26/02/2018 - 10:48

Phiêu lưu cùng “Sài Gòn kỳ án” 

Truyện dài “Sài Gòn kỳ án” của tác giả Phạm Gia Trang kể về những người trẻ với giấc mơ khởi nghiệp. Nhưng với văn phong dí dỏm và góc nhìn mới, pha một chút kỳ ảo, tác giả đã khiến câu chuyện trở nên thú vị và lôi cuốn hơn.
Sách do NXB Tổng hợp TPHCM phối hợp với First News phát hành.

Không mang đến người đọc một “kỳ án” theo nghĩa trinh thám, mà đây là hành trình vào đời của một chàng trai trẻ cùng những giấc mơ đậm chất phiêu lưu của anh.

Nhân vật chính là P sinh ra và lớn lên ở Tây Nguyên. Thi đại học không đậu, P quyết tâm vào Sài Gòn lập nghiệp và bôn ba với đủ  nghề: công nhân, thiết kế quảng cáo, nhân viên kinh doanh… P gặp không ít khó khăn, vất vả nhưng cậu không nản chí. Để rồi sau hơn 10 năm, P cũng xác định được con đường mình nên đi cũng như tìm được một nửa còn lại của đời mình…

Đồng hành cùng P là những giấc mơ kỳ lạ về chú chim sẻ đá mà anh đã mở lồng thả đi ngày xưa, cùng một cô gái xinh đẹp. Cả hai luôn dẫn dắt và báo hiệu cho anh những điều tương ứng với cuộc sống thực tế. Có một sợi dây mơ hồ nối kết anh với cuộc sống đời thực và những giấc mơ, khiến câu chuyện pha một chút huyền ảo. Cái gọi là “kỳ án” cũng xuất phát từ những giấc mơ này.

 “Sài Gòn kỳ án” gần giống với một cuốn tự truyện, xen lẫn là những cảm nhận về cuộc sống và những bài học đối nhân xử thế mà tác giả đúc kết được. Do đó, văn phong đơn giản, tự do và phóng khoáng nên độc giả cũng thưởng thức trong tâm thế nhẩn nha, thoải mái. Từ hành trình vào Nam khẩn hoang của cha mẹ P, cuộc sống mưu sinh của gia đình cậu đến những kỷ niệm tuổi thơ và quá trình trưởng thành của chàng trai trẻ… đều thể hiện với những sắc thái bình dị nhưng khá cuốn hút. Người đọc như đang đi trên một chuyến tàu mà mỗi một sân ga là một điểm đến thú vị.

Điều đáng ghi nhận trong chuyến đi dài ấy là tinh thần lạc quan và bản lĩnh của nhân vật chính. Sài Gòn đón P bằng một cú lừa ngoạn mục, sau đó là những ngày bán sức kiếm cơm, những lần nhảy việc do bất đồng quan điểm, là tình yêu đầu đời không thành hay nỗi cô đơn trong căn phòng trọ nhỏ nơi xóm nghèo... Nhưng những trải nghiệm đó càng khiến cậu trai trẻ trưởng thành hơn để sau mỗi va vấp, càng xác định rõ hơn mục tiêu và hướng đi của mình. Để rồi, thắp lên hy vọng cho những ngày tiếp theo.

Đặc biệt, xuyên suốt tác phẩm là những bài thơ, những câu chuyện giả tưởng về hai nhân vật Chi Wa Wa và Xê Cu Ra mà P hay kể cho đồng nghiệp, bạn bè và người yêu nghe; rồi đúc kết những bài học ý nghĩa trong nhìn nhận vấn đề và đối nhân xử thế.

“Sài Gòn kỳ án” vì thế có những điều mới lạ.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết