31/03/2018 - 16:44

Đường bay thẳng Charter

Phép thử gắn với quy hoạch mở các đường bay mới củ​a Cần Thơ 

Xác định đường bay là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương nói chung, du lịch nói riêng, Cần Thơ đã và đang tìm nhiều giải pháp hỗ trợ để các đường bay hoạt động lâu dài, hiệu quả. Tuy nhiên, Cần Thơ được cho là thị trường quá mới, các hãng hàng không chưa mạnh dạn đầu tư. Từ thực tế đó, loại hình charter (thuê chuyến) đang trở thành lựa chọn khả thi và phù hợp, trước khi có những định hướng và giải pháp lâu dài cho việc mở và nuôi sống các đường bay mới. Quá trình thử nghiệm và thành công của charter Cần Thơ - Bangkok trong 4 năm qua là minh chứng, cũng như mở ra nhiều triển vọng gắn với chiến lược đường bay của thành phố.

ÔngVũ Đức Biên (bìa trái)- Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc WorldTrans thông tin về kế hoạch các chuyến charter bay thẳng từ Cần Thơ tại buổi họp báo tại Cần Thơ, ngày 28-3. Ảnh: Kiều Mai

Tín hiệu tích cực

Hoạt động từ năm 2015, đường bay charter Cần Thơ - Bangkok do Công ty cổ phần Dịch vụ vận chuyển Thế Giới (WorldTrans) khai thác, đã và đang có những tín hiệu tích cực về thị trường. Thống kê từ WorldTrans, năm 2017 tỷ lệ khách từ Cần Thơ đến Thái Lan chiếm khoảng 80% khách đường bay charter Cần Thơ - Bangkok, còn 20% là khách từ các tỉnh, thành lân cận. Tỷ lệ lấp đầy trên các chuyến charter Cần Thơ - Bangkok là 100%. Mức tăng trưởng về lượng khách được đánh giá là khoảng 20- 30%. Ông Vũ Đức Biên- Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc WorldTrans cho biết: “Thực tế, Cần Thơ chỉ đang là điểm dừng chứ chưa phải là điểm đến. Do đó, các hãng hàng không e ngại thị trường mới là điều dễ hiểu. Việc WorldTrans tiên phong khai thác các chuyến charter tại Cần Thơ trong thời gian qua được xem là một phép thử về thị trường, xác định được nhu cầu thực của du khách. Từ dữ liệu thực tế, tôi cho rằng có tiềm năng ở thị trường Cần Thơ và ĐBSCL. Cơ sở này cũng cho phép các hãng hàng không chủ động nghiên cứu và suy nghĩ về việc mở các đường bay thẳng từ Cần Thơ”.

Đánh giá về hiệu quả của đường bay charter Cần Thơ - Bangkok, bà Lê Đình Minh Thy, Giám đốc Vietravel Cần Thơ và khu vực Tây Nam Bộ, cho biết: “Sau 4 năm đi vào hoạt động, định kỳ vào mỗi dịp hè, đường bay charter Cần Thơ - Bangkok có thị trường khá ổn định. Dữ liệu của Vietravel cho thấy khách quan tâm đến đường bay ngày càng tăng, năm 2017 mức tăng trưởng khách đạt từ 25-30% so với năm 2016. Năm 2018, đến thời điểm hiện tại, đơn vị cũng nhận khá nhiều yêu cầu từ khách hàng về đường bay này, đặc biệt là các group size (khách đoàn số lượng nhiều), dự kiến mức tăng trưởng cũng từ 15-20%. Với đà này, chúng tôi cũng kỳ vọng WorldTrans sẽ tăng thêm các chuyến bay để đáp ứng thị trường”.

Hè 2018, WorldTrans khai thác 8 chuyến khứ hồi charter Cần Thơ - Bangkok, bắt đầu từ ngày 6- 6 đến ngày 4- 7, cách 5 ngày có 1 chuyến. WorldTrans cũng đang tiến hành đàm phán với Thai Vietjet để gia tăng thêm 20- 25 chuyến bay Cần Thơ- Bangkok, kéo dài đến tháng 8-2018, mức độ tăng trưởng sẽ khoảng 30% so với năm 2017.

Những tín hiệu tích cực của charter Cần Thơ - Bangkok cho thấy có thị trường tại Cần Thơ và ĐBSCL, đặc biệt là nhu cầu đi lại bằng đường hàng không kết nối trực tiếp đến điểm trung tâm về du lịch nội địa và quốc tế. Vấn đề ở đây là chính sách giá vẫn chưa phù hợp với mức thu nhập của người dân và tâm lý so sánh về giá đối chiếu với các chuyến bay cùng tuyến điểm tại TPHCM. Trong khi đó, các đơn vị hàng không cũng khó lòng đưa ra mức giá rẻ ở thị trường còn quá mới như Cần Thơ. Một vấn đề khác là sự cân bằng giữa thị trường inbound (khách quốc tế về Việt Nam) và outbound (đưa khách ra nước ngoài). Charter Cần Thơ - Bangkok khai thác tại Cần Thơ hiện nay có thể xác định outbound có thị trường khá tốt, nhưng inbound chưa cho thấy thị trường cụ thể. Những vấn đề này không phải là chuyện một sớm một chiều có thể giải quyết, bởi cần sự chung tay của chính quyền, các nhà đầu tư và nhiều đơn vị có liên quan.

Lựa chọn giải pháp

Việc mở các đường bay mới xuất phát từ Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ đã được hoạch định trong kế hoạch, đề án mở các chuyến bay mới từ đây đến năm 2020 của TP Cần Thơ. Dự kiến là các đường bay đến Hải Phòng, Vinh, Khánh Hòa, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan, Singapore. Những khó khăn, thách thức đặt ra cho TP Cần Thơ cũng được chính quyền địa phương nghiên cứu và tìm giải pháp.

Du khách làm thủ tục chuyến bay charter Cần Thơ - Bangkok năm 2017. Ảnh: Vietravel

Năm 2017, để hoạch định mở các đường bay mới, Cần Thơ đã làm việc với một số hãng hàng không Vietnam Airlines, VietJetAir, Jestars Pacific…; cũng như làm việc với Tổ nghiên cứu, xây dựng đề án nhằm tăng cường hoạt động khai thác đường bay đến Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ thuộc Cục Hàng không Việt Nam (Tổ nghiên cứu). Từ đó, Cần Thơ cũng có những động thái rõ ràng trong việc xây dựng cơ chế, chính sách cho việc hỗ trợ mở đường bay thẳng từ Cần Thơ và vẫn đang chờ ý kiến từ Bộ Tài chính về vấn đề này.

Trong bối cảnh đó, hiệu quả của loại hình charter mà WorldTrans đang khai thác, cũng như những định hướng lâu dài của công ty này hoạch định, mở ra cho Cần Thơ cơ hội mới. ÔngVũ Đức Biên cho biết: “Năm 2018, WorldTrans có kế hoạch khai thác khoảng 100 chuyến bay thuê chuyến từ Việt Nam đến các trung tâm du lịch lớn trên thế giới. Trong đó, triển khai bay thuê chuyến đi và đến Cần Thơ chiếm đến 1/3 kế hoạch. Dự kiến, các đường charter: Cần Thơ - Singapore, Cần Thơ - Malaysia, Cần Thơ - Đài Loan, Cần Thơ - Jeju (Hàn Quốc) sẽ sớm đi vào hoạt động, góp phần đưa Cần Thơ trở thành điểm đến trong tương lai”. Song song đó, WorldTrans cũng khai thác loại hình charter VIP (chuyên cơ theo yêu cầu với số ghế từ 10-20) đưa Cần Thơ kết nối với các điểm trung tâm về du lịch trong nước và quốc tế. Từ thực tế khai thác các chuyến charter, WorldTrans cũng có những kế hoạch để kết nối 2 chiều thị trường khai thác, nhưng vấn đề này cần sự chung tay của nhiều đơn vị lữ hành, các ngành chức năng và chính quyền sở tại.

Ông Phạm Thanh Tâm, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, cho biết: “Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ có mức tăng trưởng khá tốt trong những năm qua. Năm 2017 mức tăng trưởng về lượng khách khoảng 25%. Thực tế, việc khai thác đường bay theo hướng charter là giải pháp hiệu quả, như Cam Ranh, Phú Quốc cũng đã từng khai thác theo hướng này và dần có thị trường ổn định với những đường bay định kỳ. Charter Cần Thơ - Bangkok đã có tín hiệu tích cực và chúng tôi cũng kỳ vọng không chỉ WorldTrans mà các đơn vị hàng không khác có thể quan tâm, khai thác thêm các đường bay từ Cần Thơ đến Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Malaysia, Đài Loan, Siem Reap”.

Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố, khẳng định: “Việc mở các đường bay mới từ Cần Thơ được thành phố đặc biệt quan tâm. Chúng tôi đã tìm rất nhiều đối tác hàng không, cũng như tìm nhiều giải pháp để tạo điều kiện cho việc mở đường bay thẳng từ Cần Thơ đến các điểm kết nối trọng điểm về đầu tư, du lịch. Trước mắt, chúng tôi mong muốn WorldTrans sẽ tiếp tục duy trì và khai thác các charter bay thẳng từ Cần Thơ như định hướng đã đề ra, đồng thời kỳ vọng sẽ sớm tìm ra những giải pháp phù hợp, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các đường bay mới bay thẳng từ Cần Thơ, góp phần mang đến diện mạo mới về môi trường đầu tư, du lịch cho Cần Thơ và ĐBSCL”. 

 Việc mở và duy trì các đường bay mới tại Cần Thơ là vấn đề đang nhận được sự quan tâm sát sao của chính quyền địa phương và các bộ ngành hữu quan. Khai thác theo loại hình charter cũng là giải pháp khá phù hợp cho Cần Thơ hiện nay khi địa phương còn vướng nhiều vấn đề về thu hút đầu tư, thị trường du lịch. Về lâu dài, Cần Thơ có những giải pháp cụ thể với những chính sách phù hợp về thu hút đầu tư, liên kết quảng bá trọng điểm, xây dựng đa dạng hệ thống sản phẩm du lịch…

Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ là sân bay cấp 4E theo tiêu chuẩn của ICAO, có công suất thiết kế đạt từ 3-5 triệu khách/năm. Hiện Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, đang khai thác một số đường bay đến: Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Quốc, Côn Đảo, Đài Loan, mức công suất sử dụng hiện nay chỉ đạt từ 15-20%.

Ái Lam

Chia sẻ bài viết