15/11/2008 - 07:38

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm và làm việc tại Học viện Quốc phòng

* Phát động Cuộc thi “Sáng tạo giáo dục”
* Học sinh sẽ học môn ngoại ngữ bắt buộc ngay từ lớp 3

Ngày 14-11, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đến thăm Học viện Quốc phòng, nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân biểu dương những thành tích của Học viện, đồng thời, yêu cầu Học viện cần nỗ lực vượt qua khó khăn về cơ sở vật chất, hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục-đào tạo và nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, Học viện cần nghiên cứu, làm rõ tính quy luật về quốc phòng-an ninh trước vấn đề toàn cầu hóa, tuyệt đối cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá cách mạng nước ta. Phó Thủ tướng cũng nhất trí về mặt chủ trương đối với các kiến nghị của Học viện và chỉ rõ Học viện Quốc phòng cần xây dựng đề án, dự án đầu tư có tính khả thi, đảm bảo kế hoạch, báo cáo Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu xem xét. Phó Thủ tướng ủng hộ việc Học viện Quốc phòng xin mở mã số đào tạo sau đại học về chuyên ngành chiến lược quốc phòng, nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu đào tạo cán bộ và nghiên cứu khoa học tầm chiến lược trong thời kỳ mới.

* Cùng ngày, tại Trường THCS Đống Đa (Hà Nội), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát động Cuộc thi “Sáng tạo giáo dục”.

Phát biểu tại Cuộc thi, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Ở một nước nguồn lực đầu tư còn hạn chế, chúng ta rất muốn phải nâng cao chất lượng giáo dục, phải bảo đảm cơ hội học tập cho tất cả trẻ em ngay từ bậc mầm non,... chỉ có thể bằng cách là phải phát huy yếu tố sáng tạo của mỗi thầy cô giáo, mỗi tập thể, cơ sở giáo dục. Phó Thủ tướng đã biểu dương những nỗ lực không ngừng vươn lên sáng tạo của thầy và trò Trường THCS Đống Đa (Hà Nội) nhiều năm qua và mong muốn những cá nhân điển hình, việc làm sáng tạo tại đây sẽ nhân rộng ra toàn quốc. Đây là ngôi trường duy nhất trong 584 Trường THCS ở Thủ đô có Hiệu trưởng đạt trình độ tiến sĩ (Ts Trần Thị Kim Liên còn là Nhà văn- người tích cực tham gia các hoạt động xã hội). Đây cũng là trường duy nhất toàn thành phố có cô giáo Đỗ Thị Hồng Hà (53 tuổi) đạt danh hiệu “Lao động sáng tạo nữ”.

Cuộc thi kêu gọi là các giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, các trường THCS, các cơ sở đào tạo - nghiên cứu giáo dục, các cá nhân, đơn vị quan tâm tới cấp THCS đề xuất các giải pháp có tính sáng tạo, khả thi nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cấp THCS, gắn với việc “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin”, thực hiện Phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và Cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo’’. Đối tượng dự thi phải có bản thuyết minh đề tài chi tiết, đăng ký không quá 2 đề tài. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chọn nhiều nhất 22 đề tài để đầu tư từ 45 -200 triệu đồng. Thời hạn nhận đề tài từ 20/1/2008 - 3/2/2009 tại Dự án Phát triển giáo dục THCS II, tầng 4, Nhà công nghệ cao - Đại học Bách khoa Hà Nội.

* Đó là một phần mục tiêu của Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” vừa được phê duyệt. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ triển khai thực hiện chương trình giáo dục 10 năm, bắt đầu từ lớp 3 môn ngoại ngữ bắt buộc ở các cấp học phổ thông. Từ năm 2010 - 2011 triển khai dạy ngoại ngữ theo chương trình mới cho khoảng 20% số lượng học sinh lớp 3 và mở rộng dần quy mô để đạt khoảng 70% vào năm học 2015 - 2016; 100% vào năm 2018 - 2019. Tổng kinh phí để thực hiện đề án này là 9.378 tỉ đồng.

Các chương trình dạy - học ngoại ngữ phổ thông 10 năm, bắt đầu từ lớp 3 đến lớp 12 sẽ được biên soạn: sách giáo khoa, tài liệu học tập, giảng dạy, phù hợp với quy định về năng lực trình độ của mỗi cấp, lớp học. Bộ khuyến khích các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng, thực hiện các chương trình song ngữ, bồi dưỡng nâng cao trong các cơ sở của mình. Ngoài chương trình đào tạo môn ngoại ngữ bắt buộc (ngoại ngữ 1), học sinh có thể tự chọn học thêm một ngoại ngữ khác (ngoại ngữ 2). Các trường THPT sẽ được xây dựng và triển khai các chương trình dạy và học bằng ngoại ngữ cho một số môn như: Toán và một số môn phù hợp.

TTQS - HOÀNG HOA - NGỌC ANH (TTXVN)

Chia sẻ bài viết