13/05/2014 - 21:08

Phát triển vườn cây ăn trái gắn với du lịch

Huyện Phong Điền là một trong những địa phương có diện tích vườn cây ăn trái lớn nhất tại TP Cần Thơ. Thời gian qua, huyện đã khuyến khích nông dân trồng các loại cây ăn trái ngon, đặc sản theo hướng “sạch” gắn với du lịch để tạo thuận lợi về đầu ra sản phẩm. Từ cách làm này, nhiều nhà vườn trồng cây ăn trái tại huyện đã nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập.

Thuận lợi về đầu ra sản phẩm

Thu hoạch dâu xanh tại huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. 

Với sự quan tâm của ngành nông nghiệp thành phố và địa phương, thời gian qua, nhiều nhà vườn trồng cây ăn trái trên địa bàn huyện Phong Điền đã tích cực cải tạo các diện tích vườn tạp và mạnh dạn chuyển đổi các diện tích vườn cây ăn trái kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái ngon, đặc sản giúp mang lại giá trị kinh tế cao. Nhà vườn còn quan tâm đến sản xuất rải vụ và phát triển trồng cây ăn trái theo hướng sạch gắn với giải quyết đầu ra sản phẩm thông qua phát triển du lịch tại địa phương.

Khu vườn của ông Trần Văn Liền, ngụ ấp Nhơn Lộc 1, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền rộng 2,5 ha, ông trồng khoảng 30 loại cây ăn trái, nên trái cây thu hoạch quanh năm, rất thuận lợi cho phát triển du lịch. Từ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và thành phố, gia đình ông đã tham gia các lớp tập huấn, tham quan mô hình du lịch sinh thái thực tế tại các tỉnh bạn để tiến hành xây dựng mô hình du lịch mang đặc trưng của riêng mình. Đến nay, sau hơn một năm xây dựng và đưa vào hoạt động, vườn du lịch Vàm Xáng của gia đình ông được nhiều người biết đến và thu hút được du khách gần xa. Ông Trần Văn Liền, cho biết: “Nhờ trồng đa dạng các loại cây ăn trái theo hướng sạch gắn với phát triển du lịch nên đầu ra các sản phẩm rất thuận lợi. Du khách được thưởng thức trái ngon ngay tại vườn cũng cảm thấy thích thú và an tâm cho sức khỏe. Bởi chúng tôi phòng trừ sâu bệnh trên vườn cây bằng biện pháp sinh học và không sử dụng các hóa chất độc hại để bảo quản, xử lý cho trái cây chín đồng loạt”. Gia đình ông Nguyễn Văn Nhung ở ấp Trường Trung B, xã Tân Thới, huyện Phong Điền hiện đang sở hữu vườn sầu riêng hiện rộng 25 công đất, trồng nhiều giống sầu riêng hạt lép ngon như: Ri 6, Chuồng bò... Những năm qua, vườn sầu riêng đã giúp gia đình ông thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm. Ông Nguyễn Văn Nhung, cho biết: “Vườn nhà tôi chủ yếu trồng các giống sầu riêng ngon, rất dễ tiêu thụ sản phẩm do có nhiều thương lái đến tìm mua. Đặc biệt, những năm gần đây du lịch tại địa phương được phát triển và đường sá đi lại cũng thuận tiện, nhiều người tiêu dùng tìm đến tận các vườn trái cây ở Phong Điền để mua được các loại trái cây ngon theo ý muốn và an tâm về chất lượng”.

Theo nhiều nhà vườn trồng trái cây ở huyện Phong Điền, việc thu hút khách du lịch về địa phương không chỉ tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ trái cây tại các điểm vườn du lịch mà các hộ dân ở lân cận cũng được hưởng lợi. Không chỉ vậy, nhiều hộ gia đình tại địa phương còn có điều kiện kiếm thêm thu nhập nhờ thành lập các điểm bán trái cây dã chiến dọc theo các trục đường chính trên địa bàn huyện.

Tiếp tục phát huy lợi thế

Báo cáo thống kê của huyện Phong Điền, trong 4 tháng đầu năm 2014, địa phương đón trên 200.000 lượt khách du lịch và đạt tổng doanh thu hơn 20 tỉ đồng. Đây là con số có ý nghĩa khích lệ rất lớn cho địa phương. Theo Phòng NN&PTNT huyện Phong Điền, huyện hiện có 6.015ha cây ăn trái các loại, trong đó diện tích đang cho thu hoạch 4.556,7ha, phần lớn diện tích cây ăn trái trên địa bàn là các loại cây trái ngon, đặc sản như: dâu Hạ Châu, sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, nhãn, bưởi 5 roi, cam mật... Những tháng đầu năm 2014, tổng sản lượng trái cây thu hoạch ước khoảng 17.600 tấn, đạt 27,72% so kế hoạch, tăng 23,6% so với cùng kỳ. Nhiều nhà vườn trồng sầu riêng, dâu Hạ Châu... đạt lợi nhuận từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng/ha/năm, thậm chí cao hơn mức này. Song, phải nhìn nhận rằng tình trạng “trúng mùa rớt giá” vẫn còn xảy ra, nhất là đối với các loại trái cây có diện tích và sản lượng lớn không thể tiêu thụ hết ngay tại chỗ và bị dội hàng với trái cây của các địa phương khác khi bước vào mùa thu hoạch rộ.

Thực tế cho thấy, một số loại trái cây trên địa bàn huyện Phong Điền như dâu xanh và dâu ta (dâu bòn bon) đang bước vào mùa thu hoạch rộ, trái cây rất trúng mùa nhưng giá bán giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Anh Nguyễn Văn Tâm, ngụ ấp Nhơn Bình A, xã Nhơn Ái trồng 4 công dâu xanh đã 5 năm tuổi, cho biết: “Năm nay, dâu đạt năng suất gần 2 tấn/công, cao gấp 3 lần so với năm rồi, nhưng tính ra lợi nhuận không cao do giá bán chỉ ở mức 6.000 đồng/kg, giảm hơn 5.000 đồng/kg so với cùng kỳ”. Theo chị Nguyễn Thị Thu Sương ở xã Nhơn Ái, gia đình có 3 công đất trồng vú sữa Lò Rèn, cách đây vài tháng khi loại trái cây này bước vào thu hoạch rộ giá cũng giảm mạnh, thương lái mua tại vườn chỉ 7.000-8.000 đồng/kg. Gia đình chị Sương phải xuống tỉnh Cà Mau để bán vú sữa với giá 18.000-20.000 đồng/kg, nhờ vậy, lợi nhuận đạt khoảng 20 triệu đồng/công vú sữa. Theo chị Sương, để giúp nhà vườn thoát cảnh trúng mùa rớt giá, ngoài sự tự lực của nhà vườn trong tìm kiếm thị trường đầu ra, rất cần sự hỗ trợ của các ngành chức năng địa phương trong việc hướng dẫn nông dân sản xuất rải vụ, hỗ trợ bảo quản và chế biến các loại trái cây thành những sản phẩm đặc sản phục vụ cho khách du lịch và người tiêu dùng nói chung.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Phong Điền, cùng với việc tập trung hướng dẫn và vận động nhân dân cải tạo diện tích vườn kém hiệu quả sang các loại cây ăn trái có giá trị cao, ngành nông nghiệp huyện cũng tích cực hỗ trợ nông dân ứng dụng các kỹ thuật sản xuất trái cây an toàn, xử lý cho cây ra trái rải vụ, thưa vụ để có giá bán cao. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh phát triển vườn cây ăn trái kết hợp với du lịch để tạo cơ hội tiêu thụ sản phẩm cho nhà vườn. Huyện hiện có 11 điểm du lịch sinh thái hoạt động và có nhiều hộ dân đang tiếp tục xây dựng thêm các điểm mới. Ông Trần Thái Nghiêm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền cho biết: Với nhiều giải pháp đồng bộ được thực hiện, tới đây, việc sản xuất và tiêu thụ trái cây của nhà vườn tại địa phương sẽ thuận lợi hơn. Các giải pháp mà huyện hỗ trợ cho nông dân chỉ bó hẹp trong qui mô địa phương, huyện rất cần sự hỗ trợ thêm của thành phố và các bộ ngành hữu quan nhằm khắc phục các hạn chế và yếu kém của khâu bảo quản và chế biến trái cây sau thu hoạch. Có như vậy, mới có thể giải quyết dứt điểm tình trạng thừa hàng dội chợ khi bước vào các mùa thu hoạch rộ.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết