14/10/2017 - 15:38

Phát triển hạ tầng xanh, tăng khả năng chống chịu cho Cần Thơ 

Tại Hội thảo “Tập huấn phát triển mô hình hạ tầng xanh cho cộng đồng” mới đây, các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia đã có định hướng phát triển không gian xanh đô thị cho TP Cần Thơ thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH). Các chuyên gia cho rằng, thành phố cần phát triển hạ tầng xanh để tăng khả năng chống chịu của thành phố trước BĐKH, hướng đến phát triển bền vững.

Quy hoạch không gian xanh đô thị

Theo Sở Xây dựng TP Cần Thơ, đất cây xanh trên địa bàn thành phố đạt khoảng 6-8m2/người, chiếm 7,6% đất dân dụng. Tuy nhiên, cây xanh tập trung và công viên lớn của thành phố còn ít, chủ yếu tại khu vực trung tâm cũ, những công viên ở quận Ninh Kiều.

TP Cần Thơ đang nỗ lực tạo mảng xanh đô thị. Trong ảnh: Cây xanh được trồng trên đường Nguyễn Văn Cừ. Ảnh: ANH KHOA

Sở Xây dựng thành phố đang thực hiện Quy hoạch phát triển cây xanh TP Cần Thơ, góp phần tạo cảnh quan đô thị, đề xuất mô hình phát triển thích ứng BĐKH và phù hợp với đô thị sông nước, tạo nét riêng cho TP Cần Thơ. Mô hình phát triển mới gồm: phát triển thành chuỗi các khu đô thị với bản sắc riêng của từng khu; phát triển không gian đô thị nén đan xen với mặt nước và dải cảnh quan xanh (sản xuất hay sinh thái) với quy mô phù hợp; đô thị hóa để gắn kết sự phát triển và nền cảnh quan hiện có.

Về ý tưởng, chuỗi đô thị dọc sông Hậu bố trí xen kẽ các cảnh quan cây xanh; hướng đi đường cao tốc song song sông Hậu được nắn lại để bảo tồn khu vườn cây ăn trái ở phía Tây Nam trung tâm thành phố; cảnh quan ở phía trên hai bờ và sông Hậu được bảo vệ với hệ thống cây xanh, kè chắn. Cây xanh ở khu đô thị Thốt Nốt và Ô Môn được nghiên cứu phù hợp nét đặc trưng của trục xương sống đại lộ với chiều dài hơn 50 km. Hệ thống bảo tồn cây xanh cảnh quan bao gồm: vườn cây ăn trái Phong Điền, dọc sông Hậu thuộc quận Ô Môn, Thốt Nốt và các cù lao. Xây dựng công viên chuyên đề dọc trục xương sống đô thị: công viên giải trí và nông nghiệp công nghệ cao sông Hậu. Tạo các không gian mở: giữ lại kênh rạch, hồ, tạo các vùng khả năng cho phép ngập nước. Vùng nông nghiệp đan xen giữa các khu đô thị và các vườn cây ăn trái…

Bà Nguyễn Kim Hoàng, Trưởng Phòng Hạ tầng Kỹ thuật, Sở Xây dựng TP Cần Thơ, nhấn mạnh: Định hướng phát triển không gian xanh thành phố rõ ràng cho 4 lĩnh vực: phát triển cây xanh vùng đô thị nội thành; định hướng phát triển đất nông nghiệp; phát triển vùng cây xanh cảnh quan, công viên chuyên đề và không gian mở; trục cây xanh chủ đạo trồng ở các tuyến đường chính mang tính liên vùng. Theo đề xuất, có khoảng 30 loại cây xanh thích hợp trồng trên đường phố và công viên, khu vực công cộng: sao đen, me tây, xà cừ, nhạc ngựa, me chua, giáng hương quả to, bằng lăng nước, móng bò trắng, phượng vỹ, hoàng hậu, mặc nưa, bàng đài loan, tràm bông đỏ, bàng lá vuông, bàng, bách tán, sa kê, cây đề, cây dừa, dừa dầu, lan tua, me, sữa, tếch, vú sữa, móc đùng đình…

 Giải pháp hạ tầng xanh

Những năm gần đây, tác động của đô thị hóa, thách thức của BĐKH tác động đến chất lượng cuộc sống người dân và phát triển bền vững của thành phố trong tương lai. Với những tác động của BĐKH: mức độ ngập của thành phố ngày càng nhiều, tình trạng khô hạn xảy ra và ảnh hưởng đến môi trường sống người dân tại khu vực trung tâm cũng như trong khu vực sản xuất nông nghiệp. Tình hình giảm mực nước ngầm diễn biến nhanh, lún sụt đất; môi trường không khí, tiếng ồn, bụi… tác động đến chất lượng cuộc sống. Quá trình kết hợp đầu tư, lồng ghép các chương trình còn thiếu tính đồng bộ, kinh nghiệm; việc kiểm soát để đảm bảo được sự đồng bộ và hiệu quả còn nhiều hạn chế…

Hội thảo “Tập huấn phát triển mô hình hạ tầng xanh cho cộng đồng” nhằm chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn từ các nhà khoa học, các đơn vị và tìm kiếm cơ hội cho TP Cần Thơ thông qua giải pháp “cơ sở hạ tầng xanh” gắn với Dự án Nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL. Đồng thời, nhằm giải quyết nhiều vấn đề đang là thách thức rất lớn đối với quá trình phát triển đô thị như: ngập lụt, ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái...; hướng đến phát triển một thành phố xanh - sạch - đẹp, nâng cao chất lượng môi trường sống cho dân cư đô thị.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thị Hồng Ánh cho rằng, thông qua hội thảo, thành phố mong muốn có các giải pháp và tiêu chí giúp thành phố chọn được các chủ đề và các cây trồng trên những tuyến đường để tạo được bản sắc riêng của ĐBSCL và TP Cần Thơ; chọn được những loại cây trồng phù hợp, mang lại hiệu quả chất lượng môi trường và mang lại giá trị kinh tế, ứng dụng vào các dự án trong thời gian tới.

Tiến sĩ Trần Văn Giải Phóng, chuyên gia Tổ chức ISET, cho rằng: Qua tham vấn cộng đồng, TP Cần Thơ đang chịu nhiều áp lực lớn: ngập úng có xu thế tăng, ô nhiễm môi trường nước, sạt lở bờ sông, nhiệt độ tăng, xâm nhập mặn, hạ tầng xuống cấp, hệ thống kênh rạch tự nhiên bị lấn chiếm… Cơ sở hạ tầng xanh chính là giải pháp trọng tâm của Chiến lược Chống chịu cho TP Cần Thơ. Đó là mạng lưới các không gian xanh và cơ sở hạ tầng được kết nối để thực hiện chức năng như một hệ sinh thái tự nhiên nhằm mang lại những lợi ích cho con người. Các lợi ích của hạ tầng xanh gồm: đóng góp vào việc giảm áp lực ngập lụt đô thị, cải thiện chất lượng nước, góp phần giảm sụt lún, cải thiện vi khí hậu, góp phần vào đa dạng sinh học, tạo cơ hội về giao thông và hoạt động ngoài trời.

Theo Tiến sĩ Trần Văn Giải Phóng, phát triển hạ tầng xanh với mục đích giảm lũ cần lưu ý trữ nước và giữ nước đô thị phải mang tính phi tập trung cao; kết hợp giữa các giải pháp công trình-hệ sinh thái, thể chế và xã hội; kết nối cũng là yếu tố then chốt của hạ tầng xanh. Hạ tầng xanh phụ thuộc vào địa hình, bối cảnh của từng địa phương; tuân theo các nguyên lý về sử dụng đất và khoa học về thủy văn; mang lợi ích chung cho cả tự nhiên và con người…

Nhiều chuyên gia tham gia hội thảo cũng cho rằng, hạ tầng xanh rất cần thiết vì giúp nhiều cho thành phố về cảnh quan môi trường, giảm tiếng ồn, đa dạng sinh học, giảm tình trạng ngập úng, giảm năng lượng sử dụng và nhiệt độ có thể giảm từ 2-8oC, tăng cường thu hút đầu tư và phát triển du lịch cho thành phố. TP Cần Thơ cần có tầm nhìn, mục tiêu cụ thể về hạ tầng xanh; nâng cao năng lực, thể chế chính sách; phối hợp thực hiện đồng bộ và có sự tham vấn cộng đồng.

“Mong muốn của TP Cần Thơ là nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và phát triển theo hướng bền vững. Song song đó, phát triển kinh tế-xã hội đóng góp rất lớn vào nâng cao cuộc sống người dân, không vì nhu cầu phát triển kinh tế mà bỏ qua việc bảo vệ môi trường. Bằng mọi cách phải hướng đến khắc những hiện trạng chưa đạt được và có những giải pháp hiệu quả để đảm bảo cho cuộc sống người dân, cho chất lượng phát triển của thành phố theo hướng bền vững...”- Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thị Hồng Ánh chia sẻ.

ANH KHOA

Chia sẻ bài viết