04/06/2018 - 15:50

Quà ra Trường Sa 

Vào mùa biển lặng, Quân chủng Hải quân tổ chức nhiều chuyến tàu đưa các đoàn cán bộ, nhân viên các bộ, ban, ngành, các địa phương ra thăm và động viên quân, dân trên huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa và các nhà giàn trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Những món quà tặng Trường Sa là sự quan tâm, động viên quân, dân Trường Sa tiếp tục vững vàng nơi đầu sóng bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Những ngày đầu tháng 4-2018, Trung tướng Phạm Quốc Trung, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Chính trị cùng đoàn công tác trên con Tàu 571 đã đến thăm Trường Sa. Trong các món quà tặng quân và dân huyện đảo, Trung tướng Phạm Quốc Trung còn mang theo những lá thư viết tay của các học viên Trường Sĩ quan Chính trị và các em học sinh của một số trường tiểu học trên địa bàn thành phố Bắc Ninh. Với từng con chữ nắn nót, thấm đẫm tình cảm thân thương, em Trần Minh Tâm, Lớp 5A3, Trường tiểu học Trần Quốc Toản, thành phố Bắc Ninh viết: “Các anh ở ngoài đảo có thiếu nước ngọt không, có thiếu rau xanh không? Em xem ti vi thấy bão tàn phá đảo mình mà thương các anh nhiểu lắm, các anh cố gắng lên nhé! Em ước là khi lớn lên em sẽ một lần được ra Trường Sa, được đến thăm các anh.”

Chiến sĩ trên đảo Đá Tây A chuyền tay nhau đọc thư

Những lá thư gửi Trường Sa có điểm chung là người viết và  nhận thư đều không biết nhau, các lá thư có cùng địa chỉ người nhận: Bộ đội Trường Sa. Những học viên Trường Sĩ quan Chính trị mặc dù mới biết Trường Sa qua các phương tiện thông tin đại chúng nhưng họ luôn hướng về Trường Sa, hướng về biển, đảo quê hương với tình cảm chân thành, dung dị. Người lính Hải quân được xem như những người đồng đội đã gần gũi từ lâu, để rồi mọi người tâm sự, động viên nhau cùng phấn đấu. Học viên Vũ Quốc Huy viết: “Tôi hiểu rằng cuộc sống của các anh không chỉ khó khăn về vật chất, tinh thần mà các anh còn đang thường trực, đối mặt với những kẻ thù hiểm ác, sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc. Các anh là những người hùng thầm lặng, những người đáng kính! Chính các anh đã tiếp lòng tin, truyền lửa cho tôi và cho thế hệ trẻ hôm nay tiếp tục học tập, phấn đấu nhiều hơn nữa.”

Đối với bộ đội Hải quân, đặc biệt là cánh lính trẻ, thư từ đất liền là một món quà quý và rất được trân trọng. Thư được ép phẳng, cặp trong những cuốn sổ cất kỹ trong ba lô và thường được truyền tay nhau đọc trong những lúc nghỉ ngơi. Binh nhất Nguyễn Nhất Trí, đảo Đá Tây C, quê ở thành phố Hồ Chí Minh tâm sự: Các bạn trẻ bây giờ rất ít viết thư, nhưng những lá thư luôn mang những tình cảm ấm áp từ đất liền tới đảo xa. Dù chưa từng quen biết nhưng các em học sinh, các đồng đội ở đất liền luôn dành cho chúng tôi tình cảm chân thành. Tôi tự thấy mình phải cố gắng học tập, rèn luyện thật tốt để xứng đáng với tình cảm đó.

Đến thăm và động viên quân, dân trên huyện đảo, Trung tướng Phạm Quốc Trung mang tặng đảo Trường Sa một hộp đất từ Thành cổ Bắc Ninh-vùng đất nằm trong phòng tuyến Sông Như Nguyệt, phòng tuyến Sông Cầu, để chống ngoại xâm, giữ gìn bờ cõi non sông. Trong bài thơ “Hồn đất thiêng đến Trường Sa” sáng tác trong chuyến đi, Trung tướng Phạm Quốc Trung viết: Sĩ quan Chính trị xin tặng Trường Sa/ Nắm đất thiêng ngôi trường Thành cổ/ Gửi theo đây hồn Thơ Thần bất hủ/ Từ phòng tuyến xưa Như Nguyệt, Sông Cầu… Trang giáo trình trải nghiệm giữa Biển Đông/ Mỗi hải lộ thêm bao điều thấu hiểu/ Hào khí cha ông, nay đang hiện hữu/ Nơi những con người trung hiếu-Trường Sa.

Chỉ huy đảo Trường Sa trao lá cờ tặng Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam

Mang đất thiêng từ Thành cổ Bắc Ninh ra Trường Sa, Trung tướng Phạm Quốc Trung cũng như bao người con đất Việt gửi gắm tình cảm đến đảo xa: Đất thiêng này nhuộm thêm đảo màu xanh/ Và hoá đá những tường thành chắn sóng/ Trao gửi niềm tin “chân cứng đá mềm”/ Nồng nàn tình yêu từ sâu trái tim hồng…

Trong chuyến công tác lần này, đại diện cho quân và dân trên huyện đảo Trường Sa, chỉ huy đảo Trường Sa đã trao tặng Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam một lá cờ đã qua sử dụng trên đảo. Thiếu tá Võ Thanh Sơn, Trợ lý thanh niên, Trường Sĩ quan Chính trị cảm động: Lá cờ không chỉ là biểu tượng của quốc gia mà còn mang hồn cốt của dân tộc. Lá cờ Trường Sa vô cùng thiêng liêng, lá cờ đã thấm đẫm vị mặn mòi của biển, ý chí quật cường cũng như bao mồ hôi, xương máu của cha ông. Tôi tin rằng thế hệ trẻ chúng tôi nói chung, cán bộ, học viên Trường Sĩ quan Chính trị nói riêng sẽ cảm nhận được ý nghĩa thiêng liêng đó để rồi tiếp tục học tập, rèn luyện thật tốt xứng đáng với những hi sinh to lớn của lớp lớp cha anh đi trước.

Chúng tôi cảm nhận được tình cảm thân yêu từ các thầy, cô giáo và các em học sinh, cũng như hơi ấm của đất liền. Những món quà ngoài giá trị vật chất còn có giá trị tinh thần vô giá giúp chúng tôi luôn đoàn kết, vững chắc tay súng, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao-Trung tá, Đỗ Hải Đăng, Chính trị viên đảo Trường Sa tâm sự khi nhận được những món quà từ đất liền.

Theo Báo hải quân Việt Nam

Chia sẻ bài viết