30/11/2013 - 08:24

Thái Lan:

Phe biểu tình “thăm dò” quân đội

Người biểu tình bên trong khuôn viên trụ sở Quân đội Hoàng gia Thái Lan ngày 29-11. Ảnh: AP

Sau nhiều ngày biểu tình ôn hòa thiếu hiệu quả, những người xuống đường phản đối chính quyền Thủ tướng Yingluck Shinawatra ngày 29-11 đã phá cổng tràn vào tổng hành dinh Quân đội Hoàng gia Thái Lan, đồng thời bao vây trụ sở đảng cầm quyền Puea Thai ở Thủ đô Bangkok.

Người phát ngôn Quân đội Hoàng gia Thái Lan, Thiếu tá Sansern Kaewkamnerd cho biết có hơn 1.500 người biểu tình đã tràn vào khuôn viên tổng hành dinh quân đội sau khi bẻ ổ khóa cổng sắt. Tại thời điểm đó, tham mưu trưởng quân đội không có mặt và người biểu tình cũng không xông vào bên trong văn phòng. Người đứng đầu nhóm biểu tình Amorn Amornrattananont cho biết mục đích của họ là để "thử xem quân đội đứng về phía nhân dân hay nhà độc tài". Tuy nhiên, hãng tin AFP cho rằng đây là hành động thúc giục quân đội ra tay lật đổ chính quyền bà Yingluck, người mà họ cho chỉ là "con rối" của anh trai -cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đang sống lưu vong ở nước ngoài.

Cùng thời điểm, đoàn biểu tình khoảng 1.000 người đã bao vây trụ sở đảng Puea Thai (Vì Người Thái), biểu tượng then chốt của chính quyền. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quốc gia Worapong Siewpreecha thông báo đã triển khai 2 đơn vị cảnh sát khoảng 300 người đến giữ an ninh tòa nhà theo yêu cầu của đảng cầm quyền. Tuy nhiên, bản thân cảnh sát quốc gia Thái Lan hôm 28-11 đã phải đứng nhìn tổng hành dinh của họ bị người biểu tình xâm nhập và cúp điện. Udomdet Rattanasathei, nghị sĩ của Puea Thai cho rằng đây là cách mà ông Suthep khiêu khích chính phủ dùng vũ lực để họ có cớ kéo quân đội vào cuộc. Trong khi đó, Thủ tướng Yingluck kêu gọi những người ủng hộ chính phủ và cảnh sát kiềm chế, tránh đối đầu với những người biểu tình quá khích.

Ông Suthep tối 28-11 mạnh mẽ tuyên bố "cuộc chơi cuối cùng sẽ diễn ra trong một hoặc hai ngày tới". Vị này cũng bác bỏ lời kêu gọi đàm phán với "chế độ Thaksin" và muốn chính quyền Yingluck bị thay thế bằng một "hội đồng" hoặc "quốc hội nhân dân" tạm thời. Tuy nhiên, theo nhận định của Reuters, cách biểu tình vi phạm pháp luật và tầm nhìn lãnh đạo thiếu rõ ràng của ông Suthep đang gây chia rẽ bên trong đảng Dân chủ đối lập. Đồng thời, quân đội Thái Lan chưa có cớ gì để mạo hiểm can thiệp vào chính trường.

Đến ngày 29-11, Reuters cho biết người biểu tình còn tập trung ở 5 địa điểm tại Bangkok và rải rác một số cuộc biểu tình ở các tỉnh khác, trong đó có xảy ra xung đột nhỏ giữa hai phe ủng hộ và chống đối chính phủ. Cuộc biểu tình hôm qua còn có sự tham gia của nhiều thủ lĩnh phe Dân chủ đối lập, trong đó có cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva, cựu Bộ trưởng Tài chính Korn Chatikavanij. Theo AFP, cuộc biểu tình tại Thái Lan có thể tiếp tục bước sang tuần thứ hai nhưng những người tổ chức phải tìm cách hoàn thành mục tiêu hạ bệ chính phủ trước ngày sinh nhật của Nhà vua Bhumibol Adulyadej, vốn có truyền thống được nhân dân chào đón trong bầu không khí tĩnh lặng và tôn nghiêm.

KIẾN HÒA

 

Chia sẻ bài viết