06/05/2018 - 16:17

Phía sau ngôi vô địch của Alab Pilipinas 

Alab Pilipinas lên ngôi vô địch Giải Bóng rổ nhà nghề Đông Nam Á - ABL 2017-2018, sau 5 trận chung kết đầy kịch tính với đại diện Thái Lan Mono Vampire. Alab đem về chức vô địch ABL lần thứ ba cho Philippines sau 8 lần giải được tổ chức, và một lần nữa cho thấy nội lực của một trong những nền bóng rổ nhiều thành tích của Đông Nam Á.

Alab Pilipinas đứng thứ 3 tại vòng bảng ABL mùa này, vào vòng playoff đã nhanh chóng hạ đại diện Việt Nam Saigon Heat và sau đó loại nhanh đương kim vô địch Hongkong Eastern ở vòng bán kết (vòng playoff và bán kết theo thể thức đấu 3 thắng 2; Alab loại Saigon Heat và Hongkong Eastern chỉ trong 2 trận đầu, không cần đến trận thứ ba). Chạm trán Mono Vampire (đội bóng vừa loại Chong Son Kung Fu cũng chỉ trong 2 trận ở bán kết) trong loạt trận chung kết theo thể thức đấu 5 thắng 3, Alab Pilipinas đã nâng cao cúp vô địch sau khi thắng trận thứ 5 với tỷ số 102-92. Chiến thắng của Alab hoàn toàn xứng đáng, bởi đội hình không chỉ có ngoại binh chất lượng như Renaldo Balkman, Justin Brownlee, Bobby Ray Park; mà còn dàn nội binh có thể xoay chuyển cục diện trận đấu như Josh Urbiztondo, Law Domingo và Pao Javelona. 3 nội binh này đã đóng góp 21 điểm cho Alab đúng vào những giây phút Mono có dấu hiệu lên điểm và hỗ trợ Balkman kiềm chế trung phong cao 2,26 mét Samuel Deguara của Mono.

Cầu thủ Renaldo Balkman (phải) của Alab Pilipinas bật cao hơn cả Samuel Deguara (trái, cao 2,26m) trong trận chung kết ABL 2017-2018.

Vậy là chiếc cúp ABL đã quay trở lại Philippines sau 5 năm và Alab là đội thứ 3 mang cúp về cho bóng rổ quốc gia này, trước đó là đội Philippine Patriots năm 2010 và San Miguel Beerman năm 2013. Thành tích này giúp Philippines nhiều lần sở hữu cúp ABL nhất, tiếp theo sau là Thái Lan (2 lần vào năm 2011, 2014), Indonesia, Malaysia và Hongkong từng sở hữu cúp một lần (lần lượt vào các năm 2012, 2016 và 2017; riêng năm 2015 giải được tổ chức khoảng giữa 2015-2016 nên không có cúp được trao).

Thành tích trên của Alab khá dễ hiểu khi bóng rổ là một trong những môn thể thao được yêu thích nhất ở Philippines, nơi có truyền thống bóng rổ và hệ thống giải nhà nghề, phong trào phát triển mạnh mẽ. Đội tuyển quốc gia đầu tiên của Philippines được thành lập năm khoảng đầu những năm 1910 và giành Huy chương vàng quốc tế đầu tiên ở Far Eastern Championship Games năm 1913. Quốc gia này có tổ chức Liên đoàn Bóng rổ và gia nhập Liên đoàn Bóng rổ thế giới (FIBA) năm 1936, thi đấu tại Thế vận hội (Berlin, Đức) cùng năm, đạt vị trí thứ năm bảng xếp hạng. Đội tuyển Bóng rổ Philippines thống trị Á vận hội từ năm 1951 (New Delhi, Ấn Độ) đến 1962 (Jakarta, Indonesia). Trong lần đầu tiên dự giải FIBA World Chapionship năm 1954, đội tuyển Philippines đoạt Huy chương đồng. Những năm 1960, FIBA Asia Championship bắt đầu được tổ chức và Philippines đoạt chức vô địch đầu tiên. Năm 1978, Philippines đăng cai tổ chức FIBA World Championship, đánh dấu lần đầu tiên giải vô địch thế giới của FIBA được tổ chức ở châu Á. Bóng rổ Philippines đến nay vẫn được FIBA xem trọng, với hệ thống giải chuyên nghiệp được cộng đồng bóng rổ thế giới quan tâm.

Nổi bật trong hệ thống giải nhà nghề ở quốc gia này là Philippines Basketball Association ra đời từ năm 1975, là giải bóng rổ nhà nghề lâu đời thứ hai trên thế giới, sau NBA của Mỹ. Giải diễn ra trong khoảng cuối năm trước kéo dài đến đầu năm liền sau, với sự tham gia của 12 CLB bóng rổ chuyên nghiệp, quy tụ rất nhiều ngôi sao thế giới và là môi trường vô cùng tốt cho các nội binh nâng cao trình độ. Bên cạnh đó, còn có Maharlika Pilipinas Basketball League chú trọng phát triển các CLB ở vùng miền, tạo điều kiện cho các cầu thủ địa phương có cơ hội thi đấu, phát triển. Về giải bán chuyên nghiệp, có 3 giải phát triển ổn định là PBA Developmental League (từ 2011), UNTV Cup (từ 2013) và Pinay Ballers League (từ 2014). Hệ thống giải phong trào của bóng rổ Philippines rất nhiều và được tổ chức lâu đời, đến nay vẫn tiếp tục song hành cùng giải mới tổ chức: NCAA Basketball Championship (từ 1924), UAAP Basketball Championship (từ 1938), Father Martin Cup (từ 1994), Cebu Schools Athletic Foundation, Inc (từ 2001), National Athletic Association of Schools, Colleges and Universities (từ 2001), National Capital Region Athletic Association (từ 2002), Philippine Collegiate Champions League (từ 2002), Universities and Colleges Basketball League (từ 2016)… 

TẤN LỘC

Chia sẻ bài viết