02/11/2017 - 13:54

Phe Dân chủ tìm cách ngăn ông Trump tấn công Triều Tiên 

Hôm 31-10, các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ đã trình Quốc hội Mỹ dự luật ngăn không cho Tổng thống Donald Trump đơn phương phát động một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu nhằm vào CHDCND Triều Tiên.

Theo dự luật này, ông Trump hay bất kỳ vị Tổng thống Mỹ nào đều không được phép tiến hành tấn công hoặc sử dụng ngân sách cho hoạt động quân sự tấn công Triều Tiên mà không có sự phê chuẩn của Quốc hội, trừ tình huống Bình Nhưỡng tấn công Mỹ trước.

Ảnh: VOX

Động thái này diễn ra giữa lúc quan hệ giữa Mỹ và quốc gia Đông Bắc Á ngày càng căng thẳng, đặc biệt sau cuộc “khẩu chiến” giữa lãnh đạo hai nước liên quan các vụ phóng tên lửa và thử hạt nhân gần đây của Triều Tiên. Hồi tháng 10, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) từng cảnh báo Bình Nhưỡng chỉ cần thêm vài tháng nữa để hoàn thiện năng lực tấn công Mỹ bằng vũ khí hạt nhân. Trước đó, Tổng thống Trump đã nhiều lần khẳng định Washington “sẽ làm mọi cách” để ngăn chặn kịch bản như vậy xảy ra. Thậm chí, ông chủ Nhà Trắng đe dọa sẽ “hủy diệt hoàn toàn” Triều Tiên nếu nước này có những động thái đe dọa Mỹ cũng như các quốc gia đồng minh.

Trước những tuyên bố mạnh mẽ của Tổng thống Trump, thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chris Murphy (ảnh) đã tỏ ra quan ngại trước khả năng các cố vấn của ông Trump không thể ngăn cản sự “quá khích” của tổng thống đối với vấn đề Triều Tiên. Được biết, thượng nghị sĩ Murphy cùng 2 đồng nghiệp là Brian Schatz và Cory Booker là những nhà lập pháp đề xuất dự luật nói trên. Dự luật hiện nhận được sự ủng hộ từ 7 thượng nghị sĩ đảng Dân chủ và thượng nghị sĩ độc lập Bernie Sanders.

Về phía đảng Cộng hòa, Reuters cho biết một số thành viên trong đảng cũng có cùng quan ngại đối với những tuyên bố mạnh miệng của ông Trump trong vấn đề Triều Tiên. Tuy nhiên, không ai tỏ ra ủng hộ dự luật mà phe Dân chủ đề xuất. Theo Reuters, dự luật này nhiều khả năng sẽ không được phép đưa ra bỏ phiếu khi phe Cộng hòa đang kiểm soát lưỡng viện Quốc hội Mỹ. Dù vậy, những người ủng hộ cho biết họ có thể tìm biện pháp để thông qua dự luật vào cuối năm nay bằng cách đệ trình đề xuất này như văn bản luật sửa đổi.

Mỹ kiên trì liên lạc ngoại giao với Triều Tiên

Theo Reuters, các quan chức Mỹ vẫn âm thầm theo đuổi các kênh ngoại giao trực tiếp với Bình Nhưỡng bất chấp Tổng thống Trump coi những cuộc đàm phán như vậy là “vô nghĩa” và “phí thời gian”.

Mỹ và Triều Tiên hiện không có quan hệ ngoại giao chính thức. Thay vào đó, các cuộc đàm phán hành lang chủ yếu được thực hiện thông qua cái gọi là “kênh New York”. Cuộc tiếp xúc cấp cao gần đây nhất giữa đặc sứ Mỹ về Triều Tiên Joseph Yun với Bình Nhưỡng là hồi tháng 6, khi ông Yun tới Triều Tiên để vận động Bình Nhưỡng phóng thích sinh viên người Mỹ Otto Warmbier. Ngoài ra, vào thời điểm “khẩu chiến” giữa ông Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, ông Yun vẫn có các cuộc tiếp xúc với phái bộ ngoại giao Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc thông qua kênh đối thoại bí mật. Theo một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, các hoạt động đối thoại hậu trường nói trên không hề bị giới hạn về tần suất lẫn chất lượng.

Theo giới phân tích, các kênh trao đổi hậu trường là công cụ hữu ích để truyền tải thông điệp giữa hai nước. Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy những hoạt động như vậy giúp cải thiện mối quan hệ căng thẳng Mỹ - Triều. Bởi trên thực tế, Bình Nhưỡng vẫn không quan tâm đến các cuộc đàm phán trước khi họ đạt được năng lực hạt nhân có thể vươn đến đất Mỹ.

Tổng thống Mỹ không thăm DMZ

Một quan chức cấp cao Mỹ hôm 31-10 cho biết, Tổng thống Trump sẽ không đến thăm khu phi quân sự (DMZ) liên Triều trong chuyến công du Hàn Quốc vào tuần tới. Thay vào đó, ông chủ Nhà Trắng sẽ ghé Trại Humphreys ở thành phố Pyeongtaek, cách Thủ đô Seoul khoảng 90km về phía Nam. Đây cũng là căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở châu Á. Hiện có 28.500 binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại Hàn Quốc.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết