05/12/2012 - 21:23

Phát triển Ô Môn xứng tầm quận công nghiệp - đô thị công nghệ cao

Định hướng trong tương lai quận Ô Môn sẽ trở thành đô thị công nghệ kỹ thuật cao.

Quận Ô Môn, TP Cần Thơ tiền thân là huyện nông nghiệp và rất ít cơ sở sản xuất công nghiệp. Qua 8 năm từ khi thành lập, dù gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng nhưng mức độ phát triển kinh tế - xã hội của Ô Môn vẫn còn ở mức thấp. Đây là lực cản lớn của Ô Môn trong quá trình phát triển thành một quận công nghiệp - đô thị công nghệ cao của thành phố trong thời gian tới…

Thách thức từ một huyện thuần nông

Năm 2004, quận Ô Môn được thành lập trên cơ sở chia tách từ huyện Ô Môn cũ. Ngay thời điểm này, quận Ô Môn bắt đầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước hình thành cơ cấu kinh tế công nghiệp- thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp chất lượng cao. Vì vậy, quận Ô Môn không ngừng đổi mới công nghệ sản xuất và nâng cao năng lực, trình độ quản lý để từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển, phù hợp với tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng.

Thời gian qua, có nhiều công trình quan trọng trên địa bàn quận Ô Môn được đưa vào khai thác, sử dụng, như: Khu công nghiệp Trà Nóc 2, Trung tâm Điện lực Ô Môn… Các ngành hữu quan cũng đang triển khai xây dựng Khu công nghiệp Bắc Ô Môn (400 ha) và Khu công nghiệp Ô Môn (256 ha). Cơ cấu kinh tế của quận nhìn chung đã có những chuyển dịch đáng kể. Năm 2004 giá trị sản xuất công nghiệp đạt 556.200 triệu đồng; đến năm 2011 đạt 4.243 tỉ đồng, tăng gấp 7,82 lần so với năm 2004, và năm 2012 ước đạt 5.224 tỉ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 28 triệu đồng/người/năm, tăng 16,3% so với năm 2011; giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp vươn lên đứng thứ 2 trong 8 quận, huyện của thành phố (không kể quận Ninh Kiều). Hiện, quận Ô Môn có 11 điểm chợ; có 5.191 cơ sở thương mại - dịch vụ, giải quyết việc làm cho trên 9.000 lao động và nhiều loại hình kinh doanh phong phú đa dạng. Ngoài ra, Ô Môn cũng đang thực hiện dự án xây dựng thương hiệu rau an toàn (khu vực Thới Hòa, phường Thới An), xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp chất lượng cao… để hướng đến nền nông nghiệp chất lượng cao, góp phần phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, sau hơn 8 năm thành lập, quận Ô Môn vẫn chưa "thoát xác" một huyện nông nghiệp. Theo nhận định của lãnh đạo quận, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương thời gian qua tuy đúng hướng nhưng còn chậm. Đặc biệt, một bộ phận người dân còn có tư tưởng thiếu tiến bộ, trong sản xuất kinh doanh thiếu tính hợp tác, làm ăn nhỏ lẻ, chưa khai thác, phát huy đúng mức thế mạnh… Vì vậy, sự phát triển của quận chưa tương xứng với vị trí tiềm năng. Đặc biệt là chưa phát triển theo đúng như kỳ vọng về một quận công nghiệp - đô thị công nghệ cao của thành phố. Nguyên nhân chủ yếu diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn còn khá lớn (trên 10.000 ha), số lượng lao động ở khu vực nông thôn chiếm tỷ lệ cao, 69%. Nhiều người dân sống lâu đời ở nông thôn gắn bó với nghề nông nên việc chuyển từ một huyện nông nghiệp lên một quận đô thị còn rất mới mẻ. Bên cạnh đó, tình hình tội phạm luôn có những diễn biến phức tạp và chưa có chiều hướng giảm do phần lớn người lao động từ nhiều nơi về nhập cư tại địa bàn, người dân thiếu ý thức cảnh giác, dễ bị tội phạm lợi dụng sơ hở để gây án...

Phải chuyển biến từ nhận thức

Tại hội nghị "Một số giải pháp làm chuyển biến nhận thức của nhân dân từ một huyện nông nghiệp lên một quận đô thị", nhiều ý kiến cho rằng: Để khắc phục những khó khăn, đưa kinh tế - xã hội địa phương tiến đúng theo "đường ray" đã xây dựng, quận Ô Môn cần sớm đề ra những giải pháp thiết thực. Trong đó, thay đổi nhận thức của người dân trên tất cả mọi mặt được xem là vấn đề then chốt.

Ông Võ Văn Đạt, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Ô Môn, cho rằng: Giai đoạn tới, đòi hỏi giao thông nông thôn phải được ưu tiên, tập trung đầu tư xây dựng, tạo bước chuyển đổi mạnh mẽ về số lượng cũng như chất lượng. Vì vậy, phòng sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động, phát động phong trào toàn dân tham gia thực hiện và giữ gìn cầu đường giao thông; tiếp tục vận động sức dân xây dựng mới, cải tạo nâng cấp những tuyến đường quan trọng, các tuyến đường vào khu dân cư đạt quy mô cấp II, cấp III đồng bằng. Có như vậy mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Bên cạnh đó, Ô Môn cần nhanh chóng xây dựng dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật. Hình thành vùng sản xuất lúa tập trung có quy mô phù hợp với điều kiện hiện có của địa phương,vùng chuyên canh cây ăn trái theo tiêu chuẩn GAP để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Xây dựng dự án vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực thủy sản. Phấn đấu đến năm 2015 tất cả các hộ nuôi thủy sản phục vụ cho xuất khẩu đều áp dụng nuôi theo GAP, Global GAP, SQF 1000….

Ông Nguyễn Tòng Nhiệm, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Ô Môn, nhấn mạnh: Khi quận Ô Môn chuyển từ một huyện nông nghiệp sang một quận đô thị, tư tưởng và nhận thức của người dân có sự tiến bộ theo xu thế mới. Vì vậy, để làm chuyển biến nhận thức của người dân theo xu thế phát triển của quận đô thị thì các ngành, các cấp cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, định hướng và vận động nhân dân tích cực tham gia các mô hình sản xuất kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu kinh tế hộ gia đình theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đây là việc làm thiết thực góp phần phát triển quận nhà xứng tầm là quận đô thị văn minh. Bên cạnh đó, quận sẽ đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, xây dựng cơ chế chính sách phù hợp huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội đầu tư phát triển trên các lĩnh vực, trong đó đặc biệt quan tâm các công trình trọng điểm phân bổ hợp lý vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Đồng thời tăng cường quản lý nhà nước trên các lĩnh vực nhất là kỷ cương đô thị, an toàn giao thông, an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất để nâng cao mức sống, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân….

Với những nỗ lực quyết tâm của các ban ngành, đoàn thể trên địa bàn sẽ sớm đưa Ô Môn xứng tầm là quận đô thị trọng điểm phát triển mạnh về kinh tế - xã hội của thành phố trong thời gian tới.

Bài, ảnh: P.NGUYỄN

Chia sẻ bài viết