17/11/2012 - 15:36

TP CẦN THƠ

Phát triển đô thị trước thách thức biến đổi khí hậu

Ngập nghẹt ở một số tuyến đường trong nội ô TP Cần Thơ vào các đợt triều cường gây không ít khó khăn cho người dân khi tham gia
giao thông.
 

Để góp phần hỗ trợ TP Cần Thơ giải quyết tình trạng ngập nghẹt, cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ở các khu dân cư thu nhập thấp, kể từ năm 2005, Ngân hàng Thế giới (WB) đã tài trợ cho Dự án Nâng cấp đô thị tại TP Cần Thơ. Qua quá trình triển khai dự án, diện mạo đô thị Cần Thơ đã có những thay đổi đáng kể , chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng lên. Mới đây, trong buổi làm việc với UBND TP Cần Thơ về Dự án Nâng cấp đô thị tại Cần Thơ, lãnh đạo WB cho rằng, ngoài việc đảm bảo dự án hoàn thành đúng thời hạn vào năm 2014, ngay từ bây giờ, TP Cần Thơ cần xác định tầm nhìn chiến lược để phát triển đô thị bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng,…

* Phát triển đô thị và những thách thức

Vào các đợt triều cường, mưa lũ, người dân sống trong khu vực nội ô TP Cần Thơ thường xuyên phải đối mặt với tình trạng ngập nghẹt, việc lưu thông gặp không ít khó khăn, môi trường sống bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, kể từ năm 2005, khi Dự án Nâng cấp đô thị TP Cần Thơ được triển khai từ nguồn hỗ trợ vốn của WB, nhiều con đường, tuyến hẻm và nhà dân không còn cảnh ngập nghẹt như trước đây. Tình trạng bồi lắng, ô nhiễm môi trường của một số kênh rạch đã được cải thiện. Ông Lê Văn Tiển, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Nâng cấp đô thị TP Cần Thơ, cho biết: "Giai đoạn 1 của Dự án Nâng cấp đô thị TP Cần Thơ đã hoàn thành và giai đoạn 2 đang trong quá trình triển khai. Từ nguồn vốn đầu tư của dự án, đến nay 233 hẻm với tổng chiều dài 40.883m cùng 5km đường đô thị và 4km kênh rạch thuộc nội ô TP Cần Thơ đã được nâng cấp, cải tạo hoàn chỉnh. Dự án đã hoàn thành việc cải tạo kênh và hồ Xáng Thổi với tổng diện tích 6,5ha; hoàn thành khu tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án với tổng diện tích 16,76ha cùng 1.556 lô nền. Tổng vốn giải ngân từ đầu dự án đến tháng 10-2012 hơn 20,3 triệu USD, đạt 80% so với Hiệp định ban đầu".

Mặc dù Dự án Nâng cấp đô thị đã làm thay đổi diện mạo của TP Cần Thơ theo hướng văn minh, hiện đại, giảm thiểu tình trạng ngập nghẹt, ô nhiễm môi trường trên các tuyến sông, kênh, rạch. Song, theo các ngành chức năng, TP Cần Thơ vẫn tiếp tục đối mặt với thách thức của quá trình đô thị hóa, khi dân cư ngày càng tập trung đông ở khu vực đô thị. Ngoài ra, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp là vấn đề khiến các nhà khoa học và ngành chức năng thành phố phải đặc biệt lưu tâm trong quá trình quy hoạch phát triển đô thị. Theo Văn phòng Công tác biến đổi khí hậu TP Cần Thơ, qua các nghiên cứu cho thấy, nguy cơ ngập nước của TP Cần Thơ khá cao, phía Bắc ngập do lũ sông Mekong, còn phía Nam ngập do thủy triều biển Đông. Xét về điều kiện địa hình, TP Cần Thơ chỉ có 0,4% diện tích đất tự nhiên là cao hơn 2m so với mực nước biển. Đa phần diện tích còn lại nằm ở mức 0,5-1,5m so với mực nước biển. Trong đó, phần diện tích cao hơn mực nước biển từ 0,5-1m chiếm đến 67,1%; phần diện tích cao hơn mực nước biển từ 1-1,5m chiếm 17,9%).

Trong quá trình đô thị hóa, TP Cần Thơ phát triển khu dân cư tại các vùng đất thấp, nhiều sông rạch trong nội ô thành phố bị san lấp, bồi lắng là nguyên nhân gây ngập nghẹt, tắc nghẽn dòng chảy, ô nhiễm môi trường. Bà Zoubida Allaoua, Giám đốc Cơ quan Tài chính Kinh tế và Phát triển đô thị, Mạng lưới phát triển bền vững (SDN) của WB, cho rằng: "Đô thị hóa được xem là tiến trình đáng khuyến khích, góp phần tạo ra việc làm và thúc đẩy sự phát triển của các quốc gia. Vấn đề quan trọng là các địa phương cần phải có những quy hoạch cụ thể để phát triển đô thị bền vững gắn với việc đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người dân. Đối với TP Cần Thơ, việc đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị phải đặt trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời, phải tranh thủ các nguồn lực tài chính để các dự án phát triển đô thị được triển khai hiệu quả trong tương lai".

* Tầm nhìn dài hạn

Đánh giá về khả năng giảm ngập tự nhiên của TP Cần Thơ, Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, Chánh Văn phòng Công tác biến đổi khí hậu TP Cần Thơ cho rằng, hệ sông rạch của Cần Thơ có mật độ cao, trung bình là 2km sông rạch/1km2 diện tích đất. Khả năng thoát nước của sông Hậu là 20.000m3/giây. Địa hình tự nhiên này giúp TP Cần Thơ thoát nước nhanh vào các đợt triều cường, mưa lũ, song kèm theo bất lợi là ngập triều nhanh, xâm nhập mặn dễ dàng. Vì vậy, đối với các nguyên nhân về địa hình giải pháp đề xuất là cần đo đạc bản đồ địa hình mặt đất chính xác theo thực tế, làm cơ sở cho các kế hoạch ứng phó ngập và biến đổi khí hậu. Với nguyên nhân ngập do biến đổi khí hậu (mưa lớn, lũ mạnh, nước biển dâng...) giải pháp đề xuất là quy hoạch vùng trữ nước và hệ kênh rạch, đê bao chủ động điều tiết nước. Đối với những khó khăn tại chỗ như cơ sở hạ tầng yếu, mất nơi trữ nước cần được giải quyết bằng cách kết hợp quy hoạch của thành phố với quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL; quy hoạch xây dựng và cải tạo công trình xử lý chất thải, bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên nước.

Bà Zoubida Allaoua, Giám đốc Cơ quan Tài chính Kinh tế và Phát triển đô thị, Mạng lưới phát triển bền vững (SDN) của WB cho rằng, cùng với quá trình đô thị hóa, TP Cần Thơ đang đối mặt với thách thức biến đổi khí hậu và các hiểm họa khác từ thiên nhiên. Do đó, song song với việc tiếp tục triển khai Dự án Nâng cấp đô thị giai đoạn 2, TP Cần Thơ cần có những nghiên cứu chuyên sâu, xây dựng các quy hoạch tổng thể và hoạch định các cơ chế, chính sách nhằm khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên đất, tài nguyên nước. Bên cạnh đó, cần có những đánh giá về những rủi ro trong quá trình phát triển đô thị gắn với biến đổi khí hậu và đề ra giải pháp quản lý rủi ro. Quá trình đánh giá và quản lý rủi ro sẽ là cơ sở để TP Cần Thơ có những đề xuất cụ thể, xác thực nhằm thuyết phục nhà đầu tư sẵn sàng đầu tư nguồn lực phục vụ yêu cầu phát triển đô thị của thành phố trong tương lai.

Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo WB, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ - Nguyễn Thanh Sơn, cho biết: Dự án Nâng cấp đô thị TP Cần Thơ do WB tài trợ đã hoàn thành giai đoạn 1, ở giai đoạn 2, thành phố đang nỗ lực huy động nguồn vốn đối ứng để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án và phấn đấu sẽ hoàn thành vào năm 2014. Đặc biệt, đối với TP Cần Thơ, vấn đề chống ngập gắn với phát triển đô thị bền vững được xem là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Vì vậy, TP Cần Thơ đã xây dựng Quy hoạch chống ngập cho thành phố và xây dựng các dự án liên quan đến lĩnh vực phát triển hạ tầng đô thị. Về lâu dài, thành phố mong muốn được WB tiếp tục hỗ trợ cho các công trình nghiên cứu chuyên sâu về giải pháp chống ngập cho đô thị, đồng thời tiếp tục đầu tư cho thành phố để triển khai hiệu quả các dự án phát triển đô thị Cần Thơ trong tương lai theo hướng bền vững gắn với việc ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết