09/09/2017 - 10:44

Phim về nhà vệ sinh của Ấn Độ thắng lớn 

Đó là bộ phim hài lãng mạn lấy đề tài nhà vệ sinh mang tựa đề Toilet: A Love Story (Tạm dịch là Nhà vệ sinh: Một chuyện tình) được đánh giá thành công vang dội. Kể từ khi ra rạp ngày 11-8, bộ phim xoay quanh chủ đề “có một không hai” này đã thu về tổng cộng 19,8 triệu USD trên toàn thế giới, trở thành phim ăn khách nhất của Ấn Độ từ đầu năm đến nay.

Tài tử Akshay Kumar chụp hình với thứ mà vợ anh ta mong muốn trong bộ phim Toilet: A Love Story.

Nội dung phim nói về một phụ nữ trẻ ở ngôi làng nọ kết hôn với một người đàn ông làng khác. Sau khi về nhà chồng, cô bàng hoàng phát hiện ở đó không có nhà vệ sinh. Cách duy nhất để cô “giải quyết nỗi buồn” mỗi ngày là cùng phụ nữ trong làng thức dậy từ 4 giờ sáng ra đồng đi vệ sinh và chờ đến tối mới làm việc này lần nữa. Cảm thấy nhục nhã, cô đòi xây nhà vệ sinh, song dân làng và cả gia đình chồng đều không chấp thuận vì họ cho rằng việc để bồn cầu trong nhà, nơi có cả bếp ăn và phòng cầu nguyện, là không sạch sẽ. Sau khi tranh luận với chồng và ra tối hậu thư “không có nhà vệ sinh, không có hôn nhân” vẫn không thành công, cô đành rời xa người đàn ông mà mình yêu thương. Phim trở nên gay cấn khi người chồng quyết tâm đưa vợ trở về, bắt đầu từ việc anh thay đổi suy nghĩ về nhu cầu xây nhà vệ sinh cũng như tìm cách thay đổi quan điểm của cộng đồng về vấn đề này.

Câu chuyện tưởng chỉ có trong kịch bản phim, song nó phản ánh chân thực đời sống của người dân Ấn Độ, nơi hiện có khoảng 450 triệu người vẫn đi vệ sinh ngoài trời, nhất là các vùng nông thôn. Một tuần sau khi phim được công chiếu, một phụ nữ ở Ấn Độ đã được tòa án chấp thuận cho ly hôn với lý do chồng không chịu xây nhà vệ sinh, khiến cô tủi nhục vì đi vệ sinh ngoài trời. Trên mạng xã hội Twitter của Ấn Độ, người dùng phấn khởi bình luận và đăng nhiều chuyện hài xoay quanh cái nhà vệ sinh. Nhiều người cảm thấy bộ phim ủng hộ chiến dịch xây nhà vệ sinh của chính phủ, bắt nguồn từ sáng kiến “Ấn Độ Sạch đẹp” của Thủ tướng Narendra Modi.

Theo số liệu từ chính phủ, kể từ khi phát động chiến dịch hồi tháng 10-2014, 47 triệu nhà vệ sinh đã được xây dựng ở các cộng đồng nông thôn và địa điểm công cộng trên cả nước. Một ứng dụng do chính phủ tài trợ gọi là “Find A Toilet” cũng ra mắt nhằm khuyến khích người dân sử dụng, chấm điểm và nhận xét các nhà vệ sinh công cộng dựa trên các tiêu chí sạch sẽ và vệ sinh. Dù vậy, mục tiêu của chính phủ về cải thiện điều kiện vệ sinh vẫn bị cho là khó hoàn thành. Trong khi người nghèo không xây nổi nhà vệ sinh thì những người có khả năng vẫn không chịu làm vì định kiến lạc hậu và không quan tâm đến lợi ích sức khỏe mà nó mang lại. Nhà hoạt động xã hội và môi trường Gaspard Appavou cho rằng phụ nữ có nguy cơ cao bị xâm hại tình dục hoặc bị rắn, bọ cạp cắn khi ra đồng nên họ có nhu cầu cấp thiết về nơi vệ sinh kín đáo, còn đàn ông thì thường đi vệ sinh gần nhà và không cần chỗ kín đáo, nên chuyện thiếu nhà vệ sinh vẫn còn dai dẳng.

T.TRÚC (Theo npr.org)

Chia sẻ bài viết