12/03/2009 - 20:35

Quy định pháp luật về giải tỏa bồi hoàn trong hành lang an toàn lưới điện

Hỏi: Xin cho biết hiện nay có văn bản pháp luật nào quy định về vấn đề giải tỏa, bồi hoàn đất, vật kiến trúc, cây trồng và vật nuôi nằm trong hành lang an toàn của lưới điện 110KV, 220KV, 500KV. Có quy định nào trong hành lang an toàn lưới điện 110KV, 220KV, đường điện cao áp thì không giải tỏa trắng mà cho tồn tại vật kiến trúc, nhà ở... chỉ hỗ trợ phần bị hạn chế sử dụng và phần thiệt hại khi thi công công trường?

Văn Hải (xã Trường Long, huyện Phong Điền)

Trả lời: Câu hỏi của bạn đọc Văn Hải được ông Nguyễn Văn Quảng, Giám đốc Điện lực TP Cần Thơ, trả lời như sau:

Vấn đề giải tỏa, bồi hoàn đất, vật kiến trúc, cây trồng và vật nuôi nằm trong hành lang an toàn lưới điện 110KV, 220KV, 500KV bao gồm các văn bản pháp luật quy định:

- Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 3-12-2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

- Thông tư Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 3-12-2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

- Nghị định số 106/2005/NĐ-CP ngày 17-8-2005 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp.

- Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25-5-2007 của Chính phủ, quy định bổ sung về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự thủ tục bồi hoàn, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai.

Theo khoản 1, Điều 6 Nghị định số 106/2005/NĐ-CP cho phép nhà, công trình tồn tại trong hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp đến 220KV, với điều kiện phải thỏa theo mục a, b, c, d, đ. Nội dung cụ thể Điều 6 Nghị định số 106/2005/NĐ-CP ngày 17-8-2005 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực về bảo vệ an toàn về công trình lưới điện cao áp, quy định: “Nhà ở, công trình trong hành lang bảo vệ đường dây dẫn điện trên không”.

1. Điều kiện để nhà ở, công trình tồn tại trong hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp đến 220KV:

a. Mái lợp và tường bao phủ phải làm bằng vật liệu không cháy

b. Mái lợp, khung nhà và tường bao bằng kim loại nối đất theo quy định về kỹ thuật nối đất

c. Không gây cản trở đường ra vào để kiểm tra, bảo dưỡng, thay thế các bộ phận công trình lưới điện cao áp

d. Khoảng cách từ bất kỳ bộ phận nào của nhà ở, công trình đến dây dẫn gần nhất khi dây đang ở trạng thái tĩnh không được nhỏ hơn khoảng cách quy định trong bảng sau:

đ. Cường độ điện trường = 5KV/m; tại điểm bất kỳ ở ngoài nhà cách đất 1m và = 1KV/m tại điểm bất kỳ ở bên trong nhà cách mặt đất 1m.

2. Đối với nhà ở, công trình xây dựng hợp pháp trước khi xây dựng đường dây dẫn điện trên không, nếu chưa đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 điều 6 này thì chủ đầu tư xây dựng công trình lưới điện cao áp phải chịu kinh phí và tổ chức thực hiện việc cải tạo nhằm thỏa mãn các điều kiện đó. Trường hợp bị phá dỡ, chủ đầu tư xây dựng công trình lưới điện cao áp có trách nhiệm chi trả bồi thường cho phần bị phá dỡ đó. Trường hợp không thể cải tạo được để đáp ứng điều kiện nêu trên mà phải dỡ bỏ hoặc di dời thì được bồi thường về nhà, công trình và hỗ trợ di dời theo quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Giai đoạn từ năm 1999-2003 (trước khi có các nghị định trên), do nhu cầu cần có điện để thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương mà ngành điện thì chưa thể đầu tư cùng lúc phủ kín toàn bộ địa bàn. Do đó địa phương (tỉnh Cần Thơ cũ nay là TP Cần Thơ) có chủ trương là Nhà nước và nhân dân cùng làm, tức là Nhà nước đầu tư lưới điện, còn nhân dân tự nguyện phát quang cây xanh và cải tạo hoặc di dời nhà cửa ra khỏi hành lang an toàn lưới điện cao áp (trường hợp này là tự nguyện, không có hỗ trợ hay bồi thường di dời). Từ năm 1999 trở về trước có rất nhiều tổ điện và hợp tác xã ra đời (đây là các tổ tự quản do dân bầu ra, đại diện dân để lo điện phục vụ một bộ phận của dân). Đại diện dân để lo việc kéo điện phục vụ cho 1 nhóm người hay 1 tổ. Trường hợp này là do người dân tự thỏa thuận với nhau về việc phát quang cây xanh và cải tạo hoặc di dời nhà cửa ra khỏi hành lang an toàn lưới điện cao áp. Khi nào thống nhất thì ngành điện mới kéo điện phục vụ theo nhu cầu (trường hợp này nhân dân cũng tự nguyện phát quang cây xanh và cải tạo hoặc di dời nhà cửa theo đúng quy định).

Tóm lại là có quy định của pháp luật trong hành lang an toàn lưới điện 110KV, 220KV... không giải tỏa trắng mà cho tồn tại vật kiến trúc nhà ở... chỉ hỗ trợ phần hạn chế sử dụng và phần thiệt hại khi thi công công trình như đã nêu trên.

THÙY TRANG (thực hiện)

Chia sẻ bài viết