27/09/2018 - 21:26

Ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP Cần Thơ:

Quản lý hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường để phát triển bền vững 

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tập trung tham mưu UBND thành phố thể chế hóa các chính sách, pháp luật lĩnh vực TN&MT phù hợp với thực tiễn địa phương. Đồng thời, đề ra những chương trình, giải pháp hành động cụ thể, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên, bảo vệ môi trường trên địa bàn, đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững. Trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ, ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở TN&MT TP Cần Thơ, cho biết:

Kiểm tra  tiến độ thực hiện lô nền tái định cư tại Khu đô thị - Tái định cư Cửu Long, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.

- Trên cơ sở chỉ tiêu, kế hoạch được giao và thực hiện chủ đề năm 2018 của thành phố “Kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị thành phố tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân”, Sở TN&MT tập trung xây dựng phương án sắp xếp, kiện toàn bộ máy các phòng chuyên môn và đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở theo hướng tinh gọn, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị thuộc Sở. Bên cạnh đó, tập trung xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ để cụ thể hóa các chỉ đạo của cấp trên và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Đến thời điểm này, Sở TN&MT đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm được giao trong năm 2018.

Cụ thể, hoàn thành lập điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) của TP Cần Thơ; kịp thời tham mưu UBND thành phố trình HĐND thành phố thông qua danh mục bổ sung các dự án cần thu hồi đất và chuyển mục đích đất trồng lúa dưới 10ha trong năm 2018. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Đề án Khai thác quỹ đất Khu đô thị Võ Văn Kiệt, diện tích 35ha; dự án Đường tỉnh 922 và các công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố. Sở tích cực tham mưu các giải pháp hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong công tác giao đất, cho thuê đất; giải phóng mặt bằng, chính sách giảm tiền sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ tái định cư, tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư.

Để công tác quản lý nhà nước hiệu quả, Sở đã tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 51/KH-UBND triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai; Kế hoạch số 84/KH-UBND thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, tổ chức lấy ý kiến UBND quận, huyện, sở, ban ngành dự thảo Quy chế quản lý đất công; sửa đổi, bổ sung chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn thành phố; quy chế phối hợp trong công tác giải phóng mặt bằng; Quy định về phân công quản lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố.

Công tác thanh tra, kiểm tra về TN&MT được tiếp tục tăng cường. 9 tháng qua, Sở đã tổ chức thực hiện 2 cuộc thanh tra hành chính và 17 cuộc thanh tra chuyên ngành về công tác bảo vệ môi trường và tài nguyên nước đối với 39 doanh nghiệp. Qua thanh tra, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 1,071 tỉ đồng đối với 9 trường hợp. Công tác cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản, khai thác sử dụng tài nguyên nước mặt, nước dưới đất và xả nước thải vào nguồn nước được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Qua thanh, kiểm tra cho thấy, các tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước đều thực hiện tốt những nội dung quy định trong giấy khai thác tài nguyên nước; chưa có tổ chức, cá nhân nào vi phạm.

* Công tác quản lý nhà nước về TN&MT trên địa bàn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc gì thưa ông?

- Trách nhiệm của người sử dụng đất sau khi được giao đất, cho thuê đất chưa cao, vẫn còn tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích, không hiệu quả. Diện tích đất đã được Nhà nước giao, cho thuê, cho phép chuyển mục đích để thực hiện dự án nhưng chậm đưa vào sử dụng, làm giảm hiệu quả sử dụng đất. Một số chủ đầu tư đang trong giai đoạn đầu tư dự án nên chưa thực hiện nghĩa vụ đăng ký trích nộp 5% hoặc 10% quỹ đất cho thành phố. Một số chủ đầu tư chưa xây dựng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng đồng bộ, như: chưa có điện, nước, san lấp mặt bằng, lề đường, vỉa hè...

Công tác bán đấu giá quỹ đất phụ thuộc vào nhu cầu của khách hàng, tuy nhiên, số lượng bất động sản tồn ở các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hiện khá lớn. Từ đó nhu cầu của khách hàng đối với quỹ đất công cũng hạn chế.

Mặc dù đã tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở nhưng một số doanh nghiệp vẫn cố tình vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Việc phát hiện các hành vi vi phạm cần có sự phối hợp, hỗ trợ của Cảnh sát môi trường và phản ánh của người dân.

* Như vậy, những tháng còn lại năm 2018, cần tập trung những công tác trọng tâm nào nhằm tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về TN&MT trên địa bàn, thưa ông?

- Sở tham mưu UBND thành phố điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) của quận, huyện. Lập Danh mục các công trình, dự án cần thu hồi đất trong năm 2019 và triển khai kế hoạch sử dụng đất năm 2019 của cấp huyện theo quy định.

Tiếp tục thực hiện các dự án quy hoạch ngành, trong đó: hoàn thành Quy hoạch tài nguyên nước TP Cần Thơ và Đề án Xây dựng danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn TP Cần Thơ. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ các dự án: Xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai quận Thốt Nốt, huyện Thới Lai; dự án Điều tra thoái hóa đất TP Cần Thơ. Trình UBND thành phố ban hành Quyết định Quy chế quản lý đất công; sửa đổi, bổ sung khung giá các loại đất kỳ 5 năm (2015-2019); chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn thành phố; quy chế phân công quản lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố.

Sở tập trung các đợt thanh tra đất đai, môi trường, khoáng sản. Tiếp thu và giải quyết thỏa đáng các trường hợp khiếu nại, tranh chấp của nhân dân, hạn chế không để xảy ra vụ việc kéo dài. Đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp khẩn trương đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng tại dự án để bàn giao 5-10% quỹ đất theo quy định; kịp thời bố trí tái định cư cho các hộ dân có đất bị ảnh hưởng bởi các dự án. Đồng thời, đầu tư giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào thành phố. Phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp, Sở tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, mạnh dạn đề xuất cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà, mất nhiều thời gian và chi phí cho tổ chức, cá nhân; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính.

* Xin cảm ơn ông!

Tuyết Trinh (thực hiện)

Chia sẻ bài viết