15/05/2018 - 21:51

Phòng tránh, bảo vệ sản xuất, tài sản nhân dân mùa mưa bão 

ĐBSCL bước vào mùa mưa, nhiều trận mưa lớn đầu mùa làm dịu không khí oi bức của mùa hè, tưới mát ruộng rẫy, hoa màu. Tuy nhiên, những cơn mưa đầu mùa đã kèm theo lốc xoáy, sạt lở bờ sông, gây hư hỏng nhà cửa, đường giao thông, hoa màu... của người dân. Các ngành chức năng, chính quyền địa phương các cấp cần quan tâm thực hiện giải pháp ứng phó giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Thiệt hại ngày càng nghiêm trọng

Theo Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (BĐKH) – Trường Đại học Cần Thơ, do ảnh hưởng của BĐKH, mùa khô năm 2018, người dân TP Cần Thơ cũng như các địa phương khác trong khu vực ĐBSCL sống trong cảnh khô hạn, không khí nóng bức với nhiệt độ 30 – 330C. Tuy nhiên, trong thời điểm chuyển mùa, những trận mưa đầu thường kèm theo lốc xoáy, sạt lở bờ sông, gây thiệt hại nặng nề về nhà cửa, hoa màu...

Lực lượng cứu hộ TP Cần Thơ được tập huấn khi mưa lớn gây sạt lở bờ sông. Ảnh: HÀ VĂN
Lực lượng cứu hộ TP Cần Thơ được tập huấn khi mưa lớn gây sạt lở bờ sông. Ảnh: HÀ VĂN

Người dân thị trấn Phước Long, huyện Phước Long (tỉnh Bạc Liêu) còn nhớ chỉ trong một tuần trên địa bàn thị trấn đã xảy ra liên tục 2 trận lốc xoáy làm sập và tốc mái hàng chục căn nhà, ước thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Đó là tối 1-5-2018, cơn mưa đầu mùa xuất hiện kèm theo lốc xoáy đi qua địa bàn các ấp Phước Thuận A, Hòa A, Long Hải, Hành Chính, Long Hòa thuộc thị trấn Phước Long, làm sập và tốc mái 16 căn nhà (1 căn nhà bị sập hoàn toàn và 15 căn bị tốc mái). Trước đó, vào khoảng 13 giờ 30 phút, ngày 25-4-2018, một cơn mưa lớn kèm theo lốc xoáy đã làm sập và tốc mái 52 căn nhà tại 3 ấp: Long Hòa, Long Thành và Nội Ô, thị trấn Phước Long, trong đó có 10 căn bị sập hoàn toàn. Hai trận lốc xoáy trên không gây thiệt hại về người, nhưng thiệt hại về nhà và tài sản với trị giá trên 700 triệu đồng. Chính quyền địa phương huy động lực lượng, vật chất hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại do thiên tai dựng lại nhà cửa, ổn định cuộc sống.

Tại TP Cần Thơ, vào thời điểm chuyển mùa, xuất hiện nhiều điểm sạt lở bờ sông, kênh rạch, gây lo lắng cho các hộ dân sống ven sông, tại các khu vực có nguy cơ sạt lở. Mới đây, ngày 7-5-2018, một đoạn bờ sông Ô Môn, thuộc khu vực Thới Lợi, phường Thới An, quận Ô Môn (TP Cần Thơ) tiếp tục xảy ra sạt lở nghiêm trọng, làm ngôi nhà của gia đình anh Nguyễn Văn Ni bị sụp đổ xuống sông, kéo theo một đoạn đường giao thông dài hơn 15m, chiều sâu vào bờ khoảng 5m. Rất may, vụ sạt lở không gây thiệt hại về người, nhưng tài sản thiệt hại khoảng 40 triệu đồng. Sau khi sạt lở xảy ra, chính quyền địa phương và người dân lân cận đã giúp gia đình anh Ni khắc phục hậu quả, hỗ trợ bà con xung quanh khu vực sạt lở di dời đến nơi an toàn.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) TP Cần Thơ, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP Cần Thơ xảy ra 6 vụ sạt lở bờ sông, trong đó quận Ô Môn xảy ra 2 vụ, quận Thốt Nốt xảy ra 2 vụ, Cái Răng 1 vụ và huyện Phong Điền 1 vụ. Hiện nay, tại các đoạn bờ sông có nguy cơ sạt lở, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố và các quận, huyện đã cắm bảng cảnh báo, nhất là ở các đoạn sông sâu, nước chảy xiết; đồng thời tuyên truyền, vận động các hộ dân sinh sống cặp bờ sông, kênh, rạch sớm di dời đến nơi an toàn, nhằm đảm bảo tính mạng và tài sản...

Ông Nguyễn Quý Ninh, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi thành phố, phụ trách Văn phòng Ban chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ, cho biết: “Thời gian qua, các sở, ngành của thành phố và địa phương đã tổ chức ứng phó kịp thời khi thiên tai xảy ra, nhất là kịp thời huy động lực lượng khắc phục hậu quả, giúp người dân bị ảnh hưởng giảm nhẹ thiệt hại. Các địa phương cũng hỗ trợ chi phí (từ quỹ phòng chống thiên tai), giúp người dân ổn định cuộc sống”.

Tăng cường phòng tránh

  Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ, cho biết: “Thời điểm này, Ban chỉ huy các cấp, các sở ngành cần xây dựng kế hoạch, phương án phòng, tránh thiên tai, mưa bão, tìm kiếm cứu nạn và ứng phó sự cố xảy ra theo phương châm “chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả trong đó lấy phòng, tránh là chính”. Các ngành và địa phương chủ động xây dựng và triển khai thực hiện các phương án phòng tránh cụ thể, phù hợp với đặc điểm từng ngành, từng địa phương và đảm bảo thực hiện có hiệu quả”.

Để hạn chế thiệt hại do thiên tai, lốc xoáy, sạt lở bờ sông... xảy ra trong mùa mưa, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ đề nghị các cơ quan, đơn vị, UBND các quận, huyện tổ chức thực hiện, chỉ đạo các ban, ngành, các phường, xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, phổ biến đến nhân dân các biện pháp phòng tránh, ứng phó với mưa lớn, giông gió, lốc xoáy, sạt lở bằng các biện pháp, như: kiểm tra, khai thông các cống, rãnh thường xuyên bị tắc nghẽn đề phòng ngập úng cục bộ khi có mưa lớn; khuyến cáo các tổ chức, cá nhân kiểm tra, bảo quản các hóa chất độc hại để đảm bảo an toàn, không để phát tán gây ô nhiễm môi trường khi có mưa lớn, ngập úng; vận động nhân dân chằng chống nhà cửa để tăng độ vững chắc nhằm đề phòng giông gió, lốc xoáy; vận động, di dời các hộ dân sống tại khu vực có nguy cơ sạt lở đến nơi ở an toàn... Đặc biệt, ở các cửa sông, ven sông, nơi trống trải, nếu nhà ở lợp bằng lá, tôn tráng kẽm, fibro xi măng, ngói có thể dằn lên mái nhà các loại thanh nẹp bằng gỗ, sắt, dây kẽm cỡ lớn hoặc các bao chứa cát để hạn chế tốc mái khi có giông gió, lốc xoáy; tăng cường chặt tỉa cành, nhánh của các cây xanh trên vỉa hè, con lươn, cây gần nhà ở, lưới điện… nhằm tránh gãy đổ có thể xảy ra.

Đối với các huyện ngoài thành, khi có giông gió, lốc xoáy cần sơ tán người già và trẻ em ra khỏi những căn nhà tạm bợ, đến những nơi an toàn, vững chắc hơn; tránh núp dưới bóng cây, dễ bị ngã đổ gây tai nạn; tổ chức trực ban ngay khi trên địa bàn mình quản lý xảy ra sự cố do mưa lớn, giông gió, lốc xoáy gây ra; tổ chức khắc phục hậu quả, thống kê, báo cáo, thông tin kịp thời mọi tình huống về Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ. 

Hằng năm, TP Cần Thơ nói riêng, ĐBSCL nói chung đều bị thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra. Do đó, các địa phương trong khu vực ĐBSCL và người dân luôn chú trọng thực hiện các biện pháp phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, mưa bão, lốc xoáy, sạt lở bờ sông... 

HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết