11/03/2018 - 15:54

Phong Điền áp dụng VietGap nâng cao giá trị nông sản 

Huyện Phong Điền với 83,5% diện tích đất sản xuất nông nghiệp và 90% dân số sống ở nông thôn. Để phát triển bền vững, huyện Phong Điền xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020. Trong đó, các mô hình sản xuất trái cây theo quy trình VietGAP đang là một trong những định hướng chính của đề án phát triển nông nghiệp bền vững.

Thu hoạch cam không hạt tại hộ gia đình ông Phạm Văn Đảo.

Gia đình của ông Phạm Văn Đảo, ngụ ấp Tân Nhơn, xã Tân Thới, huyện Phong  Điền đang vào vụ thu hoạch rộ cam không hạt. Ông Đảo phấn khởi cho biết: “Cả tuần nay, mỗi ngày tôi thu hoạch bán 100-200kg cam. Sau 4 năm trồng, vườn cam không hạt phát triển tốt, ra trái đều. Hiện nay, mặc dù đang vụ thu hoạch mùa nghịch nhưng cây cam cho trái rất sai, có cây hái được 65kg, giá bán cho lái hiện nay từ 20.000 - 25.000 đồng/kg. Với 1 héc-ta đến hết vụ thu hoạch này ước được khoảng trên 3 tấn trái. So với vườn chanh trước đây, cây cam không hạt mang lại hiệu quả tốt hơn”. Đây là vườn cam không hạt đầu tiên sản xuất theo mô hình VietGAP (Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 6 chứng nhận) trên địa bàn huyện Phong Điền. Nguồn giống từ Trung tâm giống cây trồng, thủy sản, vật nuôi TP Cần Thơ.

Ông Trương Văn Thể, Tổ Trưởng Tổ Liên Kết VietGAP huyện Phong Điền, chủ nhiệm câu lạc bộ trồng vú sữa Giai Xuân, cho biết, tổng diện tích trồng vú sữa của câu lạc bộ 28,5ha, hiện 4,5ha trồng vú sữa theo quy trình VietGAP. Các thành viên của câu lạc bộ ủng hộ theo hướng sản xuất VietGAP, hiện nay cũng có một vài doanh nghiệp xuất khẩu đến khảo sát để thu mua. Tuy nhiên, các sản phẩm VietGAP lái thu mua bằng giá các sản phẩm trồng theo cách thông thường. Do đó, để nhân rộng mô hình VietGAP, bên cạnh sự hỗ trợ kỹ thuật, người dân rất cần sự hỗ trợ của địa phương trong việc quảng bá để tìm đầu ra cho sản phẩm.     

Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững huyện Phong Điền được xây dựng vào cuối năm 2016 với quan điểm tái cơ cấu ngành nông nghiệp phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện; gắn phát triển nông nghiệp bền vững với xây dựng huyện sinh thái và bảo vệ môi trường. Mục đích của đề án là tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững dựa trên lợi thế, tiềm năng của huyện, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất và thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyên môn hóa nông dân, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, đời sống của dân cư nông thôn; thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái và từng bước xây dựng huyện thành huyện sinh thái.

Theo đó, đề án đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất các các mảng hoạt động như: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, phát triển du lịch sinh thái, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng chất cơ sở hoạt động... Tập trung chuyển đổi toàn bộ diện tích đất vườn bỏ hoang, vườn kém hiệu quả và diện tích đất trồng lúa để phát triển thành vùng cây ăn trái theo hướng chuyên canh, có giá trị. Thúc đẩy phát triển ngành hoa kiểng thành ngành hàng chiến lược của huyện theo hướng bền vững, có giá trị gia tăng cao. Phát triển các loại màu tạo nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến như bắp, mè… Xây dựng và phát triển vùng sản xuất chuyên canh rau an toàn, tạo ra các sản phẩm chất lượng cao. Từng bước xây dựng và tiếp nhận áp dụng các quy trình sản xuất an toàn VietGAP. Xây dựng các điểm du lịch, ứng dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tạo thành thương hiệu du lịch miệt vườn, du lịch sông nước của Phong Điền. Khuyến khích ứng dụng quy trình canh tác an toàn sinh học, quy trình sản xuất sản phẩm hữu cơ đối với các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực theo yêu cầu của thị trường. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp có lợi thế. Thực hiện rộng rãi, áp dụng các hình thức quản lý đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hiện thủ tục đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu thương mại sản phẩm. Tăng cường công tác hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiếp thị quảng bá sản phẩm để tìm kiếm thị trường. Tạo điều kiện thúc đẩy các tổ chức kinh tế tập thể phát huy vai trò, làm đầu mối liên kết với các doanh nghiệp, đơn vị tiêu thụ nông sản, thúc đẩy phát triển sản xuất ở địa phương....

Thời gian qua, thành phố cũng triển khai nhiều đề tài, dự án, mô hình giúp nông dân giảm chi phí, tăng thu nhập trong sản xuất. Đặc biệt, thông qua Dự án Quản lý thủy lợi phục vụ phát triển nông thôn vùng ĐBSCL (WB6) do Ngân hàng Thế giới tài trợ, Cần Thơ triển khai Tiểu dự án mô hình thí điểm sản xuất lúa và cây ăn quả ở xã Trường Long, huyện Phong Điền. Qua đó, giúp nâng cao hiệu quả sử dụng nước tại khu thí điểm, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Phan Thanh Trung, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Phong Điền, cho biết, với mô hình sản xuất cây ăn trái VietGAP, trạm đã phối hợp với các ủy ban xã Giai Xuân, Tân Thới, Nhơn Nghĩa triển khai trên quy mô 7,55 ha/12 hộ dân với 3 loại cây ăn trái: vú sữa (4,5ha), cam (2ha) và 10,5 ha nhãn. Sau hơn 1 năm thực hiện định hướng sản xuất theo quy trình VietGAP (từ tháng 9-2016 đến 12-2017), các hộ tham gia mô hình từng bước đã thực hiện được theo một quy chuẩn nên việc kiểm soát và phòng trừ dịch bệnh đồng loạt và hiệu quả. Người dân nhận thức được lợi ích của sản xuất cây ăn trái theo hướng VietGAP giảm được chi phí sản xuất, nâng giá trị sản phẩm, tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện nay là nhiều hộ tham gia mô hình còn bỡ ngỡ khi tiếp cận phương pháp mới. Diện tích manh mún, không tập trung nên khó để triển khai đồng loạt. Đầu ra sản phẩm chưa nổi trội hơn về giá so với sản phẩm sản xuất thông thường...

Bài, ảnh: Khánh Nam

Chia sẻ bài viết