19/07/2018 - 22:19

Phiên dịch viên của ông Trump bị truy ráo riết 

Trước những tuyên bố bất nhất của Tổng thống Donald Trump, các nghị sĩ đảng Dân chủ trong động thái chưa có tiền lệ kêu gọi chất vấn phiên dịch viên có mặt trong cuộc gặp riêng giữa ông chủ Nhà Trắng và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại hội nghị thượng đỉnh ở Phần Lan để làm rõ những gì thực sự diễn ra trong cuộc họp nói trên.

Các phiên dịch viên có mặt trong cuộc gặp kín giữa hai nhà lãnh đạo Nga- Mỹ. Ảnh: Business Insider

Theo ABC, thành viên đảng Dân chủ tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Jeanne Shaheen đại diện cho đồng nghiệp yêu cầu đưa Marina Gross ra điều trần trước ủy ban. Cô Gross chính là thông dịch viên cho Tổng thống Trump trong cuộc họp riêng với lãnh đạo Nga. “Nếu tổng thống không chia sẻ thông tin với chúng tôi, thông dịch viên là người duy nhất chúng tôi có thể trông đợi” - bà Shaheen trả lời phỏng vấn ABC.

Động thái của phe Dân chủ được đưa ra sau thông báo của Bộ Quốc phòng Nga đề cập “những thỏa thuận” đạt được tại hội nghị. Chưa rõ liệu đây chỉ là tổng kết lại những gì lãnh đạo hai nước đã nói, nhưng nội dung cho biết: “Bộ Quốc phòng Liên bang Nga sẵn sàng thực hiện các thỏa thuận đạt được giữa Tổng thống Putin và người đồng nhiệm Trump trong lĩnh vực an ninh quốc tế. Bộ Quốc phòng cũng sẵn lòng tăng cường tiếp xúc với các đồng nghiệp Mỹ tại Bộ Tham mưu cùng những kênh liên lạc khác để thảo luận mở rộng Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START), tương tác trong vấn đề Syria và những đề mục khác về bảo đảm an ninh quân sự”.

Thượng nghị sĩ Shaheen cho biết đã hỏi qua nhiều quan chức Bộ Ngoại giao về việc lãnh đạo hai nước có nhất trí điều gì về Syria hay không. Khi tất cả trả lời không biết, bà cho đây là lý do cần thiết phải hỏi chuyện người phiên dịch. Hiện chưa đề cập với Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Bob Corker về khả năng ra trát đòi hầu tòa, nhưng bà khẳng định động thái như vậy trong trường hợp cần thiết hoàn toàn phù hợp với vai trò của ủy ban giám sát chính sách đối ngoại quốc gia. Trong động thái “bật đèn xanh”, ông Corker hôm 18-7 tỏ ý hiểu nguyên nhân vì sao đảng Dân chủ yêu cầu như vậy khi cho biết mọi người đều muốn biết những gì diễn ra trong cuộc họp riêng của lãnh đạo Nga-Mỹ.

Theo Harry Obst, người từng phiên dịch cho nhiều đời tổng thống Mỹ, việc truy hỏi thông tin từ phiên dịch viên sẽ là “trận chiến” khó khăn đối với đảng Dân chủ. Một mặt, đội ngũ thông dịch viên của Bộ Ngoại giao như cô Gross đều tuyên thệ không tiết lộ bất kỳ thông tin nhạy cảm. Mặt khác, phiên dịch viên của tổng thống Mỹ là người được phép tiếp xúc thông tin tối mật nên họ cũng được pháp luật cho phép không tiết lộ thông tin đó. Thông dịch viên sau mỗi lần họp đều chép bản ghi nhớ nội dung và nó được coi là tài sản của tổng thống hoặc bất cứ ai tham gia cuộc họp đó. Biên bản này không được công khai hoặc chia sẻ với các nhà lập pháp khi chưa được chủ sở hữu cho phép, trường hợp này là Tổng thống Trump. Nó cũng phải qua quá trình giải mã sau 17 năm, tương tự các thông tin mật khác.

Theo ông Obst, chưa từng có phiên dịch viên nào của Bộ Ngoại giao Mỹ ra điều trần trước quốc hội về nội dung các cuộc gặp. Chính vì vậy, giới quan sát dự đoán người đi cùng với Tổng thống Trump đến Helsinki, Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ bị các nghị sĩ Dân chủ gây sức ép tại phiên điều trần trước Ủy ban Quan hệ Đối ngoại vào ngày 25-7. Bởi đến nay, trong khi giới chức Mỹ nắm thông tin nhỏ giọt thì Nga ngoài thông báo của Bộ Quốc phòng, một quan chức nước này còn tiết lộ những “thỏa thuận miệng” giữa hai nhà lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh.

Cụ thể, theo lời Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov, những thỏa thuận quan trọng này gồm duy trì Hiệp ước Kiểm soát vũ khí hạt nhân mới (New START) và Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Đặc biệt, ông Putin còn đưa ra những đề xuất “cụ thể và hấp dẫn” với Washington về cách hai nước có thể hợp tác trong vấn đề Syria. Tại Bộ Ngoại giao Nga, phát ngôn viên Marina Zakharova cho biết tiến trình thực thi các thỏa thuận đạt được tại hội nghị thượng đỉnh đã bắt đầu.

Tin tức này khiến nhiều quan chức quân đội cấp cao Mỹ “bối rối” khi họ nắm quá ít, thậm chí không có thông tin để xem xét vấn đề an ninh quốc gia nào ông Trump có thể đã nhất trí tại hội nghị Helsinki.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết