26/01/2015 - 21:29

Quan tâm phát triển sự nghiệp giáo dục

Thời gian qua, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của TP Cần Thơ được các ngành, các cấp và toàn xã hội chăm lo phát triển và đã đạt được những kết quả khả quan. Bức tranh giáo dục địa phương dần khởi sắc, nhiều ngôi trường mới được đưa vào sử dụng, thành phố được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công nhận đạt phổ cập giáo dục trẻ mầm non 5 tuổi trước kế hoạch, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia vượt 45%, chất lượng giáo dục ở các bậc học, cấp học được nâng lên qua từng năm...

Năm 2014, ngành giáo dục sử dụng các nguồn kinh phí được giao đạt 99,52%, đầu tư cơ sở vật chất, sách thiết bị trường học phục vụ tốt cho công tác dạy và học, các hoạt động chuyên môn, phong trào; hỗ trợ tích cực việc xây dựng trường học cận chuẩn và đạt chuẩn quốc gia tại các địa phương… Trong kỳ họp lần thứ 14 vừa qua, Hội đồng nhân dân thành phố thông qua Quy hoạch phát triển GD&ĐT TP Cần Thơ đến năm 2020. UBND thành phố ban hành quyết định về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển GD&ĐT TP Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Thầy Võ Minh Lợi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, cho biết: “Đây là điều kiện thuận lợi để ngành triển khai thực hiện, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc mở rộng quy mô đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố, góp phần quan trọng cho sự phát triển chung vùng ĐBSCL và cả nước”.

 Các đại biểu cắt băng khánh thành Trường Mầm non Long Hòa, quận Bình Thủy).

TP Cần Thơ hiện có 440 trường mầm non, phổ thông, trải rộng toàn thành phố kể cả những địa phương còn nhiều khó khăn như: Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh…, góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục cũng như huy động trẻ đến trường. Những năm học qua, ngành giáo dục huyện Vĩnh Thạnh quan tâm chỉ đạo các trường tiểu học trên địa bàn phối hợp với địa phương thực hiện tốt công tác điều tra trình độ văn hóa, thống kê độ tuổi học sinh trên địa bàn; các biện pháp huy động học sinh trong độ tuổi đến trường và duy trì sĩ số, hạn chế học sinh lưu ban, bỏ học. Trước kia, tỷ lệ huy động trẻ đến trường của huyện chưa cao, có năm tỷ lệ bỏ học đến 3,2%, chất lượng giáo dục chưa đồng đều, huyện gặp khó về cơ sở vật chất, nhiều phòng học cây lá tạm, nhiều điểm lẻ… Trước khó khăn đó, Phòng GD&ĐT huyện tham mưu với UBND huyện tổ chức quy hoạch mạng lưới trường lớp phù hợp với địa giới hành chính, địa bàn dân cư; quan tâm đầu tư xây dựng trường, lớp, khang trang sạch, đẹp cũng như trang thiết bị giảng dạy; tổ chức phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh năng khiếu… Qua đó, tạo điều kiện để học sinh hứng thú, vui thích đến trường, góp phần tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường và duy trì sĩ số từng năm. Thầy Phan Văn Hợi, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Muốn duy trì sĩ số, hạn chế học sinh lưu ban, bỏ học, phải đáp ứng kịp thời các yêu cầu tối thiểu cần thiết phục vụ cho việc học tập, trong đó cần tập trung phát triển trường lớp. Thời gian tới, Sở cần tiếp tục đầu tư, hỗ trợ kinh phí để địa phương thực hiện tốt chương trình kiên cố hóa trường lớp, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia các cấp học”.

Bên cạnh việc hoàn thiện cơ sở vật chất, ngành giáo dục thành phố còn chú trọng xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Năm học qua, thành phố có 29 trường đạt chuẩn quốc gia, vượt 45% kế hoạch, đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Trường Tiểu học Lê Lợi (quận Ninh Kiều) được xây mới và đưa vào sử dụng đầu năm 2014, với quy mô 1 trệt 2 lầu, nhiều cây xanh, trang thiết bị hiện đại, tháng 11-2014 vừa qua, trường vinh dự đón nhận danh hiệu Trường đạt chuẩn quốc gia. Cô Dương Thúy Bình, Hiệu trưởng trường, phấn khởi nói: “Với cơ sở vật chất đầy đủ chúng tôi tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh, tạo điều kiện để các em học tập tốt, phát triển toàn diện”.

Thời gian qua, Sở GD&ĐT thành phố có nhiều biện pháp đẩy mạnh công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý như: khuyến khích giáo viên sử dụng công nghệ thông tin trong thi giáo viên dạy giỏi, tổ chức các kỳ thi cũng như tăng cường trang bị thiết bị công nghệ thông tin (máy vi tính, máy in, máy chiếu)… Theo thống kê, năm học qua, các trường có hơn 24.000 tiết dạy ứng dụng công nghệ thông tin. Thành phố đầu tư trang bị thiết bị công nghệ thông tin cho các trường khá đầy đủ. Sở GD&ĐT thành phố trang bị bảng tương tác thông minh với nhiều tác dụng, giúp giáo viên thuận tiện thực hành giảng dạy, giúp học sinh hứng thú trong giờ học. Trường Tiểu học Bình Thủy được trang bị bảng tương tác thông minh do công ty Đại Trường Phát tài trợ theo chương trình Tiếng Anh i-learn dành cho tiểu học. Trong giờ học tiếng Anh, cả cô và trò cùng hoạt động. Chỉ cần cô giáo chạm tay thao tác trên thanh công cụ tạo hiệu ứng trên bảng, cả kho hình ảnh và tư liệu hiện ra, học sinh hăng hái tham gia trả lời câu hỏi. Em Lê Ngọc Hà Giang, học sinh lớp 5A1, cho biết: “Em thích học tiếng Anh trên bảng tương tác vì có nhiều hình ảnh bắt mắt, bố cục rõ ràng, đa màu sắc. Chúng em còn trực tiếp viết và chơi trò chơi trên bảng, rất thích thú...”.

Theo kế hoạch năm 2015, với tổng dự toán kinh phí cho ngành giáo dục trên 2.129 tỉ đồng, thành phố tiếp tục tập trung xây dựng hoàn thiện cơ sở vật chất, trường đạt chuẩn quốc gia... Đến hết năm 2015, TP Cần Thơ sẽ có 235 trường đạt chuẩn quốc gia, tăng 106 trường so với năm 2014…

Bài, ảnh: Minh Hoàng

Chia sẻ bài viết