12/02/2018 - 17:07

Phòng bệnh ngày Tết cho trẻ nhỏ 

Trẻ nhỏ, sức đề kháng yếu vì miễn dịch của cơ thể chưa hoàn chỉnh. Thêm vào đó, việc di chuyển nhiều, liên tục, xáo trộn lịch sinh hoạt trong dịp Tết dẫn đến nguy cơ trẻ dễ bị nhiễm bệnh. 

“Bệnh Tết”

Bác sĩ Trương Cẩm Trinh, Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ cho biết: “Những ngày Tết, người lớn bận rộn tiếp khách, đi chúc Tết, về quê... nên xao nhãng hoặc chăm sóc trẻ không cẩn thận, trẻ dễ bị bệnh. Phần lớn trẻ bệnh dịp Tết là do xáo trộn ăn, uống, sinh hoạt như ăn bánh kẹo, uống nước ngọt nhiều, ngủ không đủ... Có 2 nhóm bệnh thường gặp ở trẻ trong Tết là bệnh lý đường tiêu hóa và hô hấp”.

Trong những ngày Tết, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ vẫn tổ chức khám ngoại trú cho trẻ.

Bệnh hô hấp trên gồm có các bệnh: viêm họng, viêm amidan, viêm mũi...; bệnh hô hấp dưới như: viêm phế quản, viêm phổi, hen suyễn… Biểu hiện chung của trẻ bị bệnh viêm đường hô hấp là sốt nhẹ, ho, sổ mũi, khò khè. Khi trẻ có những dấu hiệu này, cha mẹ cần đưa đến BV để bác sĩ thăm khám. Theo các bác sĩ, gia đình cần theo dõi những dấu hiệu nặng để đưa trẻ nhập viện ngay: trẻ lừ đừ, sốt cao không giảm, sốt cao co giật, bỏ bú, nôn ói, thở nhanh, co lõm ngực, thở rít khi nằm yên... 

Ngoài ra, việc ăn uống và bảo quản thức ăn ngày Tết không đúng quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ làm phát sinh nhiều bệnh lý về đường tiêu hóa, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe trẻ. Trẻ có nguy cơ bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy hoặc ngộ độc thức ăn. Các biểu hiện chung là trẻ ói, sốt nhẹ, tiêu chảy. Nặng hơn là nhiễm trùng đường ruột với các biểu hiện sốt cao, tiêu phân đàm máu, nhầy nhớt, ói dữ đội, môi khô, thóp trũng (dấu hiệu trẻ mất nước)... Đó là chưa kể trường hợp, trẻ “vô tư” nạp bánh, mứt, kẹo, nước ngọt khi người lớn không giám sát. Điều này làm cho trẻ khó chịu, do hệ tiêu hóa phải chứa một lượng thức ăn ngọt quá lớn. 

Không tự ý làm “bác sĩ”

Bác sĩ khoa nhi khuyến cáo, khi trẻ có biểu hiện bệnh, gia đình nên đưa trẻ đi khám, tuyệt đối không tự ý ra nhà thuốc mua thuốc. Khi đưa trẻ đi khám, bác sĩ sẽ quyết định điều trị thích hợp cũng như tư vấn các dấu hiệu để gia đình theo dõi, tránh trường hợp kháng thuốc do dùng kháng sinh không hợp lý, không đủ liều lượng hay diễn tiến nặng, không kịp thời đưa đến BV khám, điều trị.

Để đảm bảo sức khỏe cho trẻ, gia đình cần rửa tay cho trẻ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; ăn uống đầy đủ dinh dưỡng; vệ sinh sạch sẽ, ngủ đủ giấc để tăng cường sức đề kháng... Giữ ấm cho trẻ, hạn chế cho trẻ ra đường khi trời nắng gắt. Khi ra đường cần trang bị nón, áo khoác, khẩu trang đầy đủ cho trẻ. Nếu trẻ có tiền căn viêm mũi dị ứng, hen suyễn, cần vệ sinh nhà cửa và môi trường xung quanh, tránh tiếp xúc với lông chó, mèo, phấn hoa; điều chỉnh nhiệt độ máy lạnh phù hợp (tránh chênh lệch cao so với ngoài trời). 

Đây là thời điểm bệnh thủy đậu, tay chân miệng, ho gà, sởi, quai bị “vào mùa”; đồng thời, gần Tết nhưng trời vẫn mưa, tạo điều kiện cho muỗi phát triển, làm lây lan bệnh sốt xuất huyết nên các bậc cha mẹ cần lưu tâm để phòng bệnh cho trẻ.

Ngoài những bệnh đã nói ở trên, sau Tết, trẻ em có thể gánh “hậu quả hậu Tết” như béo phì sẽ tăng hơn, hoặc tình trạng ngược lại là sút cân, suy dinh dưỡng sau Tết. Do vậy, cha mẹ nên chú ý đến chế độ ăn uống của trẻ để tránh xảy ra các tình trạng trên.

 Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết