29/09/2018 - 16:05

Phát triển giáo dục đại học ngoài công lập 

Tháng 3-2006, trường đại học tư thục đầu tiên ở ĐBSCL ra đời - Đại học Tây Đô, mở ra giai đoạn mới cho giáo dục - đào tạo ngoài công lập ở TP Cần Thơ và ĐBSCL. Đến nay, số trường đại học ngoài công lập ở Cần Thơ là 2 trường, 1 phân hiệu đại học, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của nhân dân đồng bằng.

Đa dạng hóa ngành nghề đào tạo

Theo đánh giá của lãnh đạo các trường đại học ngoài công lập, thì nguồn lực, ngành nghề đào tạo của các trường đã tăng gấp hai, gấp ba lần so với thời gian đầu thành lập. Đơn cử như Trường Đại học Tây Đô, từ 1.300 sinh viên theo học vài ngành đại học ở năm học đầu tiên, thì nay có hơn 7.100 sinh viên theo học 19 ngành đại học. Trường có 698 cán bộ, trong đó có 612 giảng viên (trên 70% có trình độ sau đại học). Với Phân hiệu Đại học FPT Cần Thơ, từ khóa đầu tiên chỉ hơn 400 sinh viên theo học 7 chuyên ngành, thì nay đã có hơn 1.200 sinh viên, với nhiều ngành thuộc các lĩnh vực: công nghệ thông tin, ngôn ngữ, kinh tế, mỹ thuật ứng dụng...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu cắt băng khánh thành Khu Tổ hợp Đại học FPT và Công viên phần mềm FPT tại Cần Thơ. 

Trường Đại học Nam Cần Thơ phát triển vượt bậc: Từ hơn 750 sinh viên năm học đầu tiên (2013-2014), đến nay có hơn 10.000 sinh viên ở 21 chuyên ngành đại học; với 556 cán bộ, giảng viên. Số giảng viên có trình độ sau đại học chiếm 80%. Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Quang, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, trong 21 ngành đào tạo đại học, có một số ngành đang thu hút thí sinh: nhóm ngành sức khỏe có ngành Y khoa (mở năm 2018); nhóm ngành kỹ thuật - công nghệ có ngành công nghệ kỹ thuật ô tô… Tiến sĩ Quang nói thêm: Bên cạnh ngành Y khoa, năm nay trường đã liên kết với Đại học Khoa học - Công nghệ Malaysia tuyển sinh khóa đầu tiên bậc đại học ngành Quản trị kinh doanh. Dự kiến năm 2019, trường sẽ mở thêm ngành Cơ khí động lực, vốn đang rất cần trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước”. Theo PGS.TS Trần Công Luận, Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Đô, năm học 2018-2019, trường tập trung đổi mới các chương trình đào tạo, xây dựng chương trình đào tạo chất lượng cao để chuẩn hóa “sản phẩm đầu ra” nhằm góp phần vào giáo dục cả nước và hội nhập quốc tế. Quan trọng hơn, tiếp tục mở thêm ngành đào tạo mới bậc đại học và sau đại học phù hợp với nhu cầu nguồn nhân lực tại ĐBSCL và cả nước.

Đầu tư mạnh mọi nguồn lực

Việc đầu tư cơ sở vật chất là một trong các yếu tố tối cần thiết của một cơ sở giáo dục đại học. Đó là động lực để sau hơn 10 năm, cơ sở vật chất của các trường có tốc độ phát triển vượt bậc. Như Trường Đại học Tây Đô, sau 12 năm, trên mảnh đất 12,6 ha tại 2 phường (Lê Bình và Hưng Thạnh) của quận Cái Răng của trường đã xuất hiện nhiều tòa nhà khang trang, hiện đại: Dãy nhà học F (1 trệt 5 lầu), nhà học chữ U (1 trệt 3 lầu), dãy B; cùng với hệ thống phòng chức năng, thư viện, phòng máy vi tính, dãy phòng thí nghiệm… đáp ứng học tập, nghiên cứu khoa học cho hơn 7.100 sinh viên. Lãnh đạo Trường Đại học Tây Đô  cho biết: Vừa qua, Hội đồng quản trị nhà trường đã thông qua kinh phí hơn 10 tỉ đồng để mua mới các trang thiết bị thực hành hiện đại phục vụ cho ngành Dược và mua sắm, trang bị, các thiết bị hiện đại, chất lượng cho các phòng thí nghiệm, phòng học, hóa chất thí nghiệm… phục vụ cho sinh viên. 

Tương tự, sau hơn 5 năm, cơ sở vật chất, phòng học, thiết bị thực hành của Trường Đại học Nam Cần Thơ ngày càng khang trang, hiện đại. Giai đoạn 1 (2013-2017), trường đã đầu tư khoảng 565 tỉ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị. Giai đoạn 2018-2023, trường dự kiến đầu tư khoảng 2.000 tỉ đồng cho các dự án như: xây dựng Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ, showroom ô tô, khách sạn tiêu chuẩn 4 sao, khu nghỉ dưỡng, khu du lịch sinh thái... Lãnh đạo nhà trường cho biết: Ngoài việc phục vụ kinh doanh, các dự án này còn hỗ trợ hoạt động giảng dạy và thực hành, nghiên cứu khoa học của giảng viên, sinh viên. Trong đó, bệnh viện sẽ là nơi giúp sinh viên ngành khoa học sức khỏe có điều kiện thực tập, hoàn thiện kiến thức và kỹ năng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ Lê Văn Tâm (thứ 2 từ trái qua) tham quan Xưởng cơ khí ô tô, Trường Đại học Nam Cần Thơ.  

Mới đây (tháng 8-2018), Tập đoàn FPT khánh thành Dự án Tổ hợp Đại học và Công viên Phần mềm FPT, tổ hợp giáo dục - công nghệ cao đầu tiên tại ĐBSCL (tổng vốn đầu tư 1.170 tỉ đồng). Dự án có quy mô 17,4 ha, đáp ứng nhu cầu học tập và làm việc của 10.000 sinh viên và 5.000 cán bộ, nhân viên. Đến tháng 8-2018, dự án này đã hoàn thành giai đoạn 1, với kinh phí trên 200 tỉ đồng, gồm 60 phòng học, thư viện, hội trường… có thể đáp ứng nhu cầu cho 3.000 sinh viên. Dự kiến năm 2019, dự án tiếp tục triển khai xây dựng tòa nhà Gama, trường THPT nội trú và khu ký túc xá…

Gắn kết đào tạo với thực tiễn

Song song với đầu tư cơ sở vật chất, các trường đẩy mạnh đổi mới chương trình, nội dung đào tạo; đặc biệt là sự gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với thực tiễn hoạt động sản xuất, qua đó giúp các trường giải quyết hiệu quả “đầu ra”. Theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ Nguyễn Văn Quang, trường đã có khóa sinh viên đầu tiên ra trường, với trên 60% sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp. Đây là kết quả gắn kết giữa trường và doanh nghiệp. Hiện trường đã ký kết hợp tác chiến lược với Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Nam Miền Nam, TaTa International, Isuzu… Trong đó, theo thỏa thuận hợp tác, Tập đoàn Vingroup cam kết tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin của trường trong vòng 10 năm tới. Giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, cho biết thêm: Định hướng phát triển của trường theo mô hình doanh nghiệp trong trường học, nhằm đào tạo các kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng mềm liên tục cho sinh viên ngay từ năm thứ nhất cho đến khi tốt nghiệp ra trường. Qua đó, giúp các em thực sự quen thuộc với môi trường làm việc của doanh nghiệp, đơn vị. Sinh viên có thể tham gia làm việc như một nhân viên chính thức sau khi tốt nghiệp.

Bên cạnh 3 trường đại học công lập (Đại học Cần Thơ, Đại học Y Dược Cần Thơ, Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ), hệ thống trường đại học ngoài công lập trên địa bàn TP Cần Thơ đang phát triển với 2 trường là Đại học Tây Đô, Đại học Nam Cần Thơ; 1 phân hiệu đại học FPT (thuộc Tập đoàn FPT). Dự kiến đến năm 2020, thành phố có thêm Trường Đại học Đại Việt… Quy mô đào tạo của các trường ngoài công lập hiện khoảng 20.000 sinh viên; với ngành nghề đa dạng, phong phú, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ĐBSCL.

Tại lễ khánh thành giai đoạn 1 Khu Tổ hợp Đại học và Công viên Phần mềm FPT tại Cần Thơ trong tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao mô hình dự án Tổ hợp đại học và công viên phần mềm, gắn kết hữu cơ giữa đào tạo, nghiên cứu kiến thức trên giảng đường với đào tạo, thực hành kỹ năng thực tiễn trong hoạt động sản xuất kinh doanh cho sinh viên công nghệ thông tin cũng như các ngành khác của Đại học FPT. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Đây là mô hình hiệu quả đối với đào tạo các lĩnh vực công nghệ mới, giúp sinh viên có kỹ năng và kinh nghiệm thực tiễn, đáp ứng yêu cầu tuyển sinh; giúp trường định hướng đào tạo tốt hơn, kịp thời điều chỉnh nội dung, chương trình đào tạo thích ứng với nhu cầu của thị trường nhân lực… “Lãnh đạo trường cần có khát vọng, tầm nhìn, đặt mục tiêu trở thành một trường đại học lớn, một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học, công nghệ hàng đầu ở Việt Nam. Trong đó, phân hiệu Đại học FPT Cần Thơ phải là nơi cung cấp nguồn nhân lực về khoa học công nghệ, đặc biệt là nhân lực số cho các lĩnh vực có tăng trưởng cao như nông nghiệp, công nghệ cao, du lịch của vùng ĐBSCL và tiến tới cho cả khu vực Mekong. Các bộ, ngành và địa phương, cần xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn; đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi và đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ, mục tiêu phát triển nguồn nhân lực số cho nhu cầu của ngành, lĩnh vực, địa phương và của quốc gia”, Thủ tướng chỉ đạo.

Bài, ảnh: Bích Kiên

Chia sẻ bài viết