12/11/2018 - 07:32

Phòng, chống nhiễm HIV trong học sinh, sinh viên 

Phần lớn sinh viên, học sinh ở các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP Cần Thơ sống xa nhà, ở tập thể. Ở tuổi này, nhiều bạn đã có quan hệ tình dục, nếu không có kiến thức, hành vi an toàn thì nguy cơ nhiễm HIV hoàn toàn có thể xảy ra.


Sinh viên Trường ĐHCT trả lời câu hỏi tìm hiểu về HIV. Ảnh: H.HOA

Bác sĩ Nguyễn Quang Thông, nguyên Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ (hiện là Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ) kể câu chuyện gặp một sinh viên trường cao đẳng trên địa bàn TP Cần Thơ khi em này đến Trung tâm xin tư vấn, xét nghiệm HIV. Theo lời sinh viên này, trước khi đến trung tâm tư vấn, em đã uống rượu và quan hệ tình dục với nhiều người. Em lo sợ bị lây nhiễm HIV từ bạn, nên đến Trung tâm để tư vấn, xét nghiệm HIV.

Sinh viên Trần Trung Tín, ngành Toán ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) cho biết, nhiều bạn sinh viên đã có người yêu và quan hệ tình dục. Ngoài ra, sống tập thể, nhiều bạn dùng chung dao cạo râu, lưỡi lam, dụng cụ cắt móng tay, chân… nên cũng có nguy cơ lây nhiễm HIV, nếu trong nhóm có người bị nhiễm. Từ đầu năm 2017, sau khi tham gia tập huấn về HIV/AIDS do các bác sĩ ở Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ (viết tắt là Trung tâm) giảng dạy, Tín đã chủ động xét nghiệm HIV. Nếu chẳng may có bệnh thì được điều trị sớm, giữ gìn sức khỏe và không lây cho người khác.

Theo chị Nguyễn Phạm Anh Thư, cán bộ Khoa Truyền thông và Can thiệp, Trung tâm, qua thực tế xét nghiệm, điều trị, phát hiện sinh viên, học sinh nhiễm HIV, nhất là trong giới MSM (nam quan hệ tình dục đồng tính), Trung tâm đã đẩy mạnh hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong các trường học, nhất là cao đẳng và đại học. Vừa qua, Đoàn Trường ĐHCT và Trung tâm đã tổ chức sự kiện truyền thông quảng bá dịch vụ tự xét nghiệm và xét nghiệm HIV, viêm gan C, giang mai. Chương trình tổ chức sôi động với các tiết mục ca, múa, nhảy hiện đại, thời trang bao cao su. Đặc biệt là tiểu phẩm “Bình minh không đến” đã lay động cảm xúc của người xem về nỗi lòng của người MSM. Ban tổ chức cũng giao lưu với sinh viên thông qua các câu hỏi - đáp; các bạn sinh viên có nhu cầu được tư vấn, lấy máu xét nghiệm HIV. 

Sinh viên  Trần Nguyễn Thị Yến Vy, ngành Quản trị, dịch vụ du lịch và lữ hành, Trường ĐHCT, cho biết: “Những buổi truyền thông như vậy rất bổ ích cho sinh viên. Em đã dự rất nhiều buổi, qua đó, có thêm kiến thức, kỹ năng phòng tránh vì ai cũng có nguy cơ nhiễm HIV”. Trước đây, hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong trường đại học, cao đẳng chủ yếu là tập huấn cho cán bộ đoàn, tổ chức hội trại, hội thi tuyên truyền. Từ đầu năm 2017, ngoài các hoạt động trên, Trung tâm đã xây dựng lực lượng tiếp cận viên ở 8 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP Cần Thơ và triển khai các dịch vụ liên quan đến phòng, chống HIV, AIDS. Trong đó, tập trung trong nhóm sinh viên MSM.

Toàn Trường ĐHCT hiện có 16 tiếp cận viên. Các bạn đều được Trung tâm tập huấn kiến thức, kỹ năng, cách thực hiện test xét nghiệm HIV. Trưởng Nhóm tiếp cận viên Trường ĐHCT Nguyễn Quốc Cường, sinh viên năm 4, ngành sinh học cho biết, các bạn có thể đem test dịch miệng về nhà tự làm và trả test lại sau khi có kết quả. Nếu kết quả có phản ứng, tiếp cận viên sẽ hỗ trợ tâm lý, đưa các bạn đến Trung tâm xét nghiệm. Nếu kết quả khẳng định nhiễm HIV, tiếp cận viên sẽ hướng dẫn thủ tục chuyển bảo hiểm y tế để điều trị ARV sớm.

Trong quá trình triển khai hoạt động tự xét nghiệm, nhóm Nguyễn Quốc Cường phát hiện 1 bạn có test phản ứng. Nhóm liên hệ với Trung tâm để làm xét nghiệm trong ngày. Sau khi có kết quả dương tính, tiếp cận viên tiếp tục hỗ trợ. Sau đó, bạn này điều trị ARV ngay, đến nay vẫn học tập, làm việc và sinh hoạt bình thường. Ngoài những hoạt động trong trường, Nguyễn Quốc Cường còn tham gia hoạt động tư vấn, xét nghiệm HIV tại cộng đồng. Hoạt động này thường diễn ra ở các quán cà phê. Thông qua mạng xã hội facebook, zalo…, Cường tiếp cận, tư vấn cho các bạn sinh viên đến quán cà phê lấy máu đầu ngón tay xét nghiệm HIV, giang mai và viêm gan C hoặc test HIV bằng dịch miệng.

Ngoài Trường ĐHCT, theo Khoa Truyền thông và Can thiệp, Trung tâm, từ đầu năm 2018 đến nay, Trung tâm đã thí điểm dịch vụ test HIV bằng dịch miệng ở 7 trường  đại học và cao đẳng. Qua hoạt động tự xét nghiệm HIV đã phát hiện hơn 10 trường hợp sinh viên, học sinh nhiễm HIV. Sinh viên Trần Trung Tín đã tham gia làm tiếp cận viên từ tháng 3-2018, cho biết: “Nhiệm vụ của em là cùng các bạn tiếp cận viên khác tổ chức buổi truyền thông. Mỗi tháng làm 1 lần ở 1 khoa. Luân phiên lần lượt các khoa trong trường. Chỉ tiêu tổ chức 1 buổi là 20 bạn tham gia nhưng thường thu hút trên 100 bạn. Ngoài ra, tiếp cận viên cũng phát bao cao su, gel bôi trơn, phát và tư vấn test xét nghiệm HIV bằng dịch miệng. Khi test xong thì phải thu test lại. Nếu test có phản ứng thì tư vấn khách hàng đến Trung tâm làm xét nghiệm”. Những hoạt động thiết thực này sẽ góp phần ngăn ngừa, phòng chống lây nhiễm HIV trong giới sinh viên, học sinh.

H.HOA

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
HIV sinh viên