19/11/2018 - 22:09

Philippines mòn mỏi chờ Trung Quốc thực thi lời hứa 

Hai năm kể từ khi tuyên bố chia tay đồng minh lâu đời là Mỹ để đổi lấy quan hệ kinh tế với Trung Quốc, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chẳng nhận được kết quả gì đáng kể. Trái lại, ông đang đối mặt với nhiều chỉ trích và áp lực trong nước, nhất là trước thềm chuyến thăm của lãnh đạo Trung Quốc.

Tổng thống Duterte (trái) và Chủ tịch Tập Cận Bình. 

Năm 2016, Tổng thống Duterte kết thúc chuyến thăm Bắc Kinh với khoản vay 24 tỉ USD từ Trung Quốc và nhận được cam kết đầu tư vào kế hoạch đại tu cơ sở hạ tầng đầy tham vọng của mình, chỉ vài tuần sau khi ông nói Philippines bị Washington đối xử tệ bạc và sẽ tốt hơn khi qua lại với Trung Quốc. Nhưng đến nay, chỉ một phần nhỏ cam kết của Trung Quốc được hiện thực hóa, khiến ông Duterte đối mặt với chỉ trích cho rằng ông đã để Trung Quốc đe dọa chủ quyền Philippines và bị Bắc Kinh làm khó mà không thể làm gì.

Theo Reuters, chương trình cơ sở hạ tầng “Xây dựng, Xây dựng, Xây dựng” của Tổng thống Duterte, trọng tâm chiến lược kinh tế của ông, bao gồm 75 dự án lớn với khoảng một nửa dành cho các khoản vay, hỗ trợ hoặc đầu tư từ Trung Quốc. Tuy nhiên, các tài liệu của chính phủ Philippines công bố cho thấy, đến nay chỉ có 3 trong số đó - gồm 2 cây cầu và 1 công trình thủy lợi trị giá 167 triệu USD - được khởi công xây dựng. Phần còn lại, bao gồm 3 dự án đường sắt, 3 đường cao tốc và 9 cây cầu, vẫn đang trong giai đoạn quy hoạch và lập dự toán, hoặc chờ chính phủ Trung Quốc phê duyệt tài chính hay chỉ định nhà thầu của họ.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng các dự án lớn được hai bên đồng ý “đang tiến hành suôn sẻ và tiếp tục đạt được những kết quả tích cực”, cũng như muốn “sớm đầu tư xây dựng các dự án khác”. Nhưng theo Cơ quan Thống kê Philippines, thực tế không phải như vậy. Nửa đầu năm 2018, Trung Quốc cam kết đầu tư vào Philippines 33 triệu USD, chỉ bằng khoảng 40% của Mỹ và 1/7 của Nhật Bản, với chiều hướng tương tự năm trước. Thương mại giữa Trung Quốc và Philippines tuy tăng, nhưng  hầu như chỉ làm lợi cho Trung Quốc. Cụ thể, xuất khẩu của Trung Quốc sang Philippines tăng 26% trong 9 tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ năm 2016, trong khi chiều ngược lại chỉ tăng 9,8%.

Tổng thống Duterte cũng khiến người dân Philippines thất vọng khi đồng ý hợp tác với Trung Quốc thăm dò dầu khí tại khu vực tranh chấp Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) thuộc tuyến đường thủy chiến lược và giàu tài nguyên. Một số nhà lập pháp lo ngại điều này có thể được xem như sự công nhận đối với tuyên bố của Bắc Kinh tại khu vực mà Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) phán quyết Trung Quốc không có quyền chủ quyền theo luật quốc tế.

Tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN hồi tuần trước, nhà lãnh đạo Philippines còn phớt lờ lời kêu gọi đoàn kết của các nước Đông Nam Á chống lại tham vọng quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc, bởi ông cho rằng điều đó có thể gây mích lòng và vì Biển Đông “bây giờ nằm trong tay của họ (Trung Quốc)”.

Theo Richard Heydarian, một nhà phân tích quốc phòng và an ninh ở Manila, khi ông Tập đến thăm Philippines trong hai ngày 20 và 21-11, Tổng thống Duterte cần làm cho nhà lãnh đạo Trung Quốc thực thi cam kết bằng tiền và giúp ông biện minh cho những nhượng bộ địa chính trị đối với một đối thủ lịch sử. “Nếu không, chúng tôi chắc chắn có thể kết luận rằng họ chỉ nói suông và Philippines đã bị giễu cợt” - ông Heydarian nói.

Nếu sau chuyến thăm của ông Tập Cận Bình mà Trung Quốc vẫn không có động thái lớn đầu tư vào Philippines và việc quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông tiếp tục không giảm thì ông Duterte sẽ phải chịu áp lực rất lớn.

THANH TRÚC

Chia sẻ bài viết