12/08/2018 - 09:34

Phim hài và phim tình cảm lãng mạn đang thoái trào? 

Phim hài và tình cảm lãng mạn từng là những dòng phim ăn khách tại Hollywood với chỗ đứng vững chắc trong phòng vé mùa hè. Nhưng thị trường và thị hiếu khán giả đã thay đổi, hai dòng phim này cũng đứng trước nhiều nguy cơ.

Phim hài và bài toán sinh tồn

Hành động, hài từng là xu hướng phim Hollywood đang được ưa chuộng. Khác với các bom tấn siêu anh hùng cần kinh phí lớn, diễn viên hạng A; dòng phim hài và tình cảm có kinh phí thấp nhưng sinh lời cao. Những năm gần đây, phòng vé mùa hè vẫn luôn ghi nhận không ít phim hài ăn khách giữa hàng loạt bom tấn siêu anh hùng, quái vật, chẳng hạn thành công của: “The Hangover”, “Ted”, “Girls Trip”, “Game Night”, “Blockers”… nhưng đáng tiếc, trào lưu đó đã qua. Gần đây, hàng loạt phim hài thất thu phòng vé: “Baywatch”, “The House”, “Snatched, “Rough Night”… Mới đây, “Tag” vốn được kỳ vọng ở mùa hè năm nay lại có doanh thu mở màn chỉ 14,9 triệu USD, bằng 10% doanh thu của “Incredibles 2” ra mắt cùng thời điểm.

“Crazy Rich Asians”.

Đạo diễn Alexander Payne tiếc nuối: “Những mùa hè với hàng loạt phim hài gặt hái hàng tấn tiền đã qua rồi”. Đạo diễn Rawson Marshall Thurber từng thành công với phim hài “Central Intelligence” (2016), cũng chia sẻ đây là thời kỳ các phim hài bị “nạn đói” doanh thu và ông lựa chọn rẽ ngang làm phim hành động. Biên kịch Rhett Reese, người đứng sau phim hài “Zombieland” (2009), cho biết: “Tôi nghĩ khán giả ngày càng ít xem phim hài ở rạp, thay vào đó là xem phim hành động; bởi truyền hình đã làm tốt việc cung cấp những phim dài tập hài hước. Do đó, điện ảnh phải thay đổi”.

Một ví dụ điển hình cho sự thay đổi là “Deadpool”, phim có những cảnh hành động mãn nhãn của thể loại siêu anh hùng và thêm vào sự hài hước. Nhà sản xuất vì thế có lợi thế ở cả hai thể loại. “Deadpool” là phim hành động hài lập nhiều kỷ lục vào năm 2016. Paul Wernick và Rhett Reese là biên kịch góp phần vào thành công của “Deadpool” khi định hướng mới về phim hành động, hài. Bằng chứng là sau “Deadpool” đã có nhiều phim siêu anh hùng pha lẫn hài như: “Thor: Ragnarok”, “Rampage”…

Đạo diễn Kay Cannon từng thành công với phim hài “Blockers”, cho rằng: “Phim hài màn ảnh rộng đang ở thời điểm ảm đạm cả về ý tưởng lẫn thương mại. Người làm phim phải tinh vi và đổi mới trong sáng tạo. Một phim kinh dị ở mức trung bình vẫn có thể thu hút khán giả vì hù dọa một ai đó dễ hơn làm cho họ cười”. Đồng quan điểm, Paul Dergarabedian, chuyên gia cấp cao phân tích doanh thu phòng vé comScore, nói: “Phim hài chất lượng chắc chắn là thể loại khó nhất. Thước đo cho những bộ phim này không phải là kinh phí hay các hiệu ứng, mà là sự hài hước và nếu không có sự hài hước, nhà làm phim sẽ ăn mòn thiện chí của khán giả, khiến họ quay về với màn ảnh nhỏ vốn đang có nhiều lựa chọn hơn”. Trong khi đó, Judd Apatow- nhà làm phim nổi tiếng với nhiều tác phẩm hài ăn khách “The 40-Year-Old Virgin”, “Knocked Up”, “Trainwreck”, chia sẻ bí quyết: “Không có phim hài nào tuyệt vời mà không kiếm ra tiền. Thị hiếu khán giả giờ khá cao và nếu làm phim sơ sài, nhà làm phim sẽ phải trả giá và những đánh giá trên mạng lập tức ảnh hưởng lớn đến việc khán giả đến rạp”. 

Phim tình cảm lãng mạn - đứa con bị phòng vé bỏ rơi

Không biết từ khi nào, phim tình cảm lãng mạn - một trong những dòng phim chủ lực trước đây của mùa phim hè, đã bị bỏ rơi. Trước đây, trong danh sách các phim hè thì dòng phim tình cảm lãng mạn chiếm hơn chục tác phẩm, nhưng giờ chỉ vài ba phim. Ngược dòng thời gian, mọi người có thể thấy rõ phim tình cảm lãng mạn đã từng có không ít vinh quang trong các mùa phim hè. 5 trong số 10 phim lãng mạn nhất mọi thời đại đều từng ra rạp vào mùa hè: “There’s Something About Mary”, “The Proposal”, “Sex and the city”, “Runaway Bride” và “Knockep Up”. Nhưng nhìn vào lịch phát hành của năm nay, “Book Club” có lẽ là đại diện duy nhất của dòng phim lãng mạn gây chú ý ở rạp phim hè, đồng thời có thành công nhất định với hơn 80 triệu USD doanh thu (kinh phí sản xuất là 10 triệu USD).

Một trong những nguyên nhân là đối tượng của dòng phim này đã thay đổi, phần lớn đều trên 25 tuổi. Những người trẻ đã không còn hoặc hạn chế lựa chọn dòng phim này. Một nguyên nhân khác, các sao hạng A đang mải mê với những siêu bom tấn anh hùng, dễ tạo hình tượng và kiếm tiền từ thương hiệu hơn là phải đào sâu diễn xuất ở những phim hạng B, tầm trung. Trong khi đó, diễn viên nữ ngày nay là càng đi theo xu hướng nữ quyền. Hình ảnh mạnh mẽ, độc lập rất khó thành công ở dòng phim lãng mạn, nhưng ở phim hành động, siêu anh hùng thì dễ có hình tượng hơn. Do đó, phim tình cảm lãng mạn không chỉ thiếu hụt về kịch bản mà còn thiếu cả diễn viên. Phần lớn phim tình cảm hiện nay chỉ thu hút các diễn viên mới hoặc chưa tên tuổi.

Thay vào đó, phim tình cảm lãng mạn lại phát triển mạnh ở dịch vụ trực tuyến. Hàng loạt phim: “Overboard”, “Set It Up”, “The Kissing Booth”, “To All The Boys I’ve Love Before”, “Destination Wedding”…đều thu hút lượng lớn người xem trên Netflix. Trong đó, “Overboard” đạt doanh thu lên đến 80 triệu USD. Dù vậy, nếu phim hài tình cảm chiếu rạp được đầu tư khủng và có câu chuyện đủ hấp dẫn, thì vẫn có sức hút. Bằng chứng là sự ra rạp của “Mamma Mia! Here We go Again”, “Crazy Rich Asians”. Phim hài ca nhạc “Mamma Mia! Here We go Again” nhanh chóng trở thành món ăn mới lạ trong mùa hè với doanh thu trên 240 triệu USD; trong khi đó “Crazy Rich Asians” là phim lãng mạn đầu tiên của Warner Bros. có dàn diễn viên châu Á đóng chính, đang nhận những phản hồi tích cực, trên Rottentomatoes đạt 100% điểm tích cực.

Phim tình cảm lãng mạn cũng sẽ có chỗ đứng phòng vé nếu chú trọng đến chất lượng và sự đổi mới. Đó là bài toán cạnh tranh mà bất kỳ lĩnh vực nào cũng phải đương đầu trong thời buổi thị trường và thị hiếu luôn dao động.

Bảo Lam (Tổng hợp từ Latimes, The Times, Vulture)

Chia sẻ bài viết