28/01/2018 - 10:13

Phát triển mạng lưới trạm y tế 

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về vấn đề xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở mới đây đã nêu lên những vướng mắc, khó khăn trong hoạt động của các trạm y tế cơ sở. Làm sao để hơn 90 triệu dân Việt Nam, từ lúc sinh ra cho đến lúc mất đi, đều có hồ sơ quản lý sức khỏe chặt chẽ từ tuyến y tế cơ sở là mục tiêu lớn và cần được giải quyết căn cơ.

Nâng chất lượng hoạt động

Tại hội nghị trực tuyến, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định, hệ thống y tế cơ sở trong cả nước chưa được đầu tư hợp lý cả về cơ sở vật chất, nhân lực và chất lượng hoạt động. Trong khi công tác tuyên truyền luôn chú trọng vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở trạm y tế nhưng chất lượng dịch vụ của trạm y tế hiện nay chưa thể thu hút người bệnh. Ngoài ra, quy định về chi phí thuốc được BHYT thanh toán thấp, tình trạng thiếu thuốc, các thiết bị cận lâm sàng và cả cán bộ có trình độ chuyên môn sử dụng trang thiết bị ở trạm y tế còn tồn tại nhiều bất cập… 

Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ Bùi Thị Lệ Phi trao trang thiết bị cho y tế cơ sở từ nguồn xã hội hóa. Ảnh: H.HOA

Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ Bùi Thị Lệ Phi trao trang thiết bị cho y tế cơ sở từ nguồn xã hội hóa. Ảnh: H.HOA

Theo bà Nguyễn Thị Kim Tiến, mức thanh toán của BHYT cho người dân khám bệnh tại trạm y tế quy định giới hạn chỉ 75.000 đồng/lần là rất thấp. Người dân đến khám bệnh, nhận ít thuốc, đôi khi thiếu thiết bị chẩn đoán, nên họ không tin tưởng và tự ý vượt tuyến hoặc bệnh nặng mới đi điều trị. Khi đó, chi phí điều trị ở tuyến trên bao gồm cả các chi phí cận lâm sàng và ngày giường điều trị tốn kém gấp nhiều lần so với trị bệnh tại y tế cơ sở. Sự phân bố của các trạm y tế không đều, không phải nơi nào cũng cần có Trạm y tế nhưng nhiều địa phương trạm ở gần sát bệnh viện. Thêm vào đó, việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị còn dàn trải, chưa tập trung theo đặc điểm của từng địa phương, nên chưa phát huy hết hiệu quả hoạt động.

Từ thực trạng của hệ thống y tế cơ sở, Hội nghị Trung ương 6 khóa XII đã ban hành Nghị quyết 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ra quyết định số 2348/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế cũng lập chương trình hành động, xây dựng và hướng dẫn triển khai tại 26 trạm y tế xã thuộc 8 tỉnh mô hình điểm về cơ sở hạ tầng, nhân lực, hoạt động và tài chính của các trạm y tế, từ đó, nhân rộng trong toàn quốc.

Các trạm y tế này thuộc Trung tâm y tế huyện 2 chức năng và có quản lý trạm y tế để trung tâm y tế huyện tập trung chỉ đạo. Đội ngũ bác sĩ sẽ được luân phiên phục vụ tại trạm y tế và trung tâm y tế để nâng cao năng lực chuyên môn. Mô hình của trạm y tế đặc biệt chú trọng đến tiêu chí đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức của người dân về các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và các biện pháp phòng chống đến từng nguy cơ. Một trong những yếu tố để nâng cao hiệu quả của hệ thống y tế cơ sở là tiếp tục đổi mới cơ chế tự chủ tài chính cho các nhóm trạm y tế xã. Triển khai các dịch vụ thuộc Gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ BHYT thanh toán và Gói dịch vụ y tế cơ bản phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng và nâng cao sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế.

Mục tiêu đặc biệt trong mô hình trạm y tế hoạt động lồng ghép theo nguyên lý y học gia đình là các trạm y tế thực hiện nhiệm vụ lập và quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, nhằm nâng cao độ bao phủ chăm sóc sức khỏe nhân dân. 

“Giữ chân” người bệnh 

Ông Hoàng Hữu Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ kinh nghiệm phát triển mạng lưới y tế cơ sở của tỉnh: “Với 91 trạm y tế của toàn tỉnh, 100% đơn vị đều có cơ sở vật chất khang trang và được trang bị trang thiết bị cơ bản hiện đại, mỗi trạm có từ 2 – 3 bác sĩ phục vụ thường xuyên và Trưởng trạm đều được đào tạo sơ bộ về y học gia đình, với hơn 40 bác sĩ có trình độ chuyên khoa I về Y học gia đình. Các trạm đều đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã và hơn 70% trạm đạt tiêu chí trạm y tế xuất sắc tiên tiến trong kết hợp khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Qua thống kê, có gần 67% người dân có BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế”. Theo ông Nam, ngành đã chọn 4 trạm y tế thí điểm thực hiện theo nguyên lý y học gia đình,  thực hiện các nhiệm vụ khám các bệnh thông thường định kỳ, tư vấn sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, phục hồi chức năng, chuyển tuyến phù hợp… Trạm quản lý hồ sơ sức khỏe người dân, các bệnh mãn tính của người dân được theo dõi liên tục. Mục tiêu đến năm 2020, ngành y tế Thừa Thiên Huế phấn đấu có ít nhất 80% trạm y tế chuyển sang hoạt động theo mô hình nguyên lý y học gia đình.

Cán bộ trạm y tế ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, khám bệnh cho người dân. Ảnh: THU SƯƠNG

Cán bộ trạm y tế ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, khám bệnh cho người dân. Ảnh: THU SƯƠNG

Theo ông Trần Đình Thông – Trưởng Trạm y tế xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, dù là xã đặc biệt khó khăn của tỉnh, nhưng đơn vị đã nỗ lực nâng cao điều kiện chăm sóc sức khỏe cho người dân địa phương. Trạm chú trọng nâng cao hiệu quả điều trị cho người bệnh, bằng việc trang bị các thiết bị chẩn đoán cận lâm sàng (như siêu âm, điện tim, Xquang) cũng như thực hiện nhiều kỹ thuật cao, được BHYT thanh toán cho người bệnh. Trạm còn thực hiện tốt liên thông xét nghiệm, như khi người bệnh cần xét nghiệm, đến trạm lấy mẫu và nhận kết quả tại trạm. Theo dõi liên tục tình trạng sức khỏe của từng cá nhân trong mỗi gia đình, từ đó thực hiện tư vấn sức khỏe tốt cho người bệnh và cộng đồng. 

Có thể thấy, phát triển mạng lưới y tế cơ sở cần sự vào cuộc mạnh mẽ của ngành chức năng và chính quyền địa phương các cấp để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu ngày càng cao của người dân. Khi mạng lưới trạm y tế phát huy hiệu quả hoạt động, dân tin, dân sẽ đến. 

THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết