21/03/2014 - 21:51

Phương Tây tăng cường trừng phạt Nga

Các lãnh đạo EU bàn biện pháp đối phó Nga ngày 21-3. Ảnh: AP

Nhằm buộc Nga hủy bỏ việc sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ liên bang, phương Tây vừa đưa ra những cấm vận mới đối với các cá nhân và chủ thể Nga. Đáp lại, Mát-xcơ-va bắt đầu trả đũa tương xứng.

Sau khi Hạ viện Nga thông qua hiệp ước sáp nhập Crimea, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) phản ứng bằng việc gia tăng cấm vận đối với Mát-xcơ-va. Tổng thống Barack Obama hôm 20-3 công bố bước trừng phạt mới khi bổ sung thêm 20 nhà lập pháp, quan chức cấp cao và doanh nhân hàng đầu của Nga vào danh sách cấm nhập cảnh và đóng băng tài sản ở Mỹ. Trong danh sách này có những người thân cận với Tổng thống Vladimir Putin như Chánh văn phòng tổng thống Sergei Ivanov cùng các tỉ phú Gennady Timchenko, Arkady Rotenberg và Boris Rotenberg. Như vậy, với 11 người trong danh sách ban đầu, số người Nga bị Washington cấm vận hiện nay là 31 người. Ngoài ra, ngân hàng Nga Rossiya do thân tín của ông Putin điều hành cũng bị cấm vận. Các ngân hàng phát hành thẻ tín dụng Mỹ Visa Inc and MasterCard Inc ngày 21-3 cũng đã ngừng cung cấp dịch vụ chuyển tiền cho các khách hàng của hai ngân hàng Nga Rossiya và SMP. Liên minh châu Âu (EU) cũng đưa thêm 12 người Nga vào danh sách cấm vận của mình, nâng số cá nhân bị cấm đi lại và đóng băng tài sản ở châu Âu lên 33 người.

Cả Mỹ và EU đều đe dọa sẵn sàng đưa ra biện pháp trừng phạt mới nghiêm khắc hơn nếu Nga tiếp tục để khủng hoảng leo thang tại Ukraina. "Nga phải biết rằng căng thẳng leo thang chỉ làm nước này thêm bị cô lập"- Tổng thống Obama nói. Ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh những trừng phạt hiện nay chỉ mới là sự khởi đầu và nếu Nga không nhượng bộ, Washington sẽ tiếp tục cấm vận các ngành kinh tế chủ chốt của nước này như tài chính, năng lượng, luyện kim, khai khoáng và chế tạo máy.

Đáp trả lại các hành động trên, chính quyền Tổng thống Putin cũng vừa công bố lệnh cấm vận đối với 9 cá nhân gồm các nhà lập pháp Mỹ và quan chức cấp cao của Nhà Trắng, trong đó có Chủ tịch Hạ viện John Boehner, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Robert Menendez, các thượng nghị sĩ Harry Reid, John McCain, Mary Landrieu và Daniel Coats. Ngoài ra, các cá nhân của Mỹ bị Nga trừng phạt còn có 3 cố vấn và phó cố vấn của Tổng thống Obama. Bộ Ngoại giao Nga cho biết Mát-xcơ-va sẽ tiếp tục áp đặt trừng phạt các quan chức Mỹ với số lượng tương đương.

Tuy nhiên, Tổng thống Putin tuyên bố Nga chưa cần đáp trả thêm biện pháp cấm vận của Mỹ, đồng thời cho biết Mát-xcơ-va muốn truy trì hợp tác với NATO trong vấn đề Afghanistan. Phát biểu tại cuộc họp an ninh và phê chuẩn hiệp ước tiếp nhận Crimea, ông chủ Điện Kremlin nói rằng các biện pháp cấm vận của Nhà Trắng chẳng tác động gì, kể cả đối với ngân hàng Rossiya có tổng tài sản 12 tỉ USD. Để khẳng định niềm tin, ông Putin cho biết sẽ sớm mở một tài khoản tại một ngân hàng bị Mỹ cấm vận. Tại phiên họp phê chuẩn hiệp ước sáp nhập Crimea của Thượng viện Nga trước đó, Ngoại trưởng Sergei Lavrov cũng nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt của quốc tế nhằm vào các quan chức và doanh nghiệp Nga là "hoàn toàn bất hợp pháp" và tạo ra rào cản giả tạo giữa Nga và phương Tây.

Cũng nhằm làm giảm căng thẳng với phương Tây, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Chuck Hagel hôm 20-3, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cam kết sẽ không tấn công các khu vực phía Đông Ukraina. Ông Shoigu nói rằng các hoạt động quân sự của nước này ở biên giới Ukraina hoàn toàn minh bạch. Trong khi đó, giới chức quân sự Mỹ cho biết Lầu Năm Góc đang xem xét viện trợ quân sự phi sát thương cho Ukraina. Lực lượng quân đội nước này cũng bắt đầu tham gia tập trận với 12 quốc gia thành viên NATO và các đối tác tại miền Đông Bulgary.

THUẬN HẢI
(Theo BBC, Reuters, AP, RIA Novosti, ITAR-TASS)

Ukraina ký thỏa thuận liên kết chính trị với EU

Hôm 21-3, bên lề cuộc họp thượng đỉnh của EU tại Brussels (Bỉ), Thủ tướng tạm quyền Ukraina Arseny Yatseniuk đã ký với các nhà lãnh đạo châu Âu thỏa thuận liên kết chính trị, văn kiện mà Tổng thống Viktor Yanukovich đã bác bỏ hồi tháng 11 năm ngoái - động thái dẫn đến việc ông này bị phe đối lập phế truất. Theo thỏa thuận này, Ukraina và EU cam kết thiết lập quan hệ hợp tác chính trị và kinh tế gần gũi hơn, mặc dù những phần chính của thỏa thuận này liên quan đến tự do thương mại sẽ chỉ được ký sau khi Ukraina tiến hành cuộc bầu cử tổng thống mới vào tháng 5 tới. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy tuyên bố thỏa thuận trên sẽ kéo Ukraina và 46 triệu dân nước này đến gần hơn với "trái tim và lối sống châu Âu".

Chia sẻ bài viết