29/11/2017 - 20:39

Phát triển công nghệ thông tin, rút ngắn khoảng cách với các nước tiên tiến 

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) nhận định, sau hơn 10 năm thực thi Luật Công nghệ thông tin (CNTT) năm 2006, đến nay ứng dụng CNTT đã được triển khai rộng khắp, góp phần hiệu quả trong vận hành hệ thống kinh tế - xã hội của đất nước, tạo tiền đề cho xây dựng chính phủ điện tử tại Việt Nam... Xu thế ứng dụng CNTT sẽ tiếp tục mang đến nhiều tiềm năng phát triển đột phá cho Việt Nam, cơ hội để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế-xã hội, rút ngắn khoảng cách với các nước tiên tiến trên thế giới và đặc biệt là trong lĩnh vực CNTT.

Đời sống CNTT...

Hơn 10 năm qua, Luật CNTT đã đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển của ngành CNTT. Hiện nay, tình hình phát triển đất nước và chính lĩnh vực CNTT đã có nhiều thay đổi “bắt nhịp” với đà phát triển của thế giới.

Thế giới đã bước sang thập niên thứ hai của thế kỷ 21 với nhiều thay đổi cơ bản về khoa học, công nghệ và mức độ cạnh tranh. Đã xuất hiện hàng loạt xu hướng công nghệ mới có tính đột phá, những mô hình sản xuất, kinh doanh tiên tiến trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nền kinh tế số.

Tại Việt Nam, nhu cầu ứng dụng và phát triển CNTT, năng lực quản lý và trình độ dân trí cũng đã được nâng cao. Với tầm quan trọng của ngành CNTT, Đảng và Nhà nước ta đã xác định CNTT là một trong những công cụ hữu hiệu tạo lập phương thức phát triển mới, mang lại động lực để phát triển đất nước, là hạ tầng của hạ tầng kinh tế - xã hội.

Hạ tầng CNTT đáp ứng yêu cầu ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước và xã hội. Ảnh: Q.H

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho rằng: Môi trường pháp lý cho ứng dụng và phát triển CNTT ngày càng hoàn thiện. Nhiều nghị định, thông tư và các văn bản hướng dẫn cụ thể đã được ban hành. Hạ tầng CNTT đã cơ bản đáp ứng yêu cầu ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước và xã hội. Đến nay, tất cả các bộ, ngành, địa phương đã có cổng thông tin điện tử để cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp.

Công nghiệp CNTT và đặc biệt là công nghiệp phần cứng điện tử, công nghiệp phần mềm và nội dung số duy trì tốc độ tăng trưởng cao, bình quân gần 30%/năm, đóng góp tỷ lệ quan trọng cho tăng trưởng GDP đất nước. Một số khu công nghiệp CNTT tập trung đã được hình thành và  phát triển.

Tổng doanh thu lĩnh vực công nghiệp CNTT năm 2016 ước đạt 67,7 tỉ USD. Sau hơn 10 năm, việc phổ cập CNTT trong xã hội đã có nhiều kết quả ấn tượng, tỷ lệ người dân Việt Nam được “phổ cập” Internet đã đạt hơn 52%, vượt mức bình quân của thế giới.

Chính sách thông thoáng, thuận lợi phát triển CNTT

Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết, Bộ đã khẳng định các yêu cầu cấp bách của việc đổi mới các hoạt động quản lý nhà nước trong giai đoạn tới là phải gắn kết chặt chẽ với hoạt động ứng dụng CNTT.

Đồng thời, Bộ cũng nhận định cơ hội là rất lớn từ xu thế công nghệ mới như Internet vạn vật, thành phố thông minh, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mang lại cho Việt Nam. Xu thế này sẽ mang đến tiềm năng phát triển đột phá cho Việt Nam, cơ hội để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, rút ngắn khoảng cách với các nước tiên tiến trên thế giới và đặc biệt là trong lĩnh vực CNTT.

Cũng theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, để nắm bắt cơ hội này, cần xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về CNTT hiện đại, thông thoáng, thuận lợi cho việc triển khai các hoạt động ứng dụng CNTT, thúc đẩy đổi mới sáng tạo phát triển công nghiệp CNTT, khuyến khích các mô hình đầu tư phù hợp để thu hút nguồn lực cho phát triển, những giải pháp về sản phẩm số, các mô hình kinh doanh có tính đột phá.

Trong thời gian tới, các đơn vị của Bộ, các doanh nghiệp cần tiếp tục chủ động nghiên cứu về định hướng phát triển công nghệ để đưa ra các chính sách quản lý nhà nước phù hợp với xu thế phát triển chung trên toàn thế giới. Bộ cũng sẽ chủ động kết nối giao thương CNTT với các nước; đồng thời đẩy mạnh thông tin, truyền thông để kết nối các nhà đầu tư trong nước và quốc tế trong lĩnh vực này...

ANH KHOA

Chia sẻ bài viết