28/07/2018 - 17:26

Phim chiếu mạng - xu hướng phát triển mới của truyền hình 

Phim chiếu mạng (web drama) đang trở thành xu hướng phổ biến trên toàn thế giới. Với sự đầu tư chỉn chu về kịch bản, diễn viên, hình ảnh, web drama đang trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm của phim truyền hình.

 Phim “Bright”.

Chuyện ở phương Tây

Web drama ở các nước phương Tây phần lớn lệ thuộc vào các dịch vụ trực tuyến mà nổi bật là Netflix. Sự ra đời của Netflix vào năm 1997, nắm bắt xu hướng phát triển của Internet, chuyển mình đột phá vào năm 2012 khi chính thức ra mắt phim truyền hình trực tuyến “Lilyhammer”. Sự kiện này khiến ngành công nghiệp giải trí phải định nghĩa lại về phim truyền hình, cũng như thị hiếu của khán giả. Netflix dần khẳng định được thương hiệu qua hàng loạt tác phẩm được yêu thích: “Stranger Things”, “Jessica Jones”, “13 reasons why”... Nhà phân tích Kannan Venkateshwar cho biết, Netflix hiện có 5.800 tiêu đề phim cho dịch vụ truyền hình trực tuyến và sẽ bỏ ra khoảng 12-13 tỉ USD cho việc phát triển nội dung trong năm nay. “Như vậy, trong khoảng 3-5 năm tới, Netflix có thể trở thành công ty truyền thông lớn thứ hai về doanh thu, nếu không tính đến doanh thu từ studio và công viên giải trí, thì nó chỉ đứng sau Disney”, Kannan Venkateshwar dự báo.

Điều này hoàn toàn có thể xảy ra khi Netflix đang lớn mạnh và có mặt ở 190 quốc gia, vùng lãnh thổ với khoảng gần 22 tỉ người dùng (tính đến cuối năm 2017). Sự lớn mạnh và thành công của Netflix đã gây ra nhiều tranh cãi, nhưng không thể phủ nhận tiềm năng thị trường phim chiếu mạng và dịch vụ trực tuyến. Bằng chứng là Amazon, Apple không ngừng chi hàng tỉ USD cho việc sản xuất nội dung. Mới đây, Disney cũng tham gia. Trước sự cạnh tranh, Netflix đang có hướng đầu tư chất lượng và đa dạng hơn; không chỉ dừng ở các phim kinh phí thấp mà còn hướng tới các tác phẩm bom tấn. Khởi đầu chính là dự án “Bright” của đạo diễn David Ayer, “Underground” của Michael Bay.

Ở phương Tây, phim chiếu mạng đã dần hình thành được đế chế riêng.

Sự phát triển ở châu Á

Ở phương Tây, mục tiêu của web drama là tạo sự đa dạng về dịch vụ; còn ở châu Á, phim chiếu mạng phát triển để hạn chế rủi ro phát hành, tiết kiệm thời gian, kinh phí đầu tư. Trung Quốc là quốc gia phát triển web drama khá mạnh và thành công trên diện rộng. Nguyên nhân được cho là quy trình kiểm soát nội dung và bán bản quyền phát sóng cho các đài truyền hình mất khá nhiều công sức và thời gian, nên web drama phát triển từ rất sớm: khoảng năm 2009.

Youku là trang mạng trực tuyến đầu tiên thử sức với hình thức mới mẻ này và thành công. Sau đó, Youku mạnh dạn cho trình chiếu thêm nhiều phim như: “Tiểu đội 2B vui vẻ”, “Thời kỳ xuyên không của quận chúa Minh Nguyệt”… Nhận thấy tiềm năng của thị trường này, hai ông lớn Sohu và LetTV tham gia cuộc cạnh tranh. Sohu lập tức thành công với “Diors Man” khi có đến 150 triệu lượt xem, còn  LetTV đột phá với “Tôi tên là Hách Thông Minh” có 350 triệu lượt. Các trang mạng như: Tudou, Iqiyi, Tencent… cũng bắt đầu đầu tư mạnh mẽ, làm số lượng phim chiếu mạng gia tăng đột biến. Năm 2013 chỉ có 5 web drama được phát sóng, sang đến 2014 con số này đã tăng lên gấp 4 lần. Trong số 20 tác phẩm được trình chiếu: “Lãnh cung truyện”, “Thầy giáo siêu cấp”, “Thế kỷ kỳ diệu” … thì “Năm tháng vội vã” của Sohu có sức hút nhất với gần 500 triệu lượt xem, mở ra thời kỳ mới cho phim chiếu mạng. Hàng loạt tác phẩm được đầu tư và trở thành cơn sốt lan rộng không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở các quốc gia lân cận, như: “Thần thám trứ danh Địch Nhân Kiệt”, “Tôi là nam thần”, “Pháp sư Vô Tâm”, “Hoa thiên cốt”, “Hãy nhắm mắt khi anh đến”, “Thái tử phi thăng chức ký”… Trong đó, “Hãy nhắm mắt khi anh đến” có số lượng người theo dõi đạt mức kỷ lục 1 tỉ lượt.

Không chỉ Trung Quốc, Hàn Quốc cũng phát triển mạnh web drama, đặc biệt là các phim có đề tài về tuổi thanh xuân, tình yêu, tình bạn như: “First Love Story”, “Person You Might Know”, “Seventeen”, “Noble, My Love”, “One Sunny Day”… Web drama Hàn sinh sau đẻ muộn hơn Hoa ngữ nhưng lại có sức hút, khi phần lớn đều khai thác các đề tài nhẹ nhạng, tươi sáng, ngọt ngào. Tại Hàn, “Love Cells” (2014) của trang Naver là tác phẩm web drama đầu tiên, khi đó thu hút đến hơn 5 triệu lượt xem và tạo nên sức công phá quốc tế khá mạnh, được bán bản quyền qua hàng loạt website của Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản… Nhận thấy web drama sẽ trở thành xu hướng giải trí mới thu hút giới trẻ, không chỉ các đài truyền hình mà ba ông lớn trong ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc là SM, YG, JYP Entertainment cũng bắt đầu sản xuất phim chiếu mạng. Đến nay, tại Hàn mỗi năm có hàng trăm bộ web drama được sản xuất; bởi thời gian sản xuất ngắn, câu chuyện nhẹ nhàng, đơn giản dễ đi vào lòng người và dễ giúp các nghệ sĩ đến gần khán giả.

Đến nay, web drama đã không còn là sân chơi dành riêng cho những phim vốn đầu tư ít, dàn diễn viên không tên tuổi; mà đã trở thành một bộ phận quan trọng không thể bỏ qua trong sự phát triển của ngành công nghiệp giải trí.

Bảo Lam (Theo Forbes, Vulture, Soompi, Chinadaily)

Chia sẻ bài viết