19/12/2017 - 15:45

Góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục

Quan tâm lương và học phí 

Tiền lương cho nhà giáo, miễn học phí cấp THCS hay chăm lo cho cấp học mầm non… là những vấn đề được nhiều đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) 13 tỉnh, thành ĐBSCL quan tâm, kiến nghị tại Hội thảo Góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, do Bộ GD&ĐT vừa tổ chức tại TP Cần Thơ.

“Nóng” vấn đề lương nhà giáo

Lương đảm bảo đời sống giáo viên sẽ góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Trong ảnh: Giờ học của thầy trò Trường THPT Lương Định Của, quận Ô Môn.

Nhiều quy định mới được Bộ GD&ĐT đề xuất trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện hành trình Chính phủ. Trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung 29 điều, đáng chú ý nhất là đề xuất về tiền lương cho giáo viên. Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng, Luật Giáo dục được Quốc hội thông qua ngày 14-6-2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục được thông qua ngày 25-11-2009 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức và hoạt động giáo dục. Qua gần 12 năm thực hiện, Luật là nền tảng góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục, nâng cao trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực, góp phần đào tạo nhân tài cho đất nước. “Tuy nhiên, hiện nay, một số nội dung cơ bản của hệ thống giáo dục trong Luật như: cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, chương trình giáo dục phổ thông... đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, cần sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn thi hành. Để thực hiện được điều này, rất cần sự góp ý công tâm, thẳng thắn từ các chuyên gia, nhà khoa học và nhà giáo”, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, trong dự thảo sửa đổi, bổ sung lần này, các nhà giáo và toàn xã hội đánh giá cao đề xuất lương giáo viên xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp. Điều này góp phần nâng cao đời sống nhà giáo, giúp thầy cô yên tâm công tác, cống hiến cho ngành; cũng như thu hút được nhiều người giỏi vào sư phạm. Thế nhưng vẫn còn những điều chưa thỏa đáng. Theo ông Nguyễn Bá Long, đại diện Sở GD&ĐT Bạc Liêu, khái niệm “nhà giáo” hiện nay nghĩa là những người trực tiếp tham gia giảng dạy, không bao gồm những người công tác ở phòng, sở GD&ĐT. Ông Long chia sẻ: “Có nhiều giáo viên giỏi, uy tín không chịu về phòng, sở công tác, vì bị mất phụ cấp thâm niên, phụ cấp đứng lớp và vướng trong xét danh hiệu nhà giáo ưu tú. Do đó, Ban soạn thảo Luật cần xem xét lại định nghĩa nhà giáo, nếu không những nhà giáo công tác ở phòng, sở bị thiệt thòi rất nhiều”.

Ông Nguyễn Minh Chí, Phó Trưởng Phòng GD Trung học, Sở GD&ĐT Bến Tre, đưa ra minh chứng khá cụ thể: Lương giáo viên được xem là thấp, những người công tác ở phòng, sở GD&ĐT còn thấp hơn. Bản thân ông có gần 20 năm công tác trong ngành giáo dục. Hiện nay, nếu ông công tác ở trường chuyên, lương khoảng 10 triệu đồng/ tháng; ở trường phổ thông bình thường, lương khoảng 8 triệu đồng/ tháng. Nhưng ông về Sở GD&ĐT công tác thì lương hiện chỉ còn 5,8 triệu đồng/ tháng… Ông Nguyễn Minh Chí đề xuất, Ban soạn thảo Luật cần phải xem xét lại định nghĩa “nhà giáo”. Đồng tình quan điểm này, ông Bùi Quang Viễn, đại diện Sở GD&ĐT Cà Mau, kiến nghị: Khái niệm “nhà giáo” nên được thay bằng cụm từ “những người đang công tác trong ngành giáo dục”. Như vậy, khái niệm này sẽ bao gồm những nhà giáo đang đứng lớp và cả những người làm công tác quản lý ngành, để rõ ràng và cụ thể hơn trong xếp lương, chế độ.

Đại diện các Sở GD&ĐT: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cần Thơ cũng bày tỏ đồng ý với đề xuất trên. Ông Võ Minh Lợi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, nêu: “Dự thảo Luật cần bổ sung thêm lương nhà giáo phải phù hợp với vị trí việc làm của nhà giáo ở từng cấp học. Chẳng hạn, công việc của giáo viên mầm non khá vất vả, cần có mức lương tương xứng, tránh cào bằng”.

Miễn học phí: cần có lộ trình

Vấn đề chính sách phổ cập, học phí, trong đó đề xuất mở rộng đối tượng không phải đóng học phí đến học sinh THCS trường công lập tại dự thảo Luật, cũng nhận được sự đồng thuận cao của nhiều đại biểu dự Hội thảo. Theo ông Ninh Thành Viên, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Kiên Giang, ngành giáo dục nhất trí cao Dự thảo Luật Giáo dục, nhất là ủng hộ việc miễn học phí của học sinh THCS, tạo điều kiện các em đến trường, hạn chế tình trạng bỏ học.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Long, đồng ý việc miễn học phí học sinh THCS, tuy nhiên, bà Hà lo lắng: “Trong giai đoạn đổi mới toàn diện giáo dục, chúng ta đang cần rất nhiều kinh phí để xây dựng, bổ sung cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị, soạn sách giáo khoa mới, thực hiện nâng chuẩn và tập huấn cho đội ngũ nhà giáo… Liệu ngân sách nhà nước có đảm bảo đủ để bổ sung cho các trường THCS khi không thu học phí?”. Tỉnh Vĩnh Long hiện có 55.000 học sinh THCS. Mỗi năm, các trường THCS thu tiền học phí của học sinh khoảng hơn 20 tỉ đồng. Số tiền này dùng để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang trải các hoạt động chuyên môn…  Nếu không thu học phí và không được cấp bổ sung sẽ khiến nhiều trường thiếu hụt ngân sách hoạt động, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. “Tôi đề nghị cần xây dựng lộ trình khi miễn học phí THCS”- bà Hà đề xuất.

Nhiều đại biểu tham dự hội thảo cũng cho rằng, qua khảo sát cho thấy, phần lớn phụ huynh học sinh cho rằng học phí không cao và có khả năng đáp ứng được (bình quân thành phố là 120.000 đồng/tháng, nông thôn 40.000 đồng/tháng). Những học sinh khó khăn, nghèo và cận nghèo đều được hưởng chính sách miễn, giảm học phí. Đó là chưa kể phong trào hỗ trợ, 1 giáo viên đỡ đầu cho 1 học sinh đã và đang duy trì tại các trường. Chính vì thế, Ban soạn thảo Luật cần cân nhắc lộ trình, bước đi cụ thể khi thực hiện đề xuất này.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu đặt ra những vấn đề liên quan đến chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, quy định hoạt động của Trung tâm Giáo dục thường xuyên, chất lượng giáo dục mầm non... Trong đó nhiều ý kiến liên quan đến sách giáo khoa mới và đồng tình với đề xuất: “Dự thảo Luật cần phải quy định cụ thể, rõ ràng các đơn vị tham gia biên soạn sách giáo khoa phải đảm bảo đủ các điều kiện về trình độ, năng lực, để đạt hiệu quả giáo dục cao nhất” của ông Võ Minh Lợi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ. 

Bộ GD&ĐT được Chính phủ phân công chủ trì soạn thảo 2 dự án Luật là Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Dự án Luật này sẽ được đưa ra Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14 vào tháng 5-2018. Hội thảo Góp ý Dự thảo Luật được tổ chức tại TP Cần Thơ vừa qua, là hội thảo cuối cùng trong 5 hội thảo do Bộ GD&ĐT thực hiện tại 5 địa điểm trong cả nước.

Bài, ảnh: BÍCH KIÊN 

Chia sẻ bài viết