18/11/2017 - 10:53

Phát triển đồng bằng sông Cửu Long bền vững, an toàn và thịnh vượng 

(CTO)- Ngày 17-11-2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH). 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trao đổi với lãnh đạo các tỉnh, thành vùng ĐBSCL bên lề “Hội nghị Diên Hồng” ngày 26 và 27-9-2017. Ảnh: V.CÔNG 

Mục tiêu đến năm 2050, ĐBSCL trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước; thu nhập trung bình đầu người đạt cao hơn trung bình cả nước, sinh kế người dân được đảm bảo; tỷ trọng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm hơn 80%, độ che phủ rừng đạt hơn 9% (so với 4,3% hiện nay).

Mạng lưới hạ tầng kinh tế- xã hội được xây dựng đồng bộ, hiện đại. Hệ thống đô thị hiện đại đươc xây dựng và phân bố hợp lý tại các tiểu vùng. Hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy được phát triển đồng bộ, kết nối trong vùng, liên vùng và phải bảo đảm kết hợp hài hòa, thống nhất, bổ trợ và không xung đột với hệ thống thủy lợi, đê điều. Hạ tầng thủy lợi được xây dựng đồng bộ phù hợp với mô hình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng BÐKH tại các tiểu vùng sinh thái, đồng thời phải có biện pháp hiệu quả phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho dân sinh và nền kinh tế…

Quan điểm chỉ đạo phát triển ĐBSCL của Chính phủ với nhiều nội dung, trong đó thay đổi tư duy phát triển, tôn trọng quy luật tự nhiên, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên. Về chủ trương và định hướng chiến lược phát triển vùng phải xác định BĐKH là xu thế tất yếu. Lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, là cơ sở cho việc hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển vùng, cần phải được quản lý tổng hợp trên toàn lưu vực. Bên cạnh tài nguyên nước ngọt, cần coi nước lợ, nước mặn cũng là nguồn tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế. Chú trọng phát triển vùng duyên hải, vùng đặc quyền kinh tế và vị trí địa chính trị của đồng bằng.

Xác định Mô hình phát triển ÐBSCL phải lấy con người làm trung tâm, phục vụ người dân, giảm khoảng cách giàu nghèo; chú trọng về chất lượng hơn số lượng, chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, tiếp cận chủ động, linh hoạt trong bối cảnh BÐKH diễn ra nhanh, ngày càng cực đoan...; chú trọng bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử, đa dạng sinh học, môi trường sinh thái của vùng.

Chuyển đổi mô hình phát triển phải dựa trên hệ sinh thái, bảo đảm phù hợp với điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, con người và các quy luật tự nhiên; kết hợp giữa công nghệ tiên tiến, hiện đại với tri thức, kinh nghiệm truyền thống, bảo đảm tính ổn định và sinh kế của người dân, trong đó người dân và doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm, Nhà nước đóng vai trò định hướng, dẫn dắt. Thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và hỗ trợ khởi nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nhất là thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Quá trình chuyển đổi cần có tầm nhìn dài hạn, ưu tiên cho thích ứng BÐKH.

Tăng cường hợp tác liên kết phát triển giữa các địa phương trong vùng, giữa vùng với TP HCM, các tỉnh miền Đông Nam bộ các vùng khác trong cả nước... Mọi hoạt động đầu tư phải được điều phối thống nhất, bảo đảm tính liên vùng, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình hợp lý, trong đó trước mắt tập trung ưu tiên các công trình cấp bách, các công trình có tính chất động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế toàn vùng, các công trình thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân. Phải chú trọng và chủ yếu áp dụng các giải pháp phi công trình, đồng thời thực hiện tốt các giải pháp công trình.

Chủ động hội nhập quốc tế, tăng cường hợp tác với các nước Tiểu vùng sông Mekong trên cơ sở cùng có lợi, thông qua các sáng kiến hợp tác vùng và hợp tác song phương, nhằm cùng nhau sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trong lưu vực sông Mekong...

Xây dựng cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo 3 trọng tâm: thủy sản- cây ăn quả- lúa gắn với các tiểu vùng sinh thái, trong đó coi thủy sản (nước ngọt, nước mặn, nước lợ) là sản phẩm chủ lực. Phát triển công nghiệp xanh. Phát triển du lịch- dịch vụ dựa trên tiềm năng, lợi thế… Tiếp tục hoàn thiện cơ chế điều phối phát triển vùng và tiểu vùng sinh thái để nâng cao hiệu quả, thực chất, thu gọn đầu mối.

Nghị quyết cũng đề ra các giải pháp tổng thể cũng như giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, cơ quan liên quan để phát triển ÐBSCL thích ứng BÐKH. Theo đó, tầm nhìn đến năm 2100, ĐBSCL phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng. Nghị quyết của Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, cơ quan liên quan tổ chức thực hiện trên cơ sở ban hành các đề án, kế hoạch liên quan.

(Xem toàn văn Nghị quyết)

SONG NGUYÊN

Chia sẻ bài viết