02/01/2016 - 16:35

Quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính

Năm 2015, ngành Tài chính đã nỗ lực điều hành quyết liệt thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN), tích cực quản lý nợ công, điều hành quản lý giá, kiềm chế lạm phát, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội... Tuy nhiên, hoạt động tài chính dự báo vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức, từ cả môi trường quốc tế và tồn tại chậm khắc phục của nền kinh tế, đòi hỏi toàn ngành phải quyết tâm, nỗ lực phấn đấu, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2016.

Đảm bảo cân đối thu chi ngân sách

Tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tài chính ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Năm qua, công tác điều hành thu, chi NSNN chủ động, chặt chẽ, tiết kiệm, giữ vững cân đối ngân sách; tăng cường kỷ cương, kỷ luật. Ngành tài chính đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, tái cơ cấu nền kinh tế, tạo môi trường thuận lợi phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia... Đến ngày 28-12-2015, hầu hết các địa phương đều thu đạt và vượt dự toán được giao. Thu cân đối NSNN đạt xấp xỉ 957 nghìn tỉ đồng, đạt 105% dự toán. Trong đó, thu nội địa đạt 110,9% dự toán; thu dầu thô đạt 73,1% dự toán; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 98,2% dự toán. Chi ngân sách được điều hành chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng. Mặc dù đã có những thời điểm nguồn thu ngân sách tập trung chậm, huy động vốn khó khăn, nhưng chi NSNN vẫn đảm bảo kịp thời theo tiến độ; xử lý các nhiệm vụ quan trọng đột xuất như khắc phục hậu quả thiệt hại do bão lũ, thiên tai, dịch bệnh, các nhiệm vụ cấp bách đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Năm 2015, Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu linh hoạt theo thị trường với 21 lần điều hành giá xăng, dầu trong 11 tháng.

 

Hoạt động quản lý thị trường, quản lý giá cả được tăng cường góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, chỉ số giá tiêu dùng tháng 12-2015 tăng 0,6% so với tháng 12-2014, đây là mức thấp kỷ lục trong vòng 14 năm qua. Kết quả này, ngoài nguyên nhân do giá hàng hóa thế giới, nhất là các nguyên, nhiên liệu đầu vào thấp, nên giảm sức ép lạm phát từ bên ngoài; còn có vai trò quan trọng của công tác điều hành. Ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện các chính sách, chế độ về quản lý giá; công khai, minh bạch trong điều hành giá; tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động đăng ký, kê khai giá, kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, đặt hàng; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về giá, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Trong năm, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan thực hiện điều hành giá đối với các mặt hàng quan trọng, thiết yếu. Qua đó, đã thực hiện 1 lần điều chỉnh giá điện tăng 7,5% vào tháng 3-2015; 3 lần điều chỉnh giá than, điều hành giá xăng dầu linh hoạt theo thị trường với 21 lần điều hành giá xăng, dầu trong 11 tháng của năm 2015. Bộ đã trình Chính phủ quyết định tiếp tục thực hiện bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi bằng biện pháp xác định giá tối đa đến hết ngày 31-12-2016; chuẩn bị các điều kiện để điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục, y tế để phản ánh sát hơn chi phí thực tế. Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của ngành tài chính vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Công tác quản lý thu NSNN ở một số địa bàn, lĩnh vực chưa theo sát tình hình thực tiễn, diễn biến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nợ đọng thuế tuy đã giảm, nhưng số nợ chậm nộp thuế, các khoản nợ của người nộp thuế đã giải thể, phá sản chưa được xóa theo quy định còn lớn. Một số địa bàn, đơn vị vẫn còn tình trạng bố trí kinh phí dàn trải, sử dụng lãng phí, thiếu hiệu quả, sai quy định, vượt tiêu chuẩn, định mức chi; sử dụng vốn vay dàn trải, hiệu quả đầu tư thấp...

Góp phần ổn định kinh tế vĩ mô

Năm 2016 dự báo tình hình kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực hơn so với năm 2015, tăng trưởng kinh tế khoảng 6,7%, lạm phát dưới 5%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 10%... Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những biến động phức tạp, khó lường trên thị trường tài chính, tiền tệ thế giới và giá dầu thô tiếp tục giảm sâu, dự báo có tác động bất lợi đến sự phát triển kinh tế và cân đối thu, chi NSNN năm 2016. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, năm 2016 là năm đầu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, ngành Tài chính đặt mục tiêu huy động, phân phối, quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính hiệu quả, công bằng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; từng bước cơ cấu lại NSNN; đẩy nhanh cải cách khu vực sự nghiệp công, cải cách thủ tục hành chính và tăng cường công tác quản lý, giám sát tài chính, đảm bảo an toàn nợ công.

Ngay từ những tháng cuối năm 2015, các địa phương trong cả nước đã chủ động tổ chức điều hành dự toán thu, chi ngân sách cho năm 2016. Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng, cho biết: TP Cần Thơ phấn đấu thu NSNN năm 2016 vượt dự toán HĐND thành phố trên cơ sở kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, giảm nợ thuế dưới 5% theo quy định; tập trung cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh để nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách. Đồng thời, tăng cường công tác giám sát, đánh giá đầu tư để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, thực hiện đầu tư theo đúng quy hoạch, kế hoạch được duyệt. Thành phố cũng đề nghị Bộ Tài chính có cơ chế cho phép các đơn vị gặp khó khăn không có khả năng nộp hết nợ thuế 1 lần được cam kết giãn số nợ thuế để nộp dần trong 12 tháng và không cần bảo lãnh của các tổ chức tín dụng. Đồng thời xem xét trình Chính phủ cho phép khoanh hoặc xóa nợ thuế đối với cá trường hợp đã giải thể, phá sản, mất tích, bỏ địa chỉ kinh doanh, không thế thu nợ được.

Tại hội nghị Tổng kết công tác tài chính NSNN năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, chỉ đạo: Bộ Tài chính cùng các bộ ngành, địa phương cần tập trung ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc hơn nữa trên cơ sở điều hành kinh tế vĩ mô chặt chẽ, giữ vững kỷ cương, kỷ luật tài chính. Công tác thu, chi NSNN phải được điều hành chủ động ngay từ đầu năm, phấn đấu thu NSNN vượt kế hoạch đề ra, tăng thu nội địa từ 7-8% so năm 2015; thực hiện tốt các giải pháp phát triển thị trường, nhất là thị trường vốn. Bộ Tài chính cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách về điều hành, quản lý tài chính, NSNN; điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước đối với các mặt hàng thiết yếu như giá xăng dầu, điện, giá dịch vụ công... để phục vụ người dân tốt hơn. Năm 2016, hội nhập kinh tế thế giới sẽ tác động nhanh và mạnh đến tình hình kinh tế trong nước, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp phải chủ động hội nhập, tích cực thông tin về hội nhập đến người dân và các thành phần kinh tế, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết