23/03/2018 - 16:22

Phó Thủ tướng: Phải kết nối được các tuyến giao thông thủy tại ĐBSCL 

Sáng 23/3, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác Chính phủ đã đi khảo sát tuyến luồng sông Hậu tại tỉnh Trà Vinh. Đây là công trình quan trọng, xây dựng tuyến luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sâu trong các cảng trên sông Hậu.

Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Từ bến của Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đoàn đi ca-nô trên sông Hậu, khảo sát luồng, tuyến kênh Quan Chánh Bố và đoạn kênh Tắt.

Các cảng biển vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được quy hoạch phát triển đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 thuộc Nhóm cảng biển số 6 (theo Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 24/6/2014 của TTgCP).

Nhóm cảng biển số 6 bao gồm: Cần Thơ là cảng tổng hợp quốc gia loại I; còn lại các cảng biển Tiền Giang, cảng biển Bến, cảng biển Đồng Tháp, cảng biển An Giang, cảng biển Hậu Giang, cảng biển Vĩnh Long, cảng biển Sóc Trăng, cảng biển Bạc Liêu, cảng biển Năm Căn (Cà Mau), cảng biển Kiên Giang, cảng biển Trà Vinh là cảng biển loại II.

Riêng cảng Trà Vinh gồm các bến cảng Trà Cú là bến cảng tổng hợp cho tàu trọng tải từ 10.000 đến 20.000 tấn giảm tải; bến cảng Định Na là bến cảng tổng hợp, container cho tàu trọng tải từ 30.000 đến 50.000 tấn, lâu dài sẽ phát triển thành bến chính của cảng với vai trò xuất nhập khẩu hàng hóa cho toàn vùng; bến cảng Duyên Hải là bến cảng chuyên dùng phục vụ Trung tâm điện lực Duyên Hải, tiếp nhận tàu trọng tải 30.000 tấn; Bến cảng đầu mối tiếp nhận than cho các nhà máy nhiệt điện có khả năng tiếp nhận tàu hàng rời trọng tải từ 100.000 đến 200.000 tấn phục vụ cho các trung tâm điện lực khu vực ĐBSCL.

Theo quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển, tuyến luồng sông Hậu là hạng mục được ưu tiên đầu tư giai đoạn đến 2020. Dự án đầu tư xây dựng công trình luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu do Bộ GTVT quyết định đầu tư từ năm 2007 và phê duyệt điều chỉnh dự án năm 2013. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 9.781 tỷ  đồng.

Dự án được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2013-2015) là giai đoạn thông luồng kỹ thuật với kinh phí khoảng 7.555,7 tỷ đồng và giai đoạn 2 (2015-2017) là hoàn thành các hạng mục còn lại, kinh phí khoảng 2.225,5 tỷ đồng.

Mục tiêu của Dự án nhằm xây dựng tuyến luồng cho tàu biển có trọng tải 10.000 tấn đầy tải, 20.000 tấn giảm tải, đáp ứng thông qua lượng hàng hóa tổng hợp 21-22 triệu tấn/năm và hàng container 450.000-500.000 TEU/năm cho giai đoạn 2020. Bên cạnh đó, hình thành bể cảng tại khu vực cửa kênh Tắt, Trà Vinh và phối hợp với dự án xây dựng bến cảng của Trung tâm Điện lực Duyên Hải.

Dự án được đầu tư xây dựng, cải tạo tuyến luồng có tổng chiều dài là 46,5 km với khối lượng 28,2 triệu m3 gồm 4 đoạn: Đoạn sông Hậu dài 12,1 km; đoạn kênh Quan Chánh Bố hiện hữu dài 19,2 km; đoạn kênh Tắt dài 8,2 km đào mới thông ra biển và đoạn luồng biển dài 7 km.

Xây dựng tuyến đê chắn sóng phía Nam dài 2,4 km, hệ thống kè bảo vệ bờ đoạn luồng kênh Tắt dài 9 km, hệ thống phao tiêu, báo hiệu luồng, bến phà kênh Tắt và các cơ sở hạ tầng đồng bộ khác.

Đến nay, đã thi công hoàn thành, bàn giao đưa vào khai thác vận hành từ tháng 4/2017 luồng tàu dài 46,5 km, trong đó, đoạn sông Hậu dài 12,1 km;  kênh Quan Chánh Bố dài 19,2 km;  kênh Tắt (đào mới) dài 8,2 km; đoạn biển dài 7 km, đê chắn sóng phía Nam dài 2,4 km; hệ thống phao tiêu báo hiệu; khu tránh tàu, kè bảo vệ bờ dài 16.150 m hai bên kênh Tắt;  bến phà kênh Tắt, bến phà tỉnh lộ 913 và bến phà Tà Ni.

Giai đoạn 2 còn các hạng mục chưa triển khai như kè bảo vệ đoạn kênh Quan Chánh Bố (trên địa bàn tỉnh Trà Vinh) với chiều dài 18.177,6 m;  đoạn bờ Nam ngã ba sông Hậu và kênh Đại An dài 425,2 m;  đường dân sinh dọc bờ Nam kênh Tắt với tổng chiều dài 5 km (đường cấp IV đồng bằng); đường bộ kết nối dài 10 km (cấp IV-A tiêu chuẩn ngành 22 TCN 2012); các công trình khác: Bến phà 60T; bến sà lan 500T; 02 nhà trạm QL luồng; hệ thống hàng hải điện tử.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), quá trình triển khai thực hiện Dự  án còn một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc. Nhiều vị trí bị sạt lở trên kênh Quan Chánh Bố, chưa đền bù giải phóng mặt bằng do thiếu kinh phí, người dân địa phương ngăn cản vận hành tuyến ảnh hướng đến hoạt động khai thác luồng.

Việc thi công các tuyến đê chắn sóng phía Bắc, phía Nam đã làm thay đổi dòng chảy, gây bồi lắng ảnh hưởng đến việc hành nghề  đóng đáy của người dân.

Đoạn kênh Tắt (đào mới) của Dự án Luồng tàu đã cắt ngang qua quốc lộ 53, tỉnh lộ 913 và các tuyến đường giao thông trong khu vực. Theo đó, toàn bộ khu vực các xã Đông Hải, Long Vĩnh, Long Khánh, thị trấn Long Thành và một phần xã Dân Thành bị chia cắt kết nối giao thông đường bộ.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại cuộc làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Trà Vinh - Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Kết nối sông Tiền – sông Hậu

Sau khi thị sát, đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đã có cuộc làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Trà Vinh. Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Trà Vinh trong việc khắc phục khó khăn, vươn lên đạt mức tăng trưởng khá so với khu vực. Cùng với đó, Trà Vinh cũng đã rất tích cực đóng góp cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng chung của toàn vùng ĐBSCL, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông đường thủy kết nối với hệ thống cảng biển, từ đó nâng cao năng lực vận tải đường biển, giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm.

“Đầu tư hệ thống luồng vào cảng sông Hậu là nỗ lực rất lớn của Đảng, Nhà nước nhằm giúp tàu biển cỡ lớn (10.000 tấn) có thể tiếp cận các cảng ở sâu trong nội địa, qua đó giúp giảm đáng kể chi phí vận tải hàng hóa. Để có được tuyến luồng tàu sông Hậu, có sự đóng góp rất lớn của tỉnh Trà Vinh”, Phó Thủ tướng nói.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị Trà Vinh tiếp tục rà soát, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, từ đó có kế hoạch huy động nguồn lực phù hợp để triển khai thực hiện. Tỉnh Trà Vinh cũng cần rà soát lại tất cả các dự án đang triển khai trên địa bàn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng còn chậm.

Bộ GTVT chủ trì rà soát lại quy hoạch giao thông vận tải toàn vùng ĐBSCL, quy hoạch hệ thống cảng biển, tập trung thực hiện kết nối tốt các tuyến giao thông, đặc biệt là kết nối tốt các tuyến đường thủy nội địa, kết nối các tuyến hàng hải với hệ thống cảng nội địa... “Bộ GTVT chủ trì nghiên cứu, xây dựng phương án kết nối sông Tiền và sông Hậu báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT rà soát lại các dự án, nếu cần thiết điều chỉnh đầu tư cho phù hợp, gắn với đền bù giải phóng mặt bằng thỏa đáng cho người dân. “Bảo đảm Nhà nước, doanh nghiệp đầu tư phát triển được, nhưng người dân có cuộc sống tốt hơn”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu.

Giải quyết nhiều kiến nghị của địa phương trong việc triển khai Dự án tuyến luồng sông Hậu, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT chủ trì báo cáo vướng mắc trong triển khai thực hiện một số dự án cơ sở hạ tầng, trong đó có dự án xây dựng luồng tàu sông Hậu.

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Chia sẻ bài viết