30/09/2017 - 16:11

Quy hoạch ĐBSCL theo hướng tích hợp 

Các bộ ngành Trung ương đang tiến hành lập Quy hoạch tổng thể theo hướng tích hợp phát triển vùng ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH), tầm nhìn đến năm 2050. Nhiều ý kiến của các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia cho rằng, cần có giải pháp tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng và nhất là kết cấu hạ tầng giao thông cho vùng ĐBSCL phát triển bền vững, phát triển đô thị vùng theo hướng thích ứng BĐKH.

Quy hoạch theo hướng tích hợp

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, BĐKH đối với ĐBSCL đã và đang diễn ra ngày càng nhanh hơn, khốc liệt hơn so với dự báo trước đây; tác động lớn đến phát triển bền vững của vùng, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân. Những tác động tiêu cực của BĐKH trở nên nghiêm trọng hơn, bởi yếu tố con người như việc khai thác quá mức tài nguyên đất, nước... Đây là vấn đề có tính chất liên ngành, vượt qua phạm vi của một ngành, ranh giới hành chính của một địa phương. Tuy nhiên, các chương trình dự án, quy hoạch, kế hoạch, giải pháp đã và đang được thực hiện còn thiên về ứng phó cục bộ; không dựa trên việc xem xét tổng thể về không gian, thời gian, liên ngành, liên vùng…

Thời gian qua, Trung ương luôn quan tâm đầu tư các công trình cho vùng ĐBSCL thích ứng BĐKH. Trong ảnh: Dự án kè sông Cần Thơ phía bờ Cái Răng hoàn thành, phát huy hiệu quả chống sạt lở bờ sông. Ảnh: ANH KHOA

Về công tác quy hoạch, hiện có hơn 2.500 quy hoạch được lập cho vùng ĐBSCL. Riêng quy hoạch cấp vùng hiện có tới 22 bản quy hoạch, bao gồm: 3 quy hoạch về phát triển kinh tế - xã hội; 5 quy hoạch về xây dựng; 7 quy hoạch về phát triển nông nghiệp, nông thôn; 7 quy hoạch phát triển một số ngành, lĩnh vực chủ yếu (giao thông, điện lực, thương mại, du lịch, thông tin và truyền thông). Các quy hoạch cấp vùng được lập theo các phạm vi không gian khác nhau, gồm: phạm vi toàn vùng ĐBSCL (13 tỉnh, 3 thành phố), vùng kinh tế trọng điểm (4 tỉnh, thành phố) và vùng biển, ven biển Việt Nam thuộc Vịnh Thái Lan. Việc lập nhiều quy hoạch, thiếu liên kết, thiếu tầm nhìn; không gắn với khả năng cân đối nguồn lực, thiếu tính khả thi; chất lượng quy hoạch kém gây khó khăn trong chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội, cản trở việc đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, người dân, gây lãng phí cơ hội, lãng phí nguồn lực. Để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của vùng ĐBSCL, đòi hỏi phải xử lý các vấn đề một cách tổng thể dựa trên bản quy hoạch vùng theo hướng tích hợp.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Cần có quyết tâm chính trị và sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của tất cả các bộ, ngành và địa phương trong vùng để xây dựng, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch tổng thể với cách tiếp cận tích hợp, đa ngành, liên vùng nhằm giải quyết một cách toàn diện các vấn đề thách thức hiện nay và định hướng cho sự phát triển dài hạn của vùng ĐBSCL. Việc lập quy hoạch tổng thể vùng theo hướng tích hợp phải đi trước một bước và làm tiền đề cho việc xác định các ưu tiên phát triển, cũng như các chương trình, dự án cụ thể…

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, định hướng xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển vùng ĐBSCL đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng tích hợp và phù hợp với đặc thù của vùng và thích ứng BĐKH. Quy hoạch cũng tạo ra một khung chiến lược toàn diện cho vùng ĐBSCL, làm cơ sở để triển khai các chương trình, dự án đầu tư phát triển đồng bộ để sử dụng hiệu quả các nguồn lực trên cơ sở phát huy những tiềm năng, lợi thế của vùng ĐBSCL trong điều kiện BĐKH. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trong quá trình xây dựng quy hoạch và dự kiến trình thẩm định, phê duyệt trong quý I-2019…

Rà soát, đầu tư giao thông thích ứng BĐKH

Theo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Bộ đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển GTVT vùng ĐBSCL đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Bộ GTVT sẽ thường xuyên rà soát, cập nhật hoàn chỉnh quy hoạch này để thích ứng với điều kiện BĐKH...

ĐBSCL hiện có 4 phương thức vận tải là: đường bộ, thủy nội địa, đường biển và hàng không. Trong đó, hệ thống đường bộ có tổng chiều dài 82.966 km (quốc lộ và cao tốc dài 2.066 km, đường tỉnh dài 4.718 km, đường đô thị 3.332 km, còn lại là đường huyện, xã, đường trục nội đồng); đường thủy trên 13.000 km và có lợi thế lớn trong khai thác vận tải đường thủy nội địa. Về đường biển hiện chưa phát huy được lợi thế, do một số cửa biển bị bồi lấp, ảnh hưởng lớn đến khả năng khai thác vận tải đường biển. Về hàng không, hiện có 2 cảng hàng không quốc tế là Cần Thơ, Phú Quốc và 2 sân bay Rạch Giá, Cà Mau với năng lực khai thác 5,05 triệu lượt hành khách, đáp ứng được nhu cầu vận tải đến sau năm 2020.

Theo Bộ GTVT, tới đây, trong quá trình triển khai đầu tư kế cấu hạ tầng giao thông cho vùng ĐBSCL, Bộ sẽ xem xét đến tình hình ngập lụt, úng, triều cường để có phương án đầu tư các công trình đảm bảo tính bền vững, thích ứng BĐKH và nước biển dâng, phù hợp với quy hoạch xây dựng của toàn vùng. Đồng thời, có các giải pháp ứng phó với BĐKH như: nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến phục vụ việc củng cố, nâng cấp hệ thống công trình cảng, biển; tăng cường nghiên cứu, quan trắc, cảnh báo sớm diễn biến xói lở, bồi ở các vùng có lưu lượng dòng chảy lớn, có nguy cơ sạt lở để có biện pháp thích hợp phòng tránh hoặc thích ứng. Đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ mới, trong đó có sử dụng các loại vật liệu bền vững với biến động thời tiết, chịu đựng được những khắc nghiệt do tai biến thiên nhiên.

Phát triển đô thị phù hợp với tình hình mới

Theo Thạc sĩ - Kiến trúc sư Nguyễn Việt Thắng, Viện Quy hoạch Xây dựng miền Nam, Chủ nhiệm đồ án Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, cần phát triển đô thị vùng ĐBSCL thích ứng BĐKH. Dựa trên nền tảng sinh thái và nước thông qua tiếp cận sinh thái và quản lý tổng hợp nước trong chuyển đổi mô hình phát triển và quy hoạch phát triển vùng ĐBSCL. Tương ứng với 3 phân vùng là: chịu tác động ngập, xâm nhập mặn khác nhau do BĐKH - nước biển dâng và tác động thượng nguồn sông Mekong; là các hình thái đô thị thích ứng tại vùng ngập sâu Đồng Tháp Mười và một phần Tứ giác Long Xuyên, vùng giữa đồng bằng phù sa và vùng ven biển.

Vùng ngập sâu (Đồng Tháp Mười và một phần Tứ giác Long Xuyên) chiếm 15% diện tích tự nhiên vùng ĐBSCL, trở thành vùng quản lý ngập và trữ nước ngọt, nhằm chủ động nguồn nước cho vùng, hạn chế mở rộng phát triển đô thị; dự báo đến năm 2030 có 8% dân số đô thị toàn vùng phân bố tại vùng ngập sâu. Vùng giữa đồng bằng phù sa chiếm 30% diện tích ĐBSCL, là vùng sản xuất nông nghiệp đa dạng (lúa, trái cây, hoa màu…), đây là vùng thuận lợi và khuyến khích phát triển đô thị nhưng là hình thái phát triển đô thị nén, hạn chế phát triển dàn trải, bảo vệ đất nông nghiệp màu mỡ; dự báo đến năm 2030 có 56% dân số đô thị toàn vùng phân bố giữa đồng bằng.

Vùng ven biển (ven biển Đông, biển Tây và bán đảo Cà Mau) chiếm 47% diện tích ĐBSCL, là vùng có sự chuyển đổi, mở rộng nuôi trồng thủy sản nước lợ theo hướng sinh thái trong điều kiện xâm nhập mặn gia tăng, gắn với trồng rừng ngập mặn; đây là vùng phát triển kinh tế biển năng động nhưng không mở rộng đô thị quá nhiều, giảm rủi ro do thiên tai do BĐKH-nước biển dâng. Dự báo đến năm 2030 có 36% dân số đô thị toàn vùng phân bố tại vùng ven biển… Trong đó, riêng TP Cần Thơ có quy mô dân số lớn nhất vùng, được quy hoạch theo cấu trúc chuỗi các khu đô thị nén đan xen với các hành lang không gian xanh, nông nghiệp đô thị và nước.

ANH KHOA

Chia sẻ bài viết