20/03/2013 - 16:00

Phẫu thuật - giải pháp cho bệnh nhân động kinh

Sam Parrent (hiện được 6 tuổi) khỏe mạnh và không còn bị co giật kể từ sau
cuộc phẫu thuật.

Động kinh là một chứng bệnh ở hệ thần kinh, trong đó các tế bào thần kinh trong não phát ra các xung điện bất thường làm thay đổi chức năng não bộ khiến bệnh nhân lên cơn co giật, cắn lưỡi, sùi bọt mép, mắt trợn ngược, đôi khi bất tỉnh. Theo nghiên cứu được đăng trên tạp chí Annals of Neurology (Mỹ) mới đây, các nhà nghiên cứu cho biết đối với những bệnh nhân động kinh nhỏ tuổi không phản ứng với thuốc, phẫu thuật thùy trán có thể làm giảm đáng kể tình trạng co giật, thậm chí khỏi hẳn.

Vào một ngày tháng Giêng năm 2011, sau bữa ăn trưa, cậu bé 3 tuổi Sam Parrent ở Bắc Carolina (Mỹ) nói em cảm thấy rất mệt và muốn đi ngủ ngay. “Một vài phút sau, tôi nghe một tiếng hét kinh hoàng và nhìn thấy con trai đang lên cơn co giật, mặc dù thằng bé trước nay vẫn hoàn toàn khỏe mạnh. Sự việc xảy ra thật bất ngờ và hết sức tồi tệ”- ông Tom Parrent, cha bé Sam, nhớ lại.

Bé Sam được bác sĩ chẩn đoán co giật do sốt cao và sức khỏe “bình thường”. Nhưng không lâu sau đó, bé được xác định mắc bệnh động kinh khi các cơn co giật tái phát với số lượng nhiều hơn. Em bắt đầu được điều trị với các loại thuốc chống động kinh nhưng vấn đề là chúng nhanh chóng trở nên vô hiệu khi những cơn co giật bắt đầu tăng lên với tần suất từ 10 đến 20 lần/ngày. Gia đình quyết định đưa em đến Đại học Duke để gặp Tiến sĩ Mohamad Mikati – một trong những chuyên gia thần kinh học trẻ em hàng đầu thế giới. Lúc này, ông Tom Parrent cho biết thần trí bé Sam vẫn tỉnh táo và có thể nghe hiểu tất cả những gì mọi người nói với em, nhưng em không thể mở mắt và ngồi dậy. Tình hình ngày một tồi tệ khi các cơn động kinh xuất hiện ngày càng nhiều, có khi lên đến 70-100 lần/ngày. Các bác sĩ dự đoán bé có thể bị hôn mê bất cứ lúc nào.

Bé Sam sau đó được nuôi bằng chế độ ăn kiêng ketogenic (nhiều chất béo, ít tinh bột) - đã được chứng minh là phương thức rất tốt để điều trị chứng động kinh ở trẻ em, nhưng những cơn co giật chẳng bao lâu lại tái diễn. Đến nước này, một nhóm các chuyên gia được mời đến để thảo luận về tình trạng bất thường của cậu bé và các bác sĩ đã đề nghị nên đưa em đến Bệnh viện Cleveland để tiến hành phẫu thuật. Theo các nhà nghiên cứu, 158 bệnh nhân từng phẫu thuật tại Trung tâm Động kinh của bệnh viện này đã giảm đáng kể số lần và thời gian co giật, thậm chí khỏi bệnh hoàn toàn. Tại đây, Sam đã được các bác sĩ phẫu thuật loại bỏ một nửa thùy trán vào ngày 9-11-2011 và kể từ đó đến nay, em không còn bị co giật nữa. Hiện tại, cậu bé có thể sinh hoạt bình thường và trông khỏe mạnh như bất kỳ đứa trẻ cùng tuổi nào khác.

Không giống như bé Sam, các bác sĩ cho biết phần lớn các bệnh nhân động kinh phải sống chung với bệnh hàng chục năm trước khi quyết định tiến hành phẫu thuật. Và hậu quả việc trì hoãn chỉ càng làm não của người bệnh tiến triển theo chiều hướng xấu hơn mà thôi - Tiến sĩ Lara Jehi, trưởng nhóm nghiên cứu và là giám đốc của Trung tâm Động kinh Bệnh viện Cleveland, cho biết. Cụ thể, những người được phẫu thuật trong vòng 5 năm kể từ khi các dấu hiệu bệnh xuất hiện có đến 80%-90% cơ hội khỏi bệnh và nếu trên 5 năm, tỷ lệ này giảm xuống 10%.  Tiến sĩ Jehi nhận định, mặc dù phẫu thuật nghe có vẻ phức tạp và nhiều rủi ro, song xác suất tử vong là rất thấp (dưới 0,02%).

Theo các bác sĩ, não bộ con người cơ bản có thể kết nối để bù đắp cho những thùy não bị tách bỏ. Phần não gây động kinh thường bị tổn thương sau các cơn động kinh, nên việc phẫu thuật loại bỏ bộ phận này quả thật giúp ích cho sức khỏe não bộ. Chính vì vậy, “phẫu thuật sẽ giúp bệnh nhân có thêm cơ hội hồi phục và trở về với cuộc sống khỏe mạnh bình thường” – Tiến sĩ Jehi kết luận.

VI VI (Theo ABC News)

Chia sẻ bài viết