23/11/2013 - 21:52

Quân đội Mỹ lần đầu tiên đòi chủ quyền ở Bắc Cực

Tàu ngầm hải quân Mỹ tại khu vực phía bắc Vịnh Prudhoe, Alaska. Ảnh: Reuters

Trong tuyên bố hôm 22-11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel khẳng định quân đội nước này sẽ đẩy mạnh chiến lược hoạt động cũng như "đòi chủ quyền" trên vùng biển rộng lớn của Bắc Cực trong bối cảnh nhiều quốc gia đua nhau khai thác nguồn lợi ích dầu mỏ và khí đốt do băng khu vực này đang tan chảy nhanh trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Trước đó hồi tháng 5, Tổng thống Barack Obama cũng từng công bố chiến lược của Mỹ đối với Bắc Cực, trong đó khẳng định các quốc gia phải bảo vệ môi trường mong manh của khu vực cũng như tránh dẫn tới xung đột khi các nước cạnh tranh nhau để tiếp cận Bắc Cực. Hãng tin Mỹ AP cho rằng kế hoạch của Nhà Trắng là muốn Washington không bị tụt phía sau trong cuộc đua giành lợi ích sau khi hàng loạt quốc gia khác mở rộng sử dụng khu vực này vào mục đích lưu thông và huấn luyện quân sự.

Theo ước tính của giới quan chức Mỹ thì Bắc Cực hiện đang "nắm giữ" 13% trữ lượng dầu và 30% nguồn khí đốt mà con người chưa thể tiếp cận trên thế giới. Do đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong bài phát biểu với cánh báo giới tại hội nghị an ninh hôm 22-11 cho rằng vấn đề an ninh, môi trường và công cuộc khai thác các nguồn năng lượng ở khu địa cực này sẽ là chủ đề "nóng" trong thời gian sắp tới - đặc biệt khi tuyến hàng hải mới được hình thành tạo thêm cơ hội cho một số quốc gia, thậm chí cả thế giới.

Mặc dù không đề ra chi phí hoặc dự toán ngân sách, nhưng ông Hagel cho biết quân đội Mỹ sẽ điều chỉnh cơ cấu và khả năng trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền xung quanh bang Alaska ở Bắc Cực, song song với việc theo đuổi những giải pháp nhằm đảm bảo tự do, an ninh trong lưu thông hàng hải. Hiện tại, Mỹ bắt đầu gia tăng sự hiện diện quân sự ở Alaska với 27.000 binh sĩ tại bang này. Đặc biệt, lực lượng quân đội còn cho triển khai hàng loạt máy bay vận tải C-130 có càng đáp trên băng và tàu ngầm hạt nhân hoạt động tại vùng Cực Bắc. Ngoài ra, lực lượng hải quân Mỹ dự kiến từ đây đến cuối năm sẽ hoàn thành bản kế hoạch trên phương diện tăng cường thông tin liên lạc, phương tiện vận chuyển và đàm phán hiệp ước quốc tế phục vụ cho công tác theo dõi, tìm kiếm và cứu nạn ở Bắc Cực khi cần thiết. Trong đó, một phần chiến lược mới của Mỹ sẽ là củng cố quan hệ quân sự với các quốc gia ở Bắc Cực, bao gồm cả Nga.

Trong một tuyên bố hồi tháng 9 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng khẳng định Bắc Cực mang ý nghĩa chiến lược rất quan trọng đối với tương lai và an ninh kinh tế của Mát-xcơ-va. Theo đó, nhà lãnh đạo Nga ngoài động thái khôi phục lại cơ sở quân sự chính có từ thời Liên Xô trên quần đảo Tân Sibérie, tái triển khai lực lượng quân sự sẵn sàng bảo vệ lợi ích của Mát-xcơ-va ở Bắc Cực còn cam kết tăng cường đầu tư hợp tác giảm thiểu tác động gây ô nhiễm môi trường khu địa cực này.

Không riêng Nga, cả Trung Quốc cũng bắt đầu "nhập cuộc" vào năm ngoái khi điều tàu phá băng đầu tiên xuyên qua Bắc Cực và ký một số thỏa thuận với các quốc gia Bắc Cực khác dù lãnh thổ quốc gia này không tiếp giáp với vùng Cực Bắc. Ngoài 3 "ông lớn" trên, một số nước khác cũng "góp tụ" đưa ra tuyên bố của họ về chủ quyền Bắc Cực bao gồm Canada, Na Uy, Phần Lan, Iceland, Thụy Điển và Đan Mạch.

MAI QUYÊN (Theo AP, Reuters)

 

Chia sẻ bài viết