28/01/2018 - 18:52

Đồng bằng sông Cửu Long

Quy hoạch bền vững khu dân cư để thích ứng biến đổi khí hậu 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện nay, tình hình sạt lở ở ĐBSCL diễn biến phức tạp, với 49 điểm/266km bờ biển bị sạt lở; 513 điểm/520km bờ sông bị sạt lở, trong đó có 40 điểm/131 km bờ sông sạt lở đặc biệt nguy hiểm, ảnh hưởng đến sinh mạng, sản xuất, kinh doanh, tài sản của người dân. 

An cư cho vùng bị ảnh hưởng

Trong 5 năm qua (giai đoạn 2012-2017), các địa phương tại khu vực ĐBSCL đã thực hiện nhiều chính sách, dự án ổn định chỗ ở an toàn, đảm bảo “an cư lạc nghiệp” cho người dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở, thiên tai. Từ báo cáo của các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, trong giai đoạn này toàn vùng đã và đang triển khai thực hiện 22 dự án bố trí dân cư. Kết quả thực hiện bố trí ổn định trên 1.000 hộ đến nơi ở an toàn và sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Phần lớn các hộ được bố trí chỗ ở là hộ thuộc vùng bị ảnh hưởng thiên tai, như: sạt lở bờ sông, bờ biển, ngập lũ sâu... thuộc các tỉnh Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang. Kết quả này cơ bản giúp người dân tránh được những rủi ro, thiệt hại về người và tài sản khi mùa mưa bão xảy ra hằng năm; đời sống của nhân dân từng bước được ổn định.

Nhiều địa phương trên địa bàn TP Cần Thơ đón nhận những căn nhà Đại đoàn kết do lãnh đạo UBMTTQVN thành phố trao tặng từ nguồn vận động doanh nghiệp hỗ trợ, giúp hộ nghèo có nơi ở ổn định, tránh thiệt hại do thiên tai. Ảnh: HÀ VĂN

Nhiều địa phương trên địa bàn TP Cần Thơ đón nhận những căn nhà Đại đoàn kết do lãnh đạo UBMTTQVN thành phố trao tặng từ nguồn vận động doanh nghiệp hỗ trợ, giúp hộ nghèo có nơi ở ổn định, tránh thiệt hại do thiên tai. Ảnh: HÀ VĂN

Hiện Bộ NN&PTNT cũng đang phối hợp cùng các địa phương triển khai kế hoạch bố trí ổn định chỗ ở cho dân di cư tự do (5.000 hộ) từ Campuchia trở về Việt Nam và sinh sống ở các tỉnh Tây Nam bộ; đồng thời bố trí một lượng lớn lao động ĐBSCL tìm kiếm việc làm ở các đô thị trong vùng, tạo nên sự biến động lớn về lao động ở khu vực ĐBSCL.

Tại TP Cần Thơ, ngoài chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ giai đoạn 2001-2008, đến nay, thành phố triển khai tiếp tục 4 cụm dân cư vượt lũ tại quận Bình Thủy, huyện Phong Điền và huyện Vĩnh Thạnh, dự kiến bố trí 714 hộ dân bị ảnh hưởng thiên tai, sạt lở... Hiện nay, công tác tôn nền và xây dựng hạ tầng thiết yếu cụm dân cư này đã hoàn thành 3/3 dự án, bố trí 431 nền cho các hộ dân vào ở. Trong đó có 205 nền bố trí theo diện chính sách, 226 nền tái định cư... Ngoài ra, 5 năm qua (2012-2017), TP Cần Thơ thực hiện nhiều chương trình huy động sức dân, nhà hảo tâm, doanh nghiệp xây dựng nhà tình thương, nhà Đại đoàn kết... giúp hàng ngàn hộ gia đình gặp khó khăn về nhà ở được sửa chữa, nâng cấp, xây dựng nhà mới... Năm 2016, huyện Cờ Đỏ đã xây dựng hoàn thành khu dân cư dành cho đồng bào dân tộc thiểu số (ở ấp Thới Hòa B, thị trấn Cờ Đỏ) và đã xét, bố trí cho 87 hộ gặp khó khăn về nhà ở. Người dân được bố trí vào cụm dân cư vui mừng, phấn khởi vì nơi ở được an toàn, hạn chế bị đe dọa bởi thiên tai, sạt lở. Gia đình ông Thạch Tâm được bố trí nhà ở tại khu dân cư trên, nói: “Trước đây, cuộc sống gia đình tôi rất khó khăn, không có nơi ở ổn định. Nhờ Nhà nước quan tâm cất cho căn nhà, các con tôi phụ giúp một ít để lót nền gạch men, làm thêm nhà bếp ở phía sau. Nhờ vậy gia đình tôi an cư và yên tâm tập trung lao động sản xuất”.

Quy hoạch bền vững

Theo Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc, ĐBSCL là một trong năm đồng bằng trên thế giới chịu tác động nặng nề của BĐKH. Trong tương lai sẽ tiếp tục gánh hậu quả nặng nề từ hiện tượng nước biển dâng, sạt lở bờ sông, sụp lún đất... Bộ NN&PTNT đưa ra giải pháp từ nay đến năm 2020, Bộ sẽ phối hợp cùng các địa phương vùng ĐBSCL rà soát lại quy hoạch, trong đó có quy hoạch phát triển dân cư đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới và gắn với thích ứng BĐKH; tăng cường quản lý thực hiện quy hoạch; đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân xây dựng nông thôn mới, các chương trình xóa đói giảm nghèo, thích ứng BĐKH nhằm đưa vùng ĐBSCL không chỉ trở thành một vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp lớn nhất cả nước mà còn là một vùng nông thôn phồn thịnh, văn minh, ứng phó tốt với BĐKH...

Hiện trường vụ sạt lở nhà dân cặp bờ sông Hậu tại phường Thành Phước, thị xã Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long). Ảnh: HÀ VĂN

Hiện trường vụ sạt lở nhà dân cặp bờ sông Hậu tại phường Thành Phước, thị xã Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long). Ảnh: HÀ VĂN

TP Cần Thơ cũng vừa công bố Quy hoạch bố trí dân cư đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, toàn thành phố có khoảng 9.353 hộ bị ảnh hưởng thiên tai (sạt lở) và xâm nhập mặn cần được bố trí ổn định cuộc sống. Trong đó, bố trí ổn định tại chỗ 5.827 hộ (chiếm 62,3% tổng số hộ cần bố trí), bố trí đến cụm dân cư tập trung mới 1.620 hộ (chiếm 17,32%) và xen ghép vào cụm, tuyến dân cư hiện hữu 1.906 hộ (chiếm 20,38%). Riêng, đối với những hộ có nguy cơ sạt lở cao là đối tượng bắt buộc phải bố trí di dời chỗ ở đến nơi ở mới. Toàn thành phố có 2.424 hộ bị ảnh hưởng sạt lở cao, thuộc các sông, kênh, rạch lớn hoặc ở gần sông, kênh, rạch có dòng chảy nguy hiểm như: sông Hậu (sông Cần Thơ), sông Ô Môn, sông Cái Sắn, sông Trà Nóc, sông Bình Thủy... Những hộ ở khu vực này được ưu tiên bố trí ổn định đến năm 2020.

Đối với những hộ có nguy cơ ảnh hưởng sạt lở, thành phố thực hiện hỗ trợ ổn định dần dần theo từng năm, trong đó sẽ có một số hộ được bố trí xen ghép để đảm bảo yêu cầu chỉnh trang đô thị và xây dựng nông thôn mới, còn lại phần lớn số hộ sẽ được hỗ trợ ổn định tại chỗ. Giai đoạn 2016 - 2020 sẽ hỗ trợ ổn định cho đối tượng này khoảng 30% số hộ, số còn lại sẽ được hỗ trợ ổn định giai đoạn định hướng đến năm 2030.

Các dự án ưu tiên đầu tư đến 2020 được thành phố xác định, như: Tuyến dân cư vượt lũ Vĩnh Bình (huyện Vĩnh Thạnh), với diện tích 7,25 ha, bố trí 462 hộ trong thời gian thực hiện đến hết năm 2018; Cụm dân cư tập trung Phước Thới (quận Ô Môn) có diện tích 3,72 ha, bố trí 310 hộ, thời gian thực hiện 2018-2019; Cụm dân cư tập trung Trà Nóc 2 (quận Bình Thủy) có diện tích 1,61 ha, với 134 hộ được bố trí trong thời gian 2018-2019; Cụm dân cư tập trung Ba Láng (quận Cái Răng) có 1,32 ha, bố trí 110 hộ với thời gian thực hiện 2019-2020; Cụm dân cư tập trung thị trấn Cờ Đỏ (huyện Cờ Đỏ) có diện tích 2,76 ha, bố trí 184 hộ, thời gian thực hiện 2020-2021; Cụm dân cư tập trung Trung Hưng (huyện Cờ Đỏ) diện tích 6,3 ha, bố trí 420 hộ, thời gian thực hiện 2020-2021... Tổng kinh phí thực hiện quy hoạch trên ước gần 555,5 tỉ đồng, trong đó bao gồm nguồn vốn đầu tư từ Trung ương, thành phố, vốn vay và vốn huy động từ các tổ chức quốc tế. Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhận định: “Quy hoạch trên sẽ sắp xếp, bố trí ổn định dân cư cho các khu vực bị ảnh hưởng thiên tai (khu vực chịu ảnh hưởng sạt lở, xâm nhập mặn), nhằm ổn định và nâng cao đời sống của người dân, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai; song song đó giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo, bảo vệ môi trường, chỉnh trang đô thị, xây dựng nông thôn mới thích ứng với BĐKH...”.

HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết