26/01/2017 - 10:12

Quà Xuân dâng Bác

Những ngày nầy, cùng với cả nước, Ðảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Cần Thơ bước vào mùa xuân đầu tiên triển khai, thực hiện Chỉ thị 05 - CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Với lòng kính yêu Bác vô hạn, 5 năm qua, cán bộ, đảng viên, nhân dân toàn thành phố đã có nhiều mô hình, việc làm theo gương Bác đem lại hiệu quả thiết thực. Trong đó, Thành ủy đã tuyên dương 124 tập thể, 205 cá nhân và các Quận ủy, Huyện ủy, Ðảng ủy trực thuộc Thành ủy đã tuyên dương, khen thưởng 438 lượt tập thể, 2.160 lượt cá nhân điển hình tiên tiến học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ðiển hình tập thể và cá nhân giới thiệu dưới đây là những điểm sáng trong vườn hoa đầy hương sắc ấy. Và việc tiếp tục đẩy mạnh, đưa phong trào học tập và làm theo gương Bác lan tỏa sâu rộng là món quà xuân dâng Bác đầy ý nghĩa...

Đoàn kết là sức mạnh

"Đảng ủy xã vừa "treo giải" thưởng cho đơn vị đạt chỉ tiêu vận động nhân dân tham gia Bảo hiểm y tế, thì 3 ngày sau Chi bộ ấp Thới Bình A1 đã lên nhận giải. Tất cả đều nhờ tập thể Chi bộ, ban ngành, đoàn thể và nhân dân ấp đoàn kết, đồng lòng thực hiện"- Đồng chí Nguyễn Văn Bé Ba, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Thới Thạnh (huyện Thới Lai) nêu một ví dụ trong nhiều thành tích nổi bật của Chi bộ ấp Thới Bình A1- chi bộ 10 năm liền giữ vững danh hiệu "Trong sạch, vững mạnh". Chi bộ vinh dự được Thành ủy Cần Thơ tuyên dương tập thể điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2015.

Đảng viên Chi bộ ấp Thới Bình A1 tích cực vận động nhân dân ấp xây dựng cảnh quan, môi trường xanh sạch đẹp.

Hai bên con đường bê tông thẳng tắp dẫn vào Nhà Văn hóa ấp Thới Bình A1 rực rỡ những khóm hoa khoe sắc, báo hiệu mùa xuân đang đến gần. Nhà Văn hóa thoáng mát, khang trang được huyện đầu tư xây dựng năm 2015, còn khoảng sân rộng phía trước do Chi bộ vận động xã hội hóa xây dựng xong vào cuối tháng 9-2016. Nghe tôi hỏi thăm đời sống, anh Trần Tấn Lực, một người dân trong ấp, cho biết: "Cán bộ xã, ấp thường xuyên vận động, hỗ trợ về nhiều mặt nên ai cũng ráng lo làm ăn, cuộc sống đỡ hơn trước rất nhiều. Nhờ địa phương kêu gọi nhân dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, sửa sang hoàn thiện hệ thống cầu, đường, vận động nhà nhà làm hàng rào cây xanh, trồng hoa... mà ấp có cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp...". Điều gì làm cho một ấp có đến 90% dân số sống bằng nghề nông và làm công nhân xí nghiệp, từng có nhiều hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn có sự "chuyển mình" nhanh như vậy?

Suốt 3 nhiệm kỳ làm Bí thư Chi bộ ấp Thới Bình A1, ông Ngô Văn Nhị tích lũy nhiều kinh nghiệm trong lãnh đạo, tổ chức, thực hiện hiệu quả các phong trào. Nhiều năm triển khai việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhất là đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị gắn với khắc phục những hạn chế, khuyết điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI, ông cho rằng: yếu tố tiên quyết để phát huy được sức mạnh tập thể là phải xây dựng chi bộ đoàn kết, thống nhất, xây dựng kế hoạch công tác chặt chẽ, phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng đảng viên, cán bộ đoàn thể; đặc biệt người đứng đầu phải đề cao tính trách nhiệm, nêu gương… thì việc khó đến mấy cũng thành công. 5 năm qua, Chi bộ lãnh đạo đảng viên, cán bộ đoàn thể ấp chọn những việc "làm theo" gương Bác cụ thể, chú trọng chăm lo cho nhân dân có cuộc sống tốt hơn. Đi đôi với lãnh đạo Ban nhân dân ấp, các đoàn thể vận động nhân dân hoàn thành các chỉ tiêu hàng năm, chi bộ tiếp tục chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp để giúp nhân dân nâng cao đời sống như: đẩy mạnh cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, trồng màu chuyên canh kết hợp nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả; phối hợp xét tặng nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo... Hằng năm, Chi bộ đều đề ra chỉ tiêu, phân công các đoàn thể giúp đỡ từ 2-3 hộ thoát nghèo bền vững. Đến nay, toàn ấp chỉ còn 12 hộ nghèo, 14 hộ cận nghèo. Chi bộ cũng đã lãnh đạo ấp vận động nhân dân, các mạnh thường quân xây dựng 4 cây cầu giao thông nông thôn, với tổng số tiền 119 triệu đồng; vận động nâng cấp đường giao thông dài 1.210 m, kinh phí 40 triệu đồng...

Với tinh thần đoàn kết, sẵn sàng nhận nhiệm vụ, nhiều đảng viên đã nêu cao tinh thần vượt khó, tổ chức nhiều phong trào, hoạt động thiết thực. Điển hình như chị Ngô Thị Thắm, Chi ủy viên Chi bộ kiêm Trưởng Ban Công tác Mặt trận ấp. Những năm qua, với vai trò là Chi hội trưởng Phụ nữ ấp, chị Thắm cùng các cán bộ Hội tích cực vận động, hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế gia đình, đẩy mạnh phong trào thi đua thực hành tiết kiệm noi gương Bác. Qua đó, giúp nhiều gia đình chị em nâng cao đời sống. Ông Nguyễn Tấn Đạt, Phó Bí thư Chi bộ - Trưởng ấp Thới Bình A1, cho biết thêm: "Đảng viên trong Chi bộ đối đãi với nhau như anh em một nhà, phân công, choàng gánh, hỗ trợ nhau trong công việc. Trong công tác thì linh hoạt, sáng tạo, có xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch hẳn hoi… Nhờ vậy, năm nào chỉ tiêu kinh tế- xã hội cũng hoàn thành sớm và đạt kết quả cao".

QUỲNH LAM

Đảng viên đi trước...

5 năm qua, phường An Cư có 10 tập thể và 106 cá nhân được tuyên dương, khen thưởng trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Tấn, Bí thư Đảng ủy phường An Cư, chuyển biến rõ nét nhất qua đẩy mạnh việc học tập và làm theo gương Bác là ý thức tự giác học tập rèn luyện, sửa đổi lề lối làm việc, tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân của cán bộ, đảng viên được nâng lên tốt hơn...

Cán bộ phường An Cư giải quyết thủ tục hành chính cho dân. Ảnh: N.Q

Sáng chủ nhật, khi "Tiếng kẻng thanh niên" vang lên, các hộ dân ở khu vực 6, phường An Cư, xách chổi ra đường cùng lực lượng đoàn viên thanh niên (ĐVTN) tổng vệ sinh các tuyến hẻm. Bí thư Chi đoàn khu vực 6 Bùi Thị Hồng Nhung cho biết: trước khi tổng vệ sinh, chi đoàn khảo sát trước rồi liên hệ với Tổ trưởng Tổ nhân dân tự quản thông báo cho bà con sắp xếp công việc tham gia. Mô hình "Tiếng kẻng thanh niên" chỉ là một trong nhiều phần việc thiết thực làm theo gương Bác của Chi đoàn. ĐVTN khu vực còn là lực lượng nòng cốt trong các đợt ra quân tổng vệ sinh môi trường, vớt rác dưới lòng hồ Xáng Thổi… Theo Hồng Nhung, những phần việc Chi đoàn thực hiện cũng nhằm góp phần thực hiện chủ trương của Quận ủy, Đảng ủy phường xây dựng tuyến đường Huỳnh Cương và Hồ Xáng Thổi ngày càng xanh, sạch, đẹp, tạo bộ mặt đô thị khang trang.

Không riêng tổ chức Đoàn thanh niên, 5 năm qua, việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị được các cấp ủy phường triển khai sâu rộng từ trong nội bộ đến quần chúng, nhân dân khu vực. Các chi bộ khu vực đều duy trì tốt các phong trào, hoạt động của các câu lạc bộ và đặc biệt là phát huy sáng kiến và thực hiện hiệu quả các mô hình như "Khu vực có 100% tổ tự quản vững mạnh", "Khu vực không có điểm nóng về môi trường", "Xã hội hóa công tác tuần tra", "Tuyến đường xanh - sạch - đẹp"… Điển hình như Chi bộ khu vực 3 thực hiện nhiều mô hình mang lại hiệu quả thiết thực như: "Đảng viên làm theo gương Bác" với 96% đảng viên đang sinh hoạt tham gia công tác khu vực, đoàn thể, tổ tự quản, tổ phòng cháy chữa cháy...; 100% hộ gia đình rước ảnh Bác Hồ về treo nơi trang trọng trong nhà, xây dựng Tổ nhân dân tự quản trọng dân - gần dân, Tổ nhân dân tự quản với công tác phòng cháy chữa cháy, toàn dân phòng cháy chữa cháy với 82% hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy… Chi ủy phân công các đảng viên trong chi bộ trực tiếp tham gia hoặc chỉ đạo các tổ nhân dân tự quản; đồng thời, tham gia sinh hoạt với các đoàn thể.

Trong đội ngũ cán bộ, công chức phường cũng thể hiện rõ quyết tâm làm theo gương Bác thông qua sự nỗ lực phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Nhiều người dân ghi nhận các cán bộ, công chức ở bộ phận "một cửa" của phường tiếp dân hòa nhã, lịch sự, hướng dẫn thủ tục rõ ràng, dễ hiểu để bà con thực hiện đúng, không phải đi lại nhiều lần. UBND phường cũng bố trí 2 công chức thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc cập nhật, niêm yết các thủ tục hành chính kịp thời, đúng quy định. Tại trụ sở UBND và Nhà văn hóa phường đều niêm yết đầy đủ, công khai bộ thủ tục hành chính cấp quận, phường; phân loại từng nội dung để tổ chức, cá nhân dễ tra cứu, tham khảo. Đồng thời niêm yết công khai số điện thoại thủ trưởng đơn vị, địa chỉ hộp thư điện tử tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của phường, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân phản ánh, kiến nghị về các quy định hành chính và cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Tấn, Bí thư Đảng ủy phường An Cư, từ năm 2015 đến nay, phường chưa nhận được ý kiến phản ánh, kiến nghị nào của các tổ chức, cá nhân về tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức của phường. Các hồ sơ hành chính đều được giải quyết đúng luật, 100% đúng hẹn. Tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của phường cũng nhận được 100% sự hài lòng của các tổ chức, cá nhân đến giao dịch hành chính. Đồng chí Ngọc Tấn cũng tin tưởng những kết quả, kinh nghiệm qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị là cơ sở, nền tảng để đảng bộ phường tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05 - CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thời gian tới.

NGỌC QUYÊN

Nguyện suốt đời noi gương Bác

Nghe hỏi về thành tích, anh Lê Việt Trung (ảnh), Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Phước Trung (khu vực Phú Khánh, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng) cứ gãi đầu, gãi tai, bảo chưa làm được gì nhiều. Vậy mà khi "chạm" đến kỹ thuật chăm sóc cây trồng, ghép cây, cho trái nghịch mùa… câu chuyện như không có điểm dừng...

Đi giữa vườn sầu riêng và chanh không hạt cho thu nhập hơn nửa tỉ đồng mỗi năm, hỏi chuyện anh giúp nhiều nông dân cùng làm giàu như mình, anh cười chân chất: "Tất cả là nhờ học tập gương Bác. Tôi luôn tự nhắc mình noi theo tấm gương cần cù lao động, sáng tạo, thực hành tiết kiệm của Bác. Đặc biệt là phải khiêm tốn, thật thà, lấy chữ "tín" làm đầu và hết sức quan tâm giúp đỡ những người xung quanh...".

Trước khi gặp anh Việt Trung, tôi từng nghe anh Nguyễn Văn Sáu, Phó Chủ tịch Hội Nông dân quận Cái Răng, giới thiệu: "Trung rất cần cù, sáng tạo, dù chưa qua trường lớp chính quy nào, nhưng rất giỏi về kỹ thuật chăm sóc cây ăn trái. Trung thích đi đây, đi đó tìm tòi giống cây mới về nhân giống, cung cấp cho bà con gần xa và nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật nên bà con rất tin tưởng...". Còn khi gặp, tôi ấn tượng bởi phong cách năng động, nhanh nhạy, chỉn chu của anh: áo "đóng thùng", giày tây, bút bi giắt túi,… Và tôi thầm nghĩ: Đúng chất nông dân thời kỹ thuật số!

 

Ở nơi làm việc của anh Trung treo rất nhiều Bằng khen, Giấy khen của UBND thành phố, Hội Nông dân thành phố, UBND quận, UBND phường… Trong đó, anh trân quý nhất là Giấy khen của UBND quận vì có thành tích trong việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, giai đoạn 2011-2016. Tất cả đánh dấu quá trình hơn 10 năm phấn đấu nhiều gian khổ nhưng có ý nghĩa lớn lao đối với anh. Trước đây, anh Trung có gần 1 ha vườn trồng cam sành, cam mật, nhưng do thiếu vốn, dịch bệnh… vườn cây èo uột, huê lợi thấp, gia đình anh lâm cảnh khó khăn. Chán nản, có lúc anh bỏ vườn đi làm lơ xe đò. "Thế rồi tôi nhận ra, mình không thể bỏ gia đình đi mãi được. Chỉ có người phụ đất, chứ chăm chỉ lao động thì đất không phụ người". Nghĩ vậy nên năm 2005 anh trở về nhà, mạnh tay đốn hạ những cây trồng không hiệu quả, tìm hiểu nhu cầu của thị trường, rồi học hỏi, nghiên cứu những loại cây trồng phù hợp với đất nhà mình. Và anh chọn cây sầu riêng, chanh không hạt để khởi nghiệp.

Dẫn tôi ra vườn sầu riêng đang trổ bông đúng vụ, dừng chân bên gốc sầu riêng gần 10 năm tuổi, anh khoe: "Năm ngoái, cây sầu riêng này có gần 400 kg trái, giá bán bình quân 25.000 đồng/kg. Tôi có vài chục cây như vậy...". Anh rất thành công trong việc xử lý sầu riêng ra trái nghịch mùa, bán được giá cao, có lúc lên đến 50-60 ngàn đồng/kg. Từ thành công trong cải tạo vườn nhà, năm 2012, với sự giúp đỡ của cán bộ Hội Nông dân, anh Trung "rủ" một số nông dân thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Phước Trung và mở ra hướng phát triển mới là sản xuất, cung ứng cây giống. Anh Trung kể rành về phương thức tiếp thị, chăm sóc khách hàng, xây dựng thương hiệu… Anh lý giải: "Trong hợp tác xã, tôi được giao việc đối ngoại, tiếp thị, ký kết hợp đồng cung cấp cây giống, chăm sóc khách hàng… nên phải tìm hiểu những chuyện này để làm cho tốt". Hiện nay, hợp tác xã có 9 thành viên (diện tích 4 ha), với thu nhập bình quân hằng năm trên 2 tỉ đồng. Cá nhân anh Trung có thu nhập khoảng 500- 600 triệu đồng/năm. Đến nay, thị trường cây giống của hợp tác xã đã mở rộng ra nhiều tỉnh, thành, đến tận miền Đông Nam bộ. Hợp tác xã còn là "đầu mối" cung cấp giống cho các dự án hỗ trợ cây con giống của Nhà nước. Độc đáo hơn, hợp tác xã có những loại giống độc quyền, như: cam Cao Phong, mãng cầu na Thái hạt lép,...

Cuộc trò chuyện với anh liên tục bị gián đoạn, bởi cứ mươi phút lại có người điện thoại đặt mua cây giống, hoặc hỏi kỹ thuật trồng cây- ghép cây… Qua điện thoại, anh tận tình chỉ cách chăm sóc, chiết, ghép cây, cách bón phân… Anh còn dặn dò nếu không rõ thì cứ gọi điện hỏi lại hoặc anh đến tận nơi trao đổi. Không chỉ giúp về kỹ thuật, hằng năm, anh Trung còn hỗ trợ bà con khoảng 2.000 cây giống để cải tạo vườn. Anh nói rằng, anh chỉ giúp "cần câu"- tặng cây giống, hướng kỹ thuật chăm sóc, bán phân, thuốc trả chậm không lãi cho một số trường hợp, còn lại là do bà con tự thân vận động. Trong số những người anh giúp đỡ, nay có người thu nhập vài chục triệu đồng/năm, như: anh Lê Văn Cần ở phường Thường Thạnh; anh Nguyễn Văn Tự ở xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang;…

Tôi chia tay anh Trung cũng là lúc anh đón đoàn cán bộ của Liên minh Hợp tác xã thành phố và cán bộ phường Thường Thạnh đến thăm, động viên hợp tác xã mở rộng quy mô sản xuất. Anh Lê Văn Hoàng, Bí thư Đảng ủy phường Thường Thạnh, chia sẻ tin vui: "Chúng tôi thấy mô hình sản xuất của hợp tác xã Phước Trung và của anh Trung rất phù hợp với điều kiện của phường, do đó, phường tạo mọi điều kiện để hợp tác xã phát triển lớn mạnh hơn. Trước mắt, chúng tôi sẽ giúp anh Trung củng cố tổ chức, hoạt động của hợp tác xã và xem xét tín chấp cho anh vay vốn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh".

THỤY KHUÊ

Làm cho dân quý, dân tin

Việc gì có lợi cho bà con, cho quê hương thì phải hết sức làm. Đó là tâm nguyện của bà Huỳnh Thị Ngon, Trưởng ban Công tác Mặt trận khu vực Lân Thạnh 1, phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt. Với tấm lòng nhân ái, sự tận tụy, đầy trách nhiệm của một cán bộ Mặt trận, bà đã có nhiều việc làm thiết thực để chăm lo cho người nghèo. Trong giai đoạn 2014 - 2016, khu vực Lân Thạnh 1 có 43 hộ thoát nghèo...

Bà Huỳnh Thị Ngon (bìa trái) đến thăm gia đình
chị Huỳnh Thị Lan - hộ vừa thoát nghèo năm 2016.

Khi nhà nhà chuẩn bị đón Tết cũng là thời điểm bà Huỳnh Thị Ngon bận rộn nhất trong năm. Cả tuần qua, bà cùng Ban vận động tất bật chuẩn bị quà Tết tặng các hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Năm nào cũng vậy, bà lên kế đi vận động quà Tết từ rất sớm. Nhờ vậy mà hơn 300 phần quà đã chuẩn bị sẵn sàng và kịp trao tận tay bà con trước Tết.

Một trong những hộ nghèo mà Tết nào bà Ngon cũng ghé thăm là gia đình bà Thủy. Trong căn nhà nhỏ nằm cuối ngõ, bà Thủy cùng 2 đứa cháu nội lặng lẽ ăn cơm chiều. Trước kia, nhà bà Thủy tuy nghèo, nhưng không khí ấm áp vì bà còn có con trai, con dâu và người chồng mấy chục năm chung sống. Mấy năm trước, vợ chồng người con trai lần lượt bệnh rồi qua đời. Tháng trước, chồng bà Thủy cũng đột ngột "ra đi". Do vợ chồng anh Lê Quốc Minh (con trai bà Thủy) không đăng ký kết hôn, 2 cháu nội của bà không có khai sinh nên chưa được hưởng chế độ bảo trợ xã hội đối với trẻ mồ côi cha mẹ. Thương hoàn cảnh 3 bà cháu, bà Ngon tất tả ngược xuôi lo giấy tờ để 2 cháu được đảm bảo quyền lợi. Bà Thủy xúc động kể: "Cô Ngon đi tới lui nhiều lần, qua quê ngoại của mấy đứa nhỏ ở Cờ Đỏ để lo thủ tục. Hiện 2 đứa nhỏ được nhận trợ cấp hàng tháng 405 ngàn đồng/cháu/tháng. Cô Ngon đối với gia đình, bà con xung quanh đều hết lòng, hết dạ".

Chưa hết ngậm ngùi trước hoàn cảnh gia đình bà Năm, tôi lại ngỡ ngàng khi bà Ngon dừng trước một căn nhà tường khang trang để trao quà Tết. Bà cho biết đó là nhà của vợ chồng anh Trương Hồng Sơn và chị Huỳnh Thị Lan. Nghe tiếng bà Ngon, chị Lan mừng rỡ chạy ra cửa đón. Qua trò chuyện, tôi mới vỡ lẽ, mấy năm trước, gia đình chị Lan còn thuộc diện hộ nghèo, vợ chồng đi phụ hồ, làm thuê đắp đổi qua ngày. Khi anh chị đang lo lắng vì căn nhà lá cũ kỹ chưa được 40m2 không còn trụ vững sau mấy đợt giông bão thì bà Ngon đến thăm hỏi. Rồi bà đi vận động cây, vật liệu để gia đình cất căn nhà tình thương, ổn định cuộc sống. Bà Ngon còn làm hồ sơ giúp gia đình chị Lan vay vốn chăn nuôi. Anh Sơn chăm chỉ, chịu khó học hỏi nên tay nghề ngày càng được bà con tín nhiệm. Ban đầu, anh nhận làm những công trình nhỏ như xây nhà tắm, nhà vệ sinh, sửa chữa lặt vặt, dần dà anh nhận xây những căn nhà cấp 4. Vợ chồng anh Sơn- chị Lan vừa cất căn nhà khang trang trị giá hơn 80 triệu đồng. Đón Tết trong căn nhà mới, chị Lan xúc động nói: "Vợ chồng tôi được như bây giờ có công cô Sáu (bà Ngon) lớn lắm. Tất cả nhờ cô hết lòng giúp đỡ, động viên. Cô xem chúng tôi như con cháu trong nhà và bản thân tôi cũng xem cô như người thân ruột thịt, là chỗ dựa tinh thần trong cuộc sống...".

Đi một vòng khu vực Lân Thạnh 1, câu chuyện về người cán bộ Mặt trận tận tụy, hết lòng chăm lo cho nhân dân được no ấm cứ nối dài...Ước tính trung bình mỗi năm, bà Ngon vận động hơn 300 phần quà để tặng cho bà con nghèo các dịp lễ, Tết (mỗi phần trị giá hơn 200 ngàn đồng); vận động sửa chữa, cất mới từ 2-4 căn nhà tình thương trị giá từ 20 đến 25 triệu đồng/căn. Riêng năm 2016, bà Ngon vận động được 6 căn nhà tình thương và 350 phần quà. Nữ cán bộ Mặt trận ấy không chỉ được nhân dân quý mến mà trở thành niềm tự hào của nhiều cán bộ Mặt trận. Như bà Bùi Thị Hồng Đào, Chủ tịch UBMTTQVN quận Thốt Nốt ghi nhận: "Chị Ngon là cán bộ tận tụy, năng nổ, nhiệt tình, hết lòng vì công việc. Chị cùng tập thể Ban CTMT nỗ lực chăm lo, hỗ trợ nhiều hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống, làm cho dân quý, dân tin như lời Bác dạy".

TÂM KHOA

Chia sẻ bài viết