23/09/2008 - 08:26

Kỷ niệm 63 năm Nam bộ kháng chiến (23/9/1945 – 23/9/2008)

Phường Lê Bình hôm nay

Cách mạng Tháng Tám thành công, niềm vui độc lập chưa được bao lâu thì thực dân Pháp núp bóng quân Anh với danh nghĩa đồng minh quay lại xâm lược nước ta lần nữa. Ngay chiều 23-9-1945, Ủy ban kháng chiến Nam bộ phát Lời kêu gọi đồng bào Nam bộ đứng lên kháng chiến chống Pháp. Hưởng ứng Lời kêu gọi, tại mặt trận Cái Răng, lực lượng vũ trang đã đánh nghiêng nhịp cầu Cái Răng, thường xuyên hoạt động quấy rối các đồn bót của địch và đánh bất ngờ tiêu diệt chúng ngay trong căn cứ. Trong đó, trận Lê Bình đã gây tiếng vang lớn trong cả nước, mở đầu cho một cách đánh bất ngờ vào đầu não địch, làm cho chúng hoang mang kinh sợ, từ đó động viên cán bộ, chiến sĩ các mặt trận xông lên giết giặc… giành chiến thắng. Nhân 63 năm ngày Nam bộ kháng chiến, trở lại phường Lê Bình, nơi diễn ra trận đánh năm xưa, nghe bà con kể chuyện xưa, chuyện nay, tôi cảm nhận vùng đất trung dũng kiên cường này đang chuyển động từng ngày…

Một ngày mới ở phường Lê Bình được đánh thức bởi sinh khí sôi nổi, nhộn nhịp của chợ nổi Cái Răng. Từ tờ mờ sáng, chợ đã nhóm, tàu ghe thương hồ tấp nập, xuôi ngược trên sông. Lòng tôi chợt rung động, bâng khuâng khi nhận ra trong làn sương mờ ảo, thấp thoáng hình ảnh các cô gái quê giản dị trong tà áo bà ba, nhẹ lướt mái chèo, cất giọng rao hàng lảnh lót. Ông Nguyễn Hòa Hiệp, một cán bộ lão thành cách mạng, có hơn 60 tuổi Đảng, được xem là “pho sử sống” của vùng đất này, kể: “Từ xa xưa, vùng đất Cái Răng đã sớm trở thành thị tứ, phố chợ đông đúc. Do hệ thống sông ngòi chằng chịt, giáp với nhiều địa phương nên xuồng ghe thương hồ ở khắp nơi tấp nập đổ về Cái Răng. Cùng với đường sông, đường bộ cũng phát triển. Do vậy, trong suốt hai thời kỳ kháng chiến, địch đã biến địa bàn Cái Răng trở thành trung tâm đầu não chiến lược, là vành đai bảo vệ tỉnh lỵ Cần Thơ. Có áp bức có đấu tranh, nhân dân Cái Răng nhiều lần đứng lên đòi quyền sống, quyền làm người. Dù bị giặc đàn áp, kềm kẹp, nhân dân vẫn nhiều lần treo cờ đỏ, búa liềm lên các cột dây thép trên cầu Cái Răng, giáo viên, học sinh đấu tranh đòi tăng giờ tiếng Việt, rải truyền đơn, tổ chức nhiều phong trào đấu tranh biến hậu phương của địch thành hậu phương của ta... Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Cái Răng đã góp phần làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công, giành chính quyền về tay nhân dân...”.

Trường THPT Nguyễn Việt Dũng vừa được đưa vào sử dụng từ năm học 2007-2008, tạo sự phấn khởi cho người dân địa phương. Ảnh: SỸ KHANG 

Dừng lại thật lâu trước bia kỷ niệm trận Lê Bình, ánh mắt người cựu chiến binh bỗng lặng đi vì xúc động, bởi những kỷ niệm xưa chợt hiện về. Sau vài phút trầm ngâm, ông Hiệp kể tiếp: “Niềm vui độc lập chưa được bao lâu thì thực dân Pháp núp bóng quân Anh với danh nghĩa đồng minh quay lại xâm lược nước ta lần nữa. Được sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy và Quận ủy Châu Thành, nhân dân Thị trấn Cái Răng tiếp tục đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Nhiệm vụ của mặt trận Cái Răng là cùng với các mặt trận khác ở Cần Thơ tổ chức đánh kiềm chân địch không cho chúng bung ra đánh chiếm nhanh các tỉnh Tây Nam bộ, để các tỉnh có thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến. Lúc này, thế giặc ở Cái Răng rất mạnh. Để tạo khí thế cho phong trào kháng chiến, sáng 12-11-1945, một đội cảm tử gồm 5 đồng chí, do đồng chí Lê Bình chỉ huy, bất ngờ đánh đột kích vào Bộ chỉ huy của Pháp đóng ở Nhà việc làng Thường Thạnh (Cái Răng). Bị tấn công bất ngờ, quân Pháp hoảng loạn, tên quan ba Rouan bị thương nặng. Đồng chí Lê Bình dũng cảm hạ cờ tam sắc (Quốc kỳ ) của Pháp xuống, kéo cờ đỏ sao vàng (Quốc kỳ) của ta lên. Sau khi hoàn hồn, quân địch từ các phòng trên lầu và từ các nơi kéo đến phản công. Cuộc chiến đấu rất ác liệt, đồng chí Lê Bình và nhiều đồng chí khác đã anh dũng hy sinh. Trận Lê Bình đã gây tiếng vang lớn trong cả nước, mở đầu cho một cách đánh bất ngờ vào đầu não địch, làm cho chúng hoang mang kinh sợ...”.

Nhiều sách sử đã viết, kể rất chi tiết về trận đánh oai hùng này. Theo quyển Lịch sử Đảng bộ Thị trấn Cái Răng (1930-1975), thì chính tên quan ba Rouan phải thừa nhận, khen ngợi lòng quả cảm của các chiến sĩ cảm tử: “với những khẩu súng tầm thường, họ đã xung phong dũng cảm, không sơ sệt, nao núng trước hàng loạt liên thanh của chúng tôi quét vào họ. Một người thanh niên vượt qua khỏi làn đạn, hạ cờ tam sắc xuống, treo cờ đỏ sao vàng rồi ngã gục một cách dũng mãnh phi thường. Tôi không sợ súng nhưng khiếp sợ tinh thần chiến đấu của họ...”. Tấm gương anh dũng và sự hy sinh quả cảm của đội cảm tử quân Lê Bình đã động viên cán bộ, chiến sĩ các mặt trận xông lên giết giặc.

Tấm lòng kiên trung của nhân dân Cái Răng càng được phát huy mạnh mẽ trong công cuộc xây dựng quê hương đổi mới. Nhiều bà con địa phương kể: Những tháng ngày “bom cày đạn xới”, bị địch kèm kẹp đã để lại cho vùng đất này những hậu quả nặng nề. Lúc đó, chỉ trừ có khu chợ Cái Răng vẫn hoạt động huyên náo, còn lại những khu vực khác đường sá hư hỏng nặng, cây cối cụt ngọn vì đạn pháo. Bệnh viện, trường học đều thiếu, chỉ việc vận động trẻ ra lớp đã là rất khó...

Nhưng đó là chuyện của những năm đầu giải phóng, bây giờ trở lại phường Lê Bình sau một năm được công nhận phường văn hóa đã thấy khác lạ. Phố xá tấp nập, xe cộ đông đúc, nhà cửa san sát. Bên cạnh những ngôi nhà cao tầng sang trọng, nhiều ngôi nhà trong khu chợ tiếp tục được khởi công xây dựng. Dọc theo các tuyến đường chính, các cửa hiệu, dịch vụ mới như cà phê Internet, chụp hình kỹ thuật số... mọc lên bắt nhịp cho xu thế đô thị hóa. Nhiều người dân cho rằng, sự chuyển mình của địa phương bắt đầu từ năm 2004, khi Thị trấn Cái Răng thuộc huyện Châu Thành được nâng lên phường Lê Bình, thuộc quận Cái Răng. Được cấp trên đầu tư, phường Lê Bình càng phấn đấu vươn lên xứng đáng là trung tâm kinh tế-văn hóa của quận. Nhiều tuyến đường mới trong nội ô được đầu tư xây dựng, như: đường Lê Bình, Nguyễn Việt Dũng, Trần Hưng Đạo nối dài... Kinh Cả Đạt, trước đây nước tù đọng, gây ô nhiễm môi trường được cải tạo, san lấp, xây dựng thành đường Nguyễn Trãi rộng rãi thông thoáng. Nhân dân đã góp công góp của cùng chính quyền địa phương làm lộ, bắc cầu, nhiều tuyến hẻm, con đường trước đây chỉ là bờ đê, lối mòn, giờ đã được mở rộng, đổ bê tông thẳng tắp, như: lộ mé sông Thạnh Mỹ, lộ cặp theo mé sông khu vực Yên Trung, lộ Rạch Ranh Yên Thượng... Đồng chí Phan Hữu Bẻo, Phó Bí thư Đảng ủy phường Lê Bình, phấn khởi nói: “Với sự đầu tư của Nhà nước và huy động sức dân, hiện nay hầu hết các tuyến đường chính của phường đều được nhựa hóa, còn các tuyến hẻm thì đã có trên 85% được bê tông hóa, tạo cho việc đi lại thuận tiện dễ dàng, góp phần phát triển kinh tế xã hội...”. Chị Nguyễn Kim Loan, người dân ở khu vực Yên Trung, tự hào: “Trước đây, hai phường Lê Bình, Thường Thạnh chỉ cách nhau một con sông mà việc đi lại khó khăn bởi không có cầu bắc ngang. Học sinh muốn qua đây học, người dân đi mua bán phải đi đò, hoặc chạy vòng Quốc lộ 1A, xa hàng chục cây số. Từ khi có cầu Lê Bình, không chỉ đi lại dễ dàng, mà việc mua bán của bà con cũng sôi động hẳn lên, góp nhiều mặt hàng cho khu chợ Cái Răng ngày càng phong phú...”.

Cặp bên chân cầu Lê Bình, quán giải khát của gia đình chị Hứa Thị Tím, ở ấp Yên Hạ, luôn đông khách. Mới hai năm trước đây, quán của chị Tím chỉ là một “quán cóc” lèo tèo, chỉ có các cô cậu học trò dừng chân uống trà đá, si rô mỗi khi tan trường. Từ khi làm lộ, bắc cầu, chị mở rộng thành quán giải khát, bán điểm tâm sáng và cơm phần vào buổi trưa. Ghé quán chị, chúng tôi vừa thưởng thức hương vị ly cà phê thơm lừng, vừa nghe bà con bàn chuyện “đi tắt đón đầu” đô thị hóa, khi cầu Cần Thơ hoàn thành. Người dự định mở tiệm tạp hóa, người thì chuẩn bị cho con học tin học để mở tiệm Internet... Riêng anh Tăng Học Nhân, một người dân bị ảnh hưởng bởi dự án cầu Cái Răng, vừa dọn đến ở khu tái định cư khu vực Thạnh Mỹ hơn 3 tháng, đã huy động vốn từ người thân, bạn bè để mở xưởng hàn, tiện sắt. Anh Nhân nói: “Cầu Cần Thơ hoàn thành sẽ tạo sức bật cho kinh tế địa phương phát triển. Khi ấy chắc chắn sẽ có thêm nhiều công trình, nhà dân được xây dựng kiên cố. Vì vậy, tôi nghĩ theo nghề sắt sẽ khấm khá”. Góp chuyện cùng người dân địa phương, tôi nhận ra rằng, một trong những niềm vui lớn của người dân nơi đây là Trường THPT Nguyễn Việt Dũng, trường cấp III duy nhất của phường, vừa đưa vào sử dụng trong năm học 2007-2008, kế đến Trường Đại học Tây Đô cũng đang khẩn trương xây dựng. Anh Trần Văn Hóa nói: “Trước đây đường sá đi lại khó khăn, phường thì không có trường cấp III, tụi trẻ muốn học lên cao phải học “ké” các địa phương khác, thủ tục rắc rối phức tạp. Vì vậy, hai đứa con lớn của tui lần lượt nghỉ học. Bây giờ lộ, trường đều thuận tiện, gia đình tôi quyết dồn sức lo cho đứa con gái út học hành tới nơi tới chốn”.

Đến phường Lê Bình vào những ngày tháng 9 lịch sử, chúng tôi còn bắt gặp không khí khẩn trương xây dựng hàng chục dự án, công trình. Dừng lại trước công trình xây dựng Trung tâm Thương mại, các đồng chí lãnh đạo phường phấn khởi thông tin: “Việc mua bán của người dân ở chợ Cái Răng ngày càng phát triển mạnh mẽ. Với phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhiều năm qua, chúng tôi đã tổ chức nâng cấp các tuyến đường nội ô chợ, tạo vẽ mỹ quan. Nay được nhà nước đầu tư xây dựng Trung tâm Thương mại với qui mô 1 trệt 1 lầu, việc mua bán sẽ càng thêm thuận lợi, bà con vui mừng với chủ trương này lắm”. Tham quan một vòng chợ, chúng tôi càng phấn khởi trước qui mô rộng lớn của các gian hàng và sự đa dạng của các sản phẩm. Ngoài những lô sạp bán hoa tươi, trái cây quần áo, thực phẩm các loại, trong chợ còn có tiệm bán ti vi, xe máy, vàng bạc... Người bán người mua tấp nập. Chị Nguyễn Thanh Loan, một tiểu thương chuyên bán nón, áo len, cười tươi rói, khoe với chúng tôi: “Những năm gần đây, lượng khách đến mua sắm và tham quan chợ Cái Răng rất đông, trong đó có nhiều du khách nước ngoài. Họ rất chuộng các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp, khen người Việt Nam ta khéo tay...”.

Là cửa ngõ của quận Cái Răng, phường Lê Bình đang chuyển mạnh sang phát triển thương mại - dịch vụ. Nhiều công ty, xí nghiệp lớn ở Thành phố Cần Thơ đã và đang chọn địa bàn Lê Bình để mở cơ sở. Theo đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy phường Lê Bình: “Hiện phường có 595 cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Nếu như năm 2005, tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ mới đạt 40 tỉ đồng, thì hiện nay còn số này đã lên khoảng 60 tỉ đồng”.

Trên đường về, tôi cứ mãi nghĩ đến những con đường rộng mở, những căn nhà khang trang, ngôi trường mới xây, chợ Cái Răng nhộn nhịp, những công trình đang trong giai đoạn nước rút... Hình ảnh anh Trần Văn Hóa luôn chắt chiu từng đồng cho con ăn học, và những anh Nhân, chị Tím trọng nghĩa tình, giàu lòng mến khách... Tất cả như đang chuẩn bị cho một bước nhảy vọt trong tương lai không xa của Lê Bình.

Ghi chép: SỸ KHANG

Chia sẻ bài viết