18/08/2017 - 09:22

Giáo dục truyền thống và di sản Văn hóa trong học đường

Phát triển toàn diện 

Những năm gần đây, công tác giáo dục truyền thống và di sản văn hóa trong học đường được ngành văn hóa và ngành giáo dục TP Cần Thơ quan tâm đẩy mạnh. Nhiều chương trình, hoạt động góp phần nâng cao kiến thức, hiểu biết về văn hóa, di sản cho học sinh các cấp. Song song đó, công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ văn hóa được chú trọng.

Nâng cao kiến thức, kỹ năng

Đầu tháng 8 vừa qua, Ban quản lý Di tích TP Cần Thơ tổ chức tập huấn công tác giáo dục truyền thống và di sản văn hóa trong học đường năm 2017 cho hơn 200 học viên là giáo viên các trường tiểu học và cán bộ văn hóa của các Phòng Văn hóa Thông tin, Trung tâm Văn hóa Thể thao các quận, huyện. Bên cạnh kiến thức tổng quan về di tích lịch sử văn hóa Việt Nam, các học viên còn được bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp tổ chức hoạt động, trò chơi; tham quan thực tế tại các di tích văn hóa, lịch sử; thực hành…

Các giáo viên tiểu học, cán bộ ngành văn hóa tham quan thực tế tại Di tích Căn cứ Vườn mận trong chương trình tập huấn. Ảnh: CTV

Các giáo viên tiểu học, cán bộ ngành văn hóa tham quan thực tế tại Di tích Căn cứ Vườn mận trong chương trình tập huấn. Ảnh: CTV

Sôi động và thú vị nhất là buổi báo cáo thuyết trình của 4 tổ vào buổi học cuối cùng với những chủ đề khác nhau. Các thành viên tổ 3 đã khuấy động không khí bằng chương trình giới thiệu Di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố: chùa Pothi Somrom ở quận Ô Môn, tổ chức trò chơi đua thuyền và học điệu múa Khmer truyền thống. Lần lượt các tổ còn lại đã thuyết trình về chợ cổ Cần Thơ, đình Thuận Hưng, giới thiệu các điểm du lịch ẩm thực: Hủ tiếu Sáu Hoài, bánh hỏi Út Zách qua nhiều hình thức: thuyết minh, diễn kịch, hát… Những trò chơi, câu hỏi giao lưu giữa các đội đã làm buổi học thêm sôi nổi, hào hứng.

Anh Khưu Tấn Tài, Tổng phụ trách Trường Tiểu học Nguyễn Hiền, quận Ô Môn, cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi tham giá khóa học và cảm thấy hay, bổ ích. Ngoài việc tuyên truyền miệng, tôi học thêm được những phương pháp tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức khác nhau. Tôi sẽ cùng các đồng nghiệp ứng dụng những kiến thức học được để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục truyền thống và di sản văn hóa cho học sinh trong năm học này”. Chị Trần Thị Thanh Tâm, phụ trách Phòng truyền thống của Trung tâm văn hóa Thể thao quận Thốt Nốt, chia sẻ: “Nhiều khóa học bồi dưỡng giúp tôi nâng cao khả năng quản lý, thuyết minh. Đồng thời, góp phần tham mưu với lãnh đạo những chương trình, hoạt động mới”.

Theo Ban Quản lý Di tích thành phố, đây là lớp tập huấn thứ 3 dành cho giáo viên và cán bộ văn hóa. Họ là đội ngũ quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống, di sản văn hóa cho học sinh.

Phong phú nhiều chương trình, hoạt động

Vào mỗi năm học, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Sở Giáo dục và Đào tạo đều ký kết kế hoạch phối hợp giáo dục truyền thống và di sản văn hóa trong học đường. Theo đó, Ban Quản lý Di tích phối hợp với các Phòng Văn hóa Thông tin, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Đoàn Thanh niên… tổ chức nhiều chương trình, hoạt động ở các trường học, địa phương. Năm học 2016-2017 vừa qua, các thuyết minh viên đã đến 4 trường học trực tiếp tuyên truyền về di tích trong giờ sinh hoạt dưới cờ; thuyết minh và hướng dẫn gần 4.000 lượt giáo viên, học sinh, sinh viên đến tham quan, học tập tại các di tích; phối hợp tổ chức cho học sinh, sinh viên tham gia hoạt động chăm sóc tại các di tích; thành lập đội tuyên truyền di sản văn hóa tại các trường học… Đặc biệt, phối hợp với các đơn vị, trường học tổ chức 12 chương trình “Tìm về di sản”, “Khám phá di sản”, “Hành trình sinh viên đến các địa chỉ đỏ”… cho gần 2.700 giáo viên, học sinh, sinh viên tại 6 di tích.

Các học viên lớp tập huấn tham gia thảo luận, thực hành các chủ đề. Ảnh: CTV

Các học viên lớp tập huấn tham gia thảo luận, thực hành các chủ đề. Ảnh: CTV

Các quận, huyện cũng có nhiều cách làm, chương trình đa dạng. Ở quận Thốt Nốt, ngoài giáo dục trong lớp, tuyên truyền dưới cờ, ngành văn hóa và ngành giáo dục còn đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa thông qua các chương trình “Khám phá di sản”, “Nối kết di sản” để giới thiệu những di tích, làng nghề truyền thống của địa phương. Gần đây nhất là chương trình “Tự hào Cần Thơ- Thốt Nốt” giúp học sinh tìm hiểu về địa giới Cần Thơ, quận Thốt Nốt và danh nhân văn hóa tiêu biểu.

Huyện Vĩnh Thạnh, địa phương xa nhất của Cần Thơ, cũng thành lập các đội tuyên truyền di sản văn hóa tại các trường học, phát thanh măng non, sinh hoạt lồng ghép, tham quan các di tích… Anh Võ Thuận Nghĩa, chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Thạnh, người xây dựng các kế hoạch, tham mưu tổ chức các hoạt động, cho biết: “Trên địa bàn Vĩnh Thạnh không có di tích, muốn tham quan phải đi xa, dù vậy chúng tôi vẫn luôn cố gắng để đẩy mạnh và nâng cao công tác giáo dục truyền thống”.

***

Theo bà Nguyễn Thị Mỹ, Trưởng Ban quản lý Di tích TP Cần Thơ, trong năm học 2017-2018, đơn vị sẽ tiếp tục phát huy những chương trình hiệu quả; nghiên cứu, tổ chức những hoạt động mới, hấp dẫn để công tác giáo dục truyền thống và di sản văn hóa trong học đường ngày càng đi vào chiều sâu và lan tỏa. 

Cát Đằng

Chia sẻ bài viết