuân, An Bình… Khi ta vừa rút quân thì địch phản kích ngay. Quân ta chặn đánh từ đoạn cách cầu Rạch Ngỗng khoảng 300 mét kéo dài vô rạch Thới Nhựt, Rau Răm thuộc xã An Bình vì đây là địa bàn trọng điểm của ta, cũng là yết hầu của Vùng 4 Ngụy, nên bằng mọi cách địch quyết đẩy lực lượng ta ra khỏi vùng này.

Đơn vị ta tiếp tục nghiên cứu đánh Chi khu Phong Điền. Trận này một cánh đơn vị của Khu và Tây Đô kết hợp. Đơn vị Tây Đô chủ công, khu đưa qua 1 C bộ binh do đồng chí Ba Hưởng là C trưởng, một phân đội phòng  không do đồng chí Hai Thông phụ trách, còn lại toàn trận địa do Tây Đô đảm nhiệm. Lúc này đồng chí Phạm Hoàng Pho (Út Long) làm đại đội trưởng, chỉ huy mũi của tôi có nhiệm vụ đánh thọc sâu vào chợ, hướng từ cặp mé sông đánh lên, các mũi khác hướng từ bờ ruộng đánh vô, còn phòng không đặt cách trận địa khoảng 300 mét. Hợp đồng đúng giờ G là nổ súng các mũi đánh vào. Mũi của tôi đụng địch kháng cự rất ác liệt, 1 đồng chí hy sinh, 1 đồng chí bị thương. Các mũi khác của ta cũng có thương vong, trong đó có đồng chí Ba Hưởng (C trưởng) bị thương cổ chân đứt gần lìa. Đồng chí nhờ anh em cắt dùm nhưng không ai nỡ, đồng chí tự lấy leng cắt, sau đó đồng chí hy sinh.

Sau trận Phong Điền quân ta rút trở vào Giai Xuân, đóng ở khu vực cầu Cả Lang, qua Trà Bét, đánh phòng ngự với Sư đoàn 21 giằng co quyết liệt trong ngày. Ta bắn rơi 1 máy bay trực thăng địch. Sau đó, Tỉnh đội điều về Châu Thành B tiếp tục đánh nhiều trận. Trong đó, ở Đường Gỗ có 2 trận lớn, Cái Muồng Nhỏ cũng có 2 trận lớn; Ông Cửu có 1 trận rất lớn…

Ý chí sắt thép trước bom đạn

Trong những trận đánh đó, ta đánh địch bằng nhiều chiến thuật, công đồn, chính diện, tập kích, phòng ngự, tuyên truyền vũ trang, diệt ác, phá thế kềm kẹp của địch. Ác liệt nhất là đánh phòng ngự. Vũ khí của ta chỉ có súng bộ binh mang vác được, súng lớn nhất cũng không vượt quá 75 ly. Còn địch đánh ta bằng nhiều vũ khí và binh chủng, lực lượng cũng hơn ta gấp nhiều lần.

Nói về một trận đánh phòng ngự, khi địch đổ quân đụng với ta, hai bên nổ súng, địch lui ra cách ta một khoảng an toàn, liền theo đó là máy bay L19 là loại bay trinh sát, phóng trái màu, làm mục tiêu, cho máy bay F105, cả 3 phi đội ném bom, mỗi phi đội 3 chiếc ném liên tục khoảng 40 pháo. Bộ binh địch cũng đổ dù chi viện, mỗi đoàn trực thăng HU1A là 25 chiếc, liên tục 2 đoàn, cộng thêm 6 trực thăng chiến đấu, tổng số trực thăng 56 chiếc, máy bay ném bom 9, máy bay trinh sát L19 3 chiếc. Tóm lại, trên vùng trời trận địa luôn túc trực 68 hoặc 70 chiếc máy bay các loại. Đánh nhau trong ngày địch tấn công ta 4 lần thì có 4 lần ném bom, 4 lần bắn phá. Nếu trận địa nằm trong tầm đại bác, thì quân ta còn phải chịu thêm một loại hỏa lực nữa.

Chiến thuật của địch là tìm diệt, dùng hỏa lực bom đạn tiêu diệt đối phương, đưa bộ binh làm chủ trận địa. Còn ta dùng bộ binh tiêu hao sinh lực địch, nếu có điều kiện ta xuất kích tiêu diệt địch và thu vũ khí. Nhưng phải bảo tồn lực lượng của ta và giữ vững trận địa. Đến tối, ta rút quân. Khi đông quân, ta luôn tận dụng địa hình vườn cây rậm rạp và liên hoàn để di chuyển nên máy bay địch không phát hiện. Tiểu đoàn đóng quân thường từ 8 đến 10km vuông. Địa hình đó nếu đánh địch, từ khi nhận chiến đến chiều, xem như cây không còn lá, cây bị tàn phá đến 70%.

Trước bom đạn, tinh thần của chiến sĩ ta đều kiên định ý chí sắt thép, không chùm bước. Hồi tưởng lại, thấy nhớ cả một giai đoạn lịch sử quân dân ta chiến đấu để được như lời Bác dạy: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. 

Tường Vi (ghi)

Chia sẻ bài viết