15/11/2017 - 10:42

Prôtêin gây bệnh Alzheimer có thể hình thành từ gan và thận 

Lâu nay giới khoa học không rõ nguyên nhân gây bệnh Alzheimer (chứng sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi), nhưng mới đây các nhà nghiên cứu tại Canada phát hiện “thủ phạm” có thể được hình thành ở gan và thận, sau đó di chuyển theo máu đến não.

Cặp chuột trong nghiên cứu của Đại học British Columbia Ảnh: Science Daily

Các mảng bám prôtêin beta-amyloid được cho là một phần nguyên nhân dẫn đến bệnh Alzheimer, khi chúng hủy hoại tế bào thần kinh, gây mất trí nhớ và suy giảm chức năng nhận thức. Qua các thí nghiệm, nhóm nghiên cứu do Giáo sư tâm thần học Weihong Song dẫn đầu tại Đại học British Columbia đã đưa ra bằng chứng cho thấy các tế bào prôtêin này có khả năng di chuyển theo máu để xâm nhập chất xám trong não, gây ra bệnh Alzheimer. Trong thí nghiệm, họ sử dụng kỹ thuật gọi là ghép sống (parabiosis) để cho 2 con chuột thí nghiệm gồm một con khỏe mạnh và con bị Alzheimer có chung một hệ tuần hoàn máu. Kết quả sau đó cho thấy con chuột khỏe mạnh đã “phơi nhiễm” Alzheimer, khi não của nó hình thành các đám rối prôtêin làm rối loạn các chức năng thông thường của cơ thể. Hai con chuột này đều chết chỉ vài tháng sau phát bệnh. Phát hiện này lần đầu tiên cho thấy chuột khỏe mạnh được truyền máu của chuột bệnh Alzheimer cũng bị “lây bệnh”.

Theo Giáo sư Yan-Jiang Wang, hàng rào máu não (màng sinh học ngăn cách máu với não- BBB) suy yếu khi chúng ta già đi, vì vậy nó cho phép các beta-amyloid xâm nhập vào não. Khi vào não, các beta-amyloid sẽ làm suy yếu chức năng của các tế bào thần kinh và dẫn đến các bệnh liên quan đến sa sút trí tuệ như Alzheimer.

Nhóm nghiên cứu hy vọng phát hiện trên sẽ giúp tìm ra loại thuốc ngăn chặn hoặc trì hoãn tiến triển của bệnh Alzheimer mà không cần can thiệp hay tác động vào cơ quan vô cùng phức tạp là não. Thay vào đó, họ cho rằng tác động đến gan và thận để lọc bỏ prôtêin beta-amyloid có thể ngăn chúng di chuyển đến não và sinh bệnh.

 HẠNH NGUYÊN (Theo Natural News)

Chia sẻ bài viết