08/12/2012 - 17:07

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh (bìa phải) đang trao đổi với các đại biểu tại Hội nghị giao ban 3 Ban Tây Nguyên, Tây Bắc và Tây Nam bộ.
Ảnh: B.Ng.

Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ được đánh giá là ba vùng có tiềm năng, đóng góp không nhỏ vào việc đảm bảo trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc phòng, an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên, so với cả nước, 3 vùng trên là vùng "trũng" nhiều mặt, nhất là ở lĩnh vực giáo dục, đào tạo - dạy nghề và nguồn nhân lực chất lượng cao. "Làm gì để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo để vực dậy tiềm năng, thế mạnh của 3 vùng trên?"- là vấn đề đặt ra tại Hội nghị giao ban 3 Ban Chỉ đạo vừa diễn ra tại Cần Thơ vào ngày 6-12.

* Phát triển chưa tương xứng

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đánh giá: "Năm 2012, mặc dù kinh tế gặp rất nhiều khó khăn nhưng với nỗ lực của địa phương 3 vùng, tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội giữ vững; 3 vùng đã đóng góp không nhỏ vào việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, nhất là vùng Tây Nam bộ, được xem là vựa lúa, vựa thủy sản, vựa trái cây lớn nhất cả nước". Qua báo cáo của BCĐ Tây Nam bộ, năm 2000, tỷ trọng khu vực I (nông - lâm nghiệp, thủy sản) của vùng chiếm 53,5% trong cơ cấu GDP. Năm 2010, tỷ trọng này giảm còn 39% và năm 2011 là 39,4%. Thu nhập trên mỗi héc-ta đất sản xuất nông nghiệp trong vùng ĐBSCL tăng từ 20,2 triệu đồng/ha năm 2000 lên gần 38 triệu đồng/ha năm 2010; thu nhập bình quân đầu người đạt 26,5 triệu đồng/người/năm (năm 2011), tăng hơn 6 triệu đồng so với năm 2010. Ông Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng ban Thường trực BCĐ Tây Nam bộ, nói: "Những năm qua, với sự quan tâm đầu tư của Trung ương, nỗ lực của các địa phương, mạng lưới trường lớp ở các địa phương có sự chuyển biến khá hơn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục".

Không thể phủ nhận tiềm năng, thế mạnh, cũng như sự quan tâm đầu tư của Trung ương cho 3 vùng, nhưng nhìn vào bức tranh tổng thể phát triển giáo dục, đào tạo- dạy nghề vẫn còn độ vênh. Ông Lê Khả Đấu, Phó trưởng ban BCĐ Tây Bắc, nói: "Giáo dục và đào tạo của vùng còn nhiều tồn tại, yếu kém, nhất là giáo dục phổ thông. Tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp học ở Tây Bắc mới đạt 61,3%". Theo bà Trần Thị Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, giáo dục - đào tạo ĐBSCL được xem là "vùng trũng" của cả nước, tỉnh Đồng Tháp không ngoại lệ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, như: cơ sở hạ tầng giao thông yếu kém;, thiếu kinh phí đối ứng thực hiện Đề án kiên cố hóa trường lớp học, nhất là bậc học mầm non. Qua thống kê của tỉnh, có 90% trẻ đến trường nhưng trường mẫu giáo thực tế là "học nhờ" các trường tiểu học, điều kiện vệ sinh, sinh hoạt ngoài trời rất thiếu thốn. Toàn tỉnh chỉ có 10-12% trường đạt chuẩn quốc gia.

* Hạ điểm chuẩn, có tăng chất lượng?

"Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng yêu cầu xã hội", là vấn đề nhiều đại biểu quan tâm bàn luận. Theo ông Trần Việt Hùng, Phó trưởng ban BCĐ Tây Nguyên, vùng có hơn 5,3 triệu dân, gần như 54 dân tộc trên cả nước đều có mặt tại các địa phương trong vùng. Năm 2010, toàn vùng có trên 90% người dân tộc thiểu số chưa qua đào tạo; tỷ lệ lao động của vùng qua đào tạo chỉ chiếm 29,56%; tỷ lệ sinh viên vào đại học thấp so với mặt bằng chung của cả nước. Để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, Trung ương cần có chính sách đặc thù riêng cho 3 vùng để thu hút và phát triển nguồn nhân lực; ưu tiên phát triển các cơ sở đào tạo nhân lực trình độ cao. Đồng tình quan điểm này, ông Lê Khả Đấu, Phó trưởng BCĐ Tây Bắc, cho rằng: "Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nên chăng khuyến khích các trường ĐH, học viện mở các phân hiệu tại địa phương".

Ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định, thời gian qua, Trung ương đã ban hành nhiều chính sách đặc thù để phát triển nguồn nhân lực cho 3 vùng này, như: Quyết định 1033/QĐ-TTg về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề cho vùng ĐBSCL, Quyết định số 1951/QĐ-TTG về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề các tỉnh Tây Nguyên. Riêng Tây Bắc, Bộ GD&ĐT đang tiến hành thực hiện đề án đặc thù cho vùng, dự kiến hoàn tất trong quí I-2013. Ông Ga nói: "Bộ GD&ĐT đã ban hành chính sách cử tuyển thí sinh ở các huyện nghèo. Mới đây, Bộ đã có chính sách đặc thù trong tuyển sinh dành cho 3 vùng này. Tức là, các trường ĐH, CĐ có trụ sở chính đặt tại các tỉnh, thành phố trong 3 khu vực trên được xét tuyển bổ sung đối với các thí sinh có điểm thấp hơn điểm sàn 1 điểm... Năm 2012, các trường đã tuyển được 3.000 thí sinh thuộc diện này. Bộ luôn khuyến khích mở phân hiệu các trường ĐH, học viện ở những vùng này".

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra nếu áp dụng hạ điểm chuẩn liên tục trong những kỳ tuyển sinh, liệu chất lượng có đảm bảo? Bà Trần Thị Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho rằng, các bộ, ngành Trung ương cần xem lại mức hạ điểm chuẩn, bởi nếu hạ từ 1-2 điểm còn có thể được nhưng hạ nhiều hơn thì cần xem lại, nhất là khối ngành y dược. Chất lượng đầu vào thấp, chất lượng đầu ra sẽ khó đảm bảo. Nhiều đại biểu cho rằng, Trung ương và địa phương đều đặt ra mục tiêu nâng cao tỷ lệ sinh viên/ vạn dân, nhưng tăng số lượng phải đi kèm với chất lượng.

* Cần giải pháp căn cơ

Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Chính phủ quyết tâm rất cao trong việc ưu tiên đầu tư cho giáo dục và y tế. Do điều kiện khó khăn chung, Chính phủ đã cắt giảm đầu tư từ nguồn ngân sách, nhưng không cắt giảm các khoản đầu tư cho giáo dục và y tế. Thế nhưng lĩnh vực này chuyển biến còn chậm nên phải có giải pháp lâu dài và căn cơ. Theo thường trực các BCĐ, thời gian qua, 3 vùng đã ký kết, triển khai thực hiện chương trình hợp tác toàn diện, chương trình phối hợp công tác hàng năm với các bộ, ban, ngành Trung ương. Ông Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng Ban Thường trực BCĐ Tây Nam bộ, nói: "Để vực dậy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của 3 vùng nên chăng cần đẩy mạnh hơn mối liên kết. Thời gian qua, các BCĐ đã chủ động đề xuất và triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình liên kết vùng ĐBSCL trong lĩnh vực Tam nông; diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL, hội nghị xúc tiến đầu tư vào Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ…".

Khía cạnh khác, kinh phí luôn là nỗi lo chung của các địa phương. Theo nhiều đại biểu, việc đầu tư nguồn lực cho 3 vùng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Vì thế, Trung ương cần ưu tiên đầu tư ngân sách cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề, nhất là ưu tiên đầu tư xây dựng trường mầm non cấp xã. Đồng thời, cần có chính sách đặc thù riêng cho 3 vùng để thu hút và phát triển nguồn nhân lực; ưu tiên phát triển các cơ sở đào tạo nhân lực trình độ cao; có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút cán bộ khoa học kỹ thuật đến công tác tại 3 vùng. Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính cần kiểm tra lại tình hình thực hiện kinh phí, nếu cần bổ sung thì phải bổ sung hoặc ngược lại. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Liên kết vùng trong bối cảnh hiện nay là hết sức quan trọng, liên kết để thực hiện những nhiệm vụ mà từng địa phương không thực hiện được. Ba BCĐ có những đặc thù riêng, nhưng cũng có nhiều điểm chung. Những sáng tạo của vùng này có thể vận dụng ở vùng khác, những khiếm khuyết ở vùng này có thể được rút kinh nghiệm ở vùng khác. Các bộ tham gia vào BCĐ, tùy mỗi bộ phụ trách từng vùng phải thể hiện trách nhiệm của mình đối với vùng đó, nhằm sớm đưa mặt bằng dân trí của 3 vùng ngang tầm với cả nước".

Bích Kiên

Chia sẻ bài viết