13/12/2017 - 20:31

Phim truyền hình lấy lại vị thế 

Sau thời gian dài bị lấn át bởi các chương trình truyền hình thực tế, gameshow… phim truyền hình Việt dần lấy lại vị thế. Đổi mới đề tài, đầu tư kịch bản, chăm chút diễn xuất, hình ảnh, âm nhạc…, phim truyền hình Việt năm 2017 tạo đà cho sự thay đổi tích cực trong cuộc chiến giành lại khán giả.

“Người phán xử”.

Màn ảnh nhỏ năm qua đã ghi nhận những phim làm nên cơn sốt truyền hình: “Người phán xử”, “Sống chung với mẹ chồng”, “Lặng yên dưới vực sâu”, “Vực thẳm vô hình”, “Hồ sơ lửa”, “Thương nhớ ở ai”… Không ít phim trong số đó còn gây bão trên mạng xã hội, trở thành đề tài bàn tán ở nhiều diễn đàn, những câu phát ngôn ấn tượng trong các phim trên được giới trẻ yêu thích. Đó là nhờ những thay đổi có tính sống còn theo hướng tiếp cận khán giả.

Đầu tiên, chính là sự đổi mới ở khâu kịch bản. Trước đây, phim truyền hình Việt thường có kịch bản lối mòn, thiếu thực tế. Các nhà sản xuất phim đã mạnh dạn mua kịch bản nước ngoài, Việt hóa cho phù hợp. “Người phán xử” mở màn cho thành công này. Việt hóa từ kịch bản phim Israel. Phim là cuộc chiến khốc liệt của giới giang hồ và hành trình chống tội phạm của cơ quan chức năng. Đề tài không mới nhưng phim ghi điểm nhờ cách kể chuyện và xây dựng tình tiết nhiều kịch tính, hấp dẫn, nhanh, gãy gọn, liên tục đặt ra những tình huống ngàn cân treo sợi tóc. “Người phán xử” chỉn chu về nội dung và được tô đắp bằng diễn xuất tự nhiên, rất “đời” của các diễn viên.

Trong khi đó, “Sống chung với mẹ chồng” khai thác triệt để mâu thuẫn mẹ chồng- nàng dâu, bắt nguồn từ khác biệt thế hệ với những quan điểm khá cực đoan, đã làm dấy lên tranh luận trong khán giả, tạo sự tương tác giữa người xem với tác phẩm truyền hình. Đây là điều hiếm hoi đối với phim truyền hình Việt, chứng tỏ nhà sản xuất đã nắm bắt tốt tâm lý người xem phim.

Phân tích thị trường, đầu tư có chiến lược là yếu tố thứ hai cho thấy sự thay đổi về tư duy của các nhà làm phim truyền hình. Sự thay đổi này đã góp phần định hướng phân khúc thị trường khán giả, tạo được hiệu quả đầu tư. Tại thị trường phía Bắc, chiếm ưu thế là dòng phim nghiêng về tình cảm lãng mạn, gia đình, tâm lý xã hội: “Sống chung với mẹ chồng”, “Lặng yên dưới vực sâu”, “Vực thẳm vô hình”, “Chiều ngang qua phố cũ”… Trong khi đó, phía Nam tập trung cho các dòng phim hương xưa, tâm lý điều tra, hình sự, hành động: “Con gái chị Hằng”, “Sống trong bóng đêm”, “Đặc vụ ở Ma Cao”, “Vòng tròn tội lỗi”, “Kẻ giấu mặt”, “Thủy cơ”, “Nhà có hai cửa chính” …

Phim truyền hình Việt ngày càng chỉn chu về diễn xuất, hình ảnh, âm thanh… Đây là yếu tố thứ ba tạo nên sự sức sống mới cho phim truyền hình. Các phim đều lựa chọn diễn viên kỹ lưỡng, dung hòa diễn viên nhiều thế hệ và hướng tới thực lực. “Người phán xử” có NSND Hoàng Dũng, Trung Anh, Việt Anh, còn  “Sống chung với mẹ chồng” có NSND Lan Hương, Bảo Thanh... Còn nói về đầu tư lớn, thì “Thương nhớ ở ai” được hoàn thiện từ bối cảnh đến trang phục, kỹ xảo, hình ảnh đẹp, đầy tính nghệ thuật.

Sự thay đổi của phim truyền hình Việt năm qua đã được đền đáp. Đơn cử như “Chiều ngang qua phố cũ” (đạo diễn Trịnh Lê Phong) vừa giành giải thưởng Phim truyền hình nước ngoài hay nhất tại Liên hoan Phim Truyền hình quốc tế Tokyo 2017. Đây là niềm vinh dự mở ra thời kỳ mới cho phim truyền hình Việt.

BẢO LAM

Chia sẻ bài viết