11/05/2016 - 15:08

Quét mắt có thể phát hiện sớm bệnh Alzheimer

 Stress nặng làm tăng nguy cơ Alzheimer

Các nhà khoa học Mỹ vừa phát triển thành công kỹ thuật quét mắt có thể phát hiện bệnh Alzheimer ở giai đoạn sớm nhất, trước khi các triệu chứng cơ bản của chứng sa sút trí tuệ xuất hiện.

Bệnh Alzheimer xuất hiện do sự tích tụ các prôtêin trong não gọi là beta-amyloid và tau, tạo thành các mảng bám trong não, làm rối loạn chức năng thông tin bình thường giữa các tế bào thần kinh. Kỹ thuật chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) có thể cung cấp cho bác sĩ bằng chứng về sự hiện diện của beta-amyloid và tau, nhưng phương pháp này tốn kém và cũng ảnh hưởng sức khỏe do có xâm lấn. Trong khi đó, phương pháp mới của các nhà khoa học tại New England có thể chẩn đoán sớm căn bệnh mà không xâm lấn và không gây đau, nhờ sử dụng kỹ thuật chụp cắt lớp quang học (OCT), vốn có thể phát hiện những bất thường trong võng mạc một cách chi tiết.

 Ảnh: Gresham College

Theo đó, nhóm nghiên cứu sử dụng một kỹ thuật gọi là sự tự phát huỳnh quang laser xanh kết hợp với OCT để buộc các prôtêin mục tiêu phát sáng mà không cần tiêm bất cứ thuốc nhuộm hoặc hóa chất đánh dấu nào. Trong thử nghiệm được thực hiện tại hệ thống sức khỏe Lifespan thuộc Bệnh viện Rhode Island, nhóm nghiên cứu đã yêu cầu 63 người có nguy cơ cao mắc Alzheimer (dựa trên các triệu chứng mới xuất hiện và tiền sử mắc bệnh của gia đình họ) quét PET để khoanh vùng tích tụ prôtêin beta-amyloid. Sau đó, những người tham gia tiếp tục được cho quét OCT và so sánh các kết quả. Claudia Santos, trưởng nhóm nghiên cứu tại Đại học Rhode Island, giải thích rằng quét OCT không thể trực tiếp phát hiện các prôtêin beta-amyloid, nhưng nó tiết lộ các thể vẩn vốn có liên quan mật thiết với nồng độ beta-amyloid ở gần võng mạc mắt.

Do quét OCT giúp nhận biết sự hiện diện của beta-amyloid, nên các bác sĩ có thể tiếp tục tiến hành quét PET để chẩn đoán kỹ càng hơn trước khi kê đơn điều trị. Alzheimer tuy chưa có thuốc chữa nhưng việc phát hiện sớm căn bệnh sẽ giúp ích rất nhiều cho bệnh nhân, bởi họ có thể được kê thuốc để làm chậm sự tiến triển của nhiều triệu chứng cơ bản như mất trí nhớ, kỹ năng giao tiếp, tâm trạng thất thường và trầm cảm.

 Cũng liên quan đến bệnh Alzheimer, các nhà khoa học thuộc Khoa Y Đại học Boston mới đây phát hiện căng thẳng tinh thần (stress) có thể dẫn đến bệnh này do nó thúc đẩy sự tích tụ các prôtêin quan trọng ở não.

Nghiên cứu tập trung vào prôtêin tau, thành phần có thể tạo thành mảng bám bất thường trong não và được chứng minh là tác nhân gây ra bệnh Alzheimer. Theo đó, Tiến sĩ Benjamin Wolozin và các cộng sự phát hiện prôtêin tau kích thích sự hình thành các phức hợp phân tử vốn giúp các tế bào thần kinh thích nghi với những tình huống căng thẳng của cơ thể, chẳng hạn như khi bị chấn thương. Những phức hợp này thường tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng nếu chúng ta bị căng thẳng thường xuyên – còn gọi là stress mãn tính – thì prôtêin tau liên tục kết thành mảng bám, gây thoái hóa các tế bào thần kinh và làm sa sút trí tuệ.

THẢO NGUYÊN (Theo Ani News, Livescience)

Chia sẻ bài viết