13/12/2012 - 21:30

Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và bệnh đường tiêu hóa từ nhà bếp

Ngành y tế diễn tập xử lý ngộ độc thực phẩm.

Nhiều người chủ quan nghĩ rằng ngộ độc thực phẩm (NĐTP) chỉ xảy ra tại nhà ăn tập thể, trường học, nhà hàng… nhưng tại nhà bếp của gia đình vẫn có thể là nơi có thể xảy ra NĐTP hoặc gây ra một số bệnh đường tiêu hóa. Ông Đàm Hồng Hải, Phó Chi cục trưởng, Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm TP Cần Thơ, cho biết:

Nhà bếp của bạn vẫn có thể là nơi có thể xảy ra các bệnh như tiêu chảy, nôn mửa, đau bụng (ngộ độc nhẹ)… Các bệnh này có thể xảy ra từ 1 - 3 giờ sau khi ăn những món như rau sống, gỏi tôm, tép, đồ nguội (giò, chả, nem…). Tác nhân của trường hợp này thường do vi khuẩn Staphylococcus aureus, Bacillus cereus (chủng cereulide), E. coli… đôi khi do virus như Norovirus.

Dạng ngộ độc nặng hơn (xảy ra từ 6 - 72 giờ sau khi ăn) do vi khuẩn Salmonella, Shigella, Listeria, Cl. Botulinum, Welchia perfringens… ngoài triệu chứng nôn mửa, tiêu chảy, còn kèm theo chứng đau quặn bụng, nhức đầu, choáng váng…đôi khi có sốt cao, tiêu ra máu (do vi khuẩn Shigella, E. coli…). Nhưng nguy hiểm hơn là các hội chứng thuộc bệnh đường tiêu hóa chỉ biểu hiện sau vài tuần (ví dụ bệnh thương hàn, lỵ trực trùng, lỵ amip…) mà nhiều người ít nghĩ đến mối liên quan giữa nhà bếp và các chứng bệnh đường ruột này.

*Nguồn gốc phát sinh vi khuẩn:

Vi khuẩn thường hiện diện nơi sàn nhà, tủ đựng thức ăn, dụng cụ nấu nướng, nhất là tấm thớt… và đặc biệt từ bàn tay của người chế biến thực phẩm không sạch. Chúng ta nên nhớ rằng ở nhiệt độ bình thường, vi khuẩn có thể gia tăng số lượng gấp đôi trong vòng 15 phút. Khi nấu thức ăn ở nhiệt độ trên 850C, đa số các vi khuẩn đã bị giết chết. Nhưng nếu để thực phẩm ở nhiệt độ bình thường quá 2 giờ, các vi khuẩn có thể gây nguy hiểm, bởi lúc này, chúng bắt đầu sinh sản độc tố và dù có nấu tới 1000C thì chúng vẫn không bị tiêu diệt. Vì thế, trong chế biến cũng cần lưu ý rằng: nhiệt độ trong tủ lạnh và kể cả ngăn đông lạnh cũng chỉ có khả năng làm chậm lại quá trình phát triển của vi khuẩn chứ không thể giết chết vi khuẩn hoặc tiêu diệt độc tố của chúng. Ví dụ ở nhiệt độ âm 60C, các vi khuẩn tả, lỵ trực khuẩn, Bacillus, Norovirus vẫn sống bình thường trong vòng 2 - 3 tháng, còn ở nhiệt độ âm 180C, vi khuẩn thương hàn, tụ cầu vàng, Listeria vẫn sống được 4 - 5 tháng. Khi gặp môi trường nhiệt độ thường, chúng lập tức hoạt động trở lại và có thể gây bệnh.

*Phòng ngừa ngộ độc

- Vi khuẩn có thể tồn tại trong nhà bếp (sàn nhà, dụng cụ chế biến, vật dụng chứa thức ăn…) vài giờ và lây lan sang các loại thực phẩm xung quanh. Chính vì vậy, các bà nội trợ nên giữ mọi thứ trong bếp thật ngăn nắp, sạch sẽ, không dùng chung vật dụng (dao, thớt, rổ, rá) để chế biến thịt sống và thịt chín. Sau khi dùng, bạn nên cọ rửa thật kỹ bằng dung dịch tẩy trùng hoặc nước xà bông và tráng sạch bằng nước nóng, hoặc phơi dưới ánh nắng. Nếu nhà có trang bị tủ lạnh nên tổng vệ sinh định kỳ, ít nhất là mỗi tháng.

- Bạn đừng quên việc giặt khăn lau bếp bằng nước nóng, khử trùng vật dụng rửa chén bát, ly tách (khăn vải, xơ dừa, miếng bọt biển) thường xuyên. Tốt nhất nên bỏ đi sau 1 tháng sử dụng.

- Ngoài ra, bạn đừng quá chủ quan về sự sạch sẽ của bàn tay mình. Hãy rửa tay thật kỹ bằng xà bông trước khi bắt tay vào công việc nấu nướng!

H.Hoa (lược ghi)

Chia sẻ bài viết