17/11/2018 - 15:27

Phát triển chiếu sáng ở các đô thị ĐBSCL 

Mới đây, tại Hội nghị Chiếu sáng khu vực ĐBSCL lần thứ III năm 2018, do Chi hội Chiếu sáng khu vực ĐBSCL tổ chức, các nhà quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp đã đánh giá tình hình hoạt động chiếu sáng đô thị ở khu vực ĐBSCL; định hướng phát triển chiếu sáng ở các đô thị để đảm bảo chất lượng và hiệu quả cao, tiết kiệm năng lượng. Các đại biểu cũng đề xuất, các địa phương cần tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch tổng thể và chi tiết về chiếu sáng đô thị, có kế hoạch đầu tư phát triển bền vững, chủ động được nguồn vốn đầu tư.

Chiếu sáng ở khu vực ĐBSCL đang dần chuyển dịch sang sử dụng công nghệ đèn led. Trong ảnh: Doanh nghiệp giới thiệu các thiết bị đèn led tiết kiệm điện năng và chiếu sáng hiệu quả. Ảnh: ANH KHOA

Khó khăn về đầu tư hệ thống chiếu sáng đô thị

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng cho rằng: Hội nghị Chiếu sáng khu vực ĐBSCL được Chi hội tổ chức hằng năm và luân phiên để thảo luận những vấn đề về giải pháp phát triển công tác chiếu sáng, những định hướng cơ bản để phát triển chiếu sáng chất lượng và hiệu quả cao tại các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL trong thời đại công nghiệp 4.0. Qua đó, đáp ứng nhu cầu phát triển công tác chiếu sáng của ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng.

Theo Chi hội Chiếu sáng khu vực ĐBSCL - Hội Chiếu sáng Việt Nam, lĩnh vực chiếu sáng đô thị khu vực ĐBSCL đã góp phần tạo cảnh quan đô thị, đảm bảo an toàn giao thông, tăng cường an ninh trật tự, giảm tệ nạn xã hội, thúc đẩy giao thương, tăng trưởng kinh tế trong khu vực… Đến nay, toàn khu vực có 152.807 bộ đèn chiếu sáng các loại và 30.823 bộ đèn led trang trí. Trong đó, chiếu sáng đường phố có 95.720 bộ đèn cao áp, 6.623 bộ đèn led chiếu sáng, tổng công suất 19.452kW, tỷ lệ chiếu sáng đô thị đạt 99%; chiếu sáng ngõ xóm có 32.471 đèn compact và 17.993 đèn huỳnh quang, tổng công suất 1.792kW, tỷ lệ chiếu sáng ngõ xóm đạt 79%; chiếu sáng trang trí đô thị có 30.823 bộ đèn led, tổng công suất 9.438kW, sử dụng hiệu ứng màu sắc ánh sáng tạo sự đa dạng về ý tưởng và mô hình thiết kế…

Quá trình phát triển chiếu sáng ở khu vực ĐBSCL đã dần chuyển dịch sang sử dụng công nghệ đèn led, với những ưu việt về hiệu suất phát quang, độ kín quang học, tuổi thọ, tiết giảm điện năng. Các địa phương cũng hướng dần đến tối ưu hóa hệ thống chiếu sáng công cộng kết hợp đầu tư lưới điện (trụ điện, móng trụ, dây dẫn…), đây là bước chuẩn bị, cơ sở cho việc ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào lĩnh vực chiếu sáng đô thị trong thời gian tới.

Tuy nhiên, các thành viên Chi hội Chiếu sáng khu vực ĐBSCL cho rằng, thực tế hiện nay đa phần các địa phương trong khu vực vẫn chưa có quy hoạch chiếu sáng đô thị được duyệt hoặc chưa được tổ chức lập quy hoạch, từ đó khi triển khai kế hoạch đầu tư phát triển chiếu sáng công cộng đô thị gặp rất nhiều khó khăn do kinh phí hạn hẹp và không có kế hoạch đầu tư trung hạn, dài hạn. Ngoài ra, cơ chế chính sách còn nhiều bất cập, nên việc kêu gọi đầu tư phát triển lĩnh vực chiếu sáng đô thị chưa thật sự thu hút các tổ chức, cá nhân và các thành phần kinh tế tham gia để xã hội hóa trong đầu tư lĩnh vực này; các dự án, công trình chiếu sáng đô thị phần lớn chỉ được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Tìm giải pháp phát triển

Ông Lâm Hữu Tùng, Phó Chủ tịch Hội Chiếu sáng Việt Nam, Chi hội trưởng Chi hội Chiếu sáng khu vực ĐBSCL, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công trình đô thị Sóc Trăng, cho rằng: Thời gian tới, Chi hội Chiếu sáng khu vực ĐBSCL kiến nghị Hội Chiếu sáng Việt Nam đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét, có lộ trình thu phí bảo trì vận hành hệ thống chiếu sáng đèn đường để giảm chi phí ngân sách nhà nước hằng năm. Chính quyền các địa phương cần tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch tổng thể những khu vực chưa có hệ thống chiếu sáng và chi tiết về chiếu sáng đô thị, để có kế hoạch đầu tư phát triển bền vững, chủ động được nguồn vốn đầu tư; bố trí kinh phí đầy đủ để đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng.

Chiếu sáng ở khu vực ĐBSCL đang dần chuyển dịch sang sử dụng công nghệ đèn led. Trong ảnh: Doanh nghiệp giới thiệu các thiết bị đèn led tiết kiệm điện năng và chiếu sáng hiệu quả. Ảnh: ANH KHOA

Theo ông Trần Đình Bắc, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hội Chiếu sáng Việt Nam, định hướng phát triển chiếu sáng đảm bảo chất lượng và hiệu quả cao tại các đô thị thuộc ĐBSCL đến năm 2025 cần đảm bảo nhiều yếu tố. Đó là: phát triển chiếu sáng tại các đô thị phải gắn liền với sự phát triển chung của đô thị, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đảm bảo văn minh đô thị. Phát triển chiếu sáng đô thị thuộc vùng ĐBSCL cần kết hợp cải tạo với xây dựng mới, đồng bộ với các hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị; nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, nhất là việc khai thác, sử dụng nguồn năng lượng mới và năng lượng tái tạo (ĐBSCL có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời…) trong hoạt động chiếu sáng đô thị nhằm tiết kiệm điện-năng lượng và bảo vệ môi trường. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư, sản xuất và sử dụng các sản phẩm chiếu sáng hiệu suất cao tiết kiệm điện…

Các địa phương ĐBSCL cũng đang nỗ lực đảm bảo hệ thống chiếu sáng cho khu vực đô thị. Theo Công ty cổ phần Đô thị Cần Thơ, hiện công ty hợp đồng thực hiện duy tu sửa chữa hệ thống đèn chiếu sáng công cộng trên địa bàn quận Ninh Kiều và 3/7 phường của quận Cái Răng; các quận, huyện còn lại của thành phố do các đơn vị khác thực hiện. Tại quận Ninh Kiều, công ty thực hiện duy tu với chiều dài tuyến 244 km (213 tuyến đường và 420 tuyến hẻm), 213 trạm chiếu sáng, 2.686 trụ các loại, 10.752 bóng đèn các loại và 31 chốt đèn tín hiệu giao thông… Công ty kiến nghị công tác quản lý hệ thống chiếu sáng công cộng trong phạm vi toàn thành phố nên thống nhất giao cho một cơ quan quản lý Nhà nước; Bộ Xây dựng sớm điều chỉnh và bổ sung một số công tác trong định mức duy trì hệ thống chiếu sáng, xây dựng cơ chế chính sách huy động vốn góp của người dân, cùng nhà nước thực hiện đầu tư xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp chiếu sáng ngõ, hẻm trong các quận, huyện.

Chiếu sáng đô thị là một thành phần cấu thành không thể thiếu trong hệ thống công trình cơ sở hạ tầng đô thị, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an toàn giao thông, tăng cường trật tự an ninh đô thị, làm đẹp cảnh quan môi trường, tăng tính thẩm mỹ cho đô thị, nhất là vẻ đẹp về ban đêm của các đô thị. Ông Đỗ Quốc Khánh, Trưởng Phòng Quản lý Hạ tầng Kỹ thuật, Cục Hạ tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng), cho rằng: Trong những năm qua, chiếu sáng công cộng tại các đô thị ở nước ta đã có những bước tiến mạnh mẽ, từ chỗ chiếu sáng nhằm đáp ứng yêu cầu cơ bản, nay đã tiến tới chiếu sáng đáp ứng nhu cầu về mỹ quan đô thị và chiếu sáng hiệu quả tiết kiệm năng lượng. Khoảng 10 năm qua, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chiếu sáng đô thị cũng đã được các cấp từ Trung ương đến địa phương chú ý hoàn thiện (được đề cập trong các Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả…). Hiện nay, công tác biên soạn và công bố các Quy chuẩn quốc gia, Tiêu chuẩn quốc gia về chiếu sáng công cộng sử dụng nguồn sáng led đang được các bộ, ngành Trung ương khẩn trương hoàn thiện, ban hành… để làm cơ sở đầu tư hệ thống chiếu sáng.

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết